Thứ Bảy, 28/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 1/11/2010 22:3'(GMT+7)

Thương mại hóa chip vi xử lý 32-bit VN1632: Không dễ!

Chip 32-bit VN1632 là một bước tiến trong công nghệ của ngành thiết kế vi mạch.

Chip 32-bit VN1632 là một bước tiến trong công nghệ của ngành thiết kế vi mạch.

Thành công đáng ghi nhận

Chip vi xử lý 32-bit VN1632 dựa trên kiến trúc RISC Harvard, kiến trúc pipeline 5 tầng, bộ nhớ cache bên trong, tập lệnh bao gồm 65 lệnh, độ rộng từ lệnh 32-bit, bộ nhân bằng phần cứng, có chế độ debug và thiết kế đồng bộ. Thành công của chip VN1632 chứng minh sự hiệu quả trong việc đầu tư của Nhà nước cho các dự án nghiên cứu vi mạch.

Qua quá trình thực hiện, ICDREC cũng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nền công nghiệp vi mạch của đất nước vì gần 100% chất xám tạo ra con chip nói trên là thành quả lao động của gần 40 kỹ sư, chuyên gia người Việt làm việc cật lực trong vòng 2 năm.

Chính vì thế, ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC khẳng định, chip vi xử lý 32-bit VN1632 phù hợp với nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là lĩnh vực cần độ bảo mật cao như an ninh, quốc phòng... Còn theo PGS-TS Lê Quang Minh, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, chip VN1632 là một trong các sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, phát triển phương pháp thiết kế và chế tạo chip vi xử lý kiểu RISC”, mã số: KC.01.08/06-10 được Bộ KH-CN đầu tư. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến mới của công nghệ vi mạch Việt Nam khi lần đầu tiên thiết kế thành công chip vi xử lý 32 bit với công nghệ IBM 0,13 micro met.

Trước đây, ICDREC đã nghiên cứu, sản xuất thành công chip 8 bit VN8-01. Nếu sản phẩm chip 8 bit VN8-01 được thiết kế nhằm ứng dụng trong các hệ thống mạch dân dụng, chuyên biệt thì chip 32 bit VN1632 đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống điều khiển phức tạp, đòi hỏi tốc độ cao như điện thoại di động, mã hóa/giải mã dữ liệu, thiết bị truyền thông… Chính vì thế, nhiều người cho rằng, việc Việt Nam thiết kế 1 con chip có khả năng ứng dụng cao là rất đáng mừng.

Càng đáng mừng hơn khi bên cạnh các dự án sản xuất chip, ICDREC cũng đang hướng đến phát triển thư viện lõi IP (bản thiết kế) để chào bán trên các sàn giao dịch quốc tế theo xu hướng kinh doanh công nghệ vi mạch của thế giới, đồng thời tích hợp các lõi IP này vào trong các hệ thống lớn hơn.

Khó khăn phía trước

Tuy nhiên, trước những thành công nói trên, ông Ngô Đức Hoàng cho rằng, đây chỉ là bước tiến về công nghệ. Vì nếu so giữa chip VN1632 với chip VXL 32-bit của Toshiba, ngoài những ưu điểm như trên vẫn còn một số nhược điểm như thiếu phần tiết kiệm năng lượng, vòng khóa pha, đơn vị quản lý bộ nhớ… Trong thời gian tới, ICDREC sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chip VN1632 nếu cần thiết phải ứng dụng trên các sản phẩm công nghệ đòi hỏi tiết kiệm năng lượng, vòng khóa pha, đơn vị quản lý bộ nhớ…

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, đây không phải là việc khó mà cái khó đầu tiên chính là việc xác định phân khúc thị trường, tức là những sản phẩm công nghệ sẽ ứng dụng chip 32 bit VN1632. Hiện nay, các công ty nhà nước vẫn chưa có nhiều những sản phẩm công nghệ sẵn sàng cho việc ứng dụng con chip này nên việc chuyển giao gần như chưa được thực hiện. Còn tìm đối tác tư nhân để kết hợp phát triển ứng dụng chip 32 bit VN1632 trong sản phẩm công nghệ cũng khó bởi ICDREC vốn chỉ là trung tâm nghiên cứu, khó có khả năng liên kết sản xuất.

Ông Hoàng giải thích thêm: “Theo Luật Sở hữu trí tuệ, ICDREC muốn trở thành đối tác liên kết sản xuất, phải là chủ sở hữu chip 32 bit VN1632 nhưng hiện Bộ KH-CN là chủ (chủ dự án đầu tư) nên ICDREC càng khó khăn trong việc tìm đối tác tư nhân, nước ngoài để thương mại hóa chip 32 bit VN1632”.

Còn muốn Bộ KH-CN chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ chip 32 bit VN1632 cho ICDREC lại phải đảm bảo các điều kiện, trong đó có điều kiện: “Khi chuyển giao, hai bên phải thực hiện đúng các điều kiện thương mại chấp nhận được”. Đó là điều quá khó để hình dung và định tính. Hơn nữa, chưa có một văn bản, nghị định nào hướng dẫn, quy định cụ thể về việc này nên mọi việc thêm khó khăn.

ICDREC đang hướng đến phát triển thư viện lõi IP để chào bán trên các sàn giao dịch quốc tế theo xu hướng kinh doanh công nghệ vi mạch của thế giới. Đây là hướng tương lai nhưng thực tế ICDREC cũng chưa biết quyết định ra sao cho đúng pháp luật sở hữu trí tuệ. ICDREC hiện có 42 lõi IP nhưng hiện chỉ chào bán có hai lõi IP vì số còn lại cũng vướng vào Luật Sở hữu trí tuệ (đa phần do Bộ KH-CN nắm do là nơi đầu tư, còn ICDREC chỉ là đơn vị tiến hành nghiên cứu, thực hiện). Hơn nữa, việc định giá lõi IP vẫn chưa thể thực hiện được vì hiện ở nước ta, chưa có một đơn vị, tổ chức nào làm việc định giá loại tài sản vô hình này.

Chính vì thế, theo ông Hoàng, 42 lõi IP hiện được ICDREC định giá là 34 triệu USD nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá thì không có, vậy nên việc phát triển thư viện lõi IP để chào bán trên các sàn giao dịch quốc tế cũng khá… xa xăm. Hơn nữa, nếu định giá không thành công, sẽ không có cơ sở làm tiền đề cho việc góp vốn đầu tư… Đây là điều cực khó khi thực tế ngành thiết kế vi mạch Việt Nam trong khoảng thời gian dài đang cố gắng gầy dựng.

Chính vì thế, ông Hoàng cho rằng, sau bao công sức cho ra đời các con chip và nhất là chip 32 bit VN1632 thì nay, người thiết kế vi mạch lại tiếp tục lao vào cuộc đua đi tìm giá trị, định vị giá trị của nó. Hơn bao giờ hết, ngành thiết kế vi mạch rất cần sự góp sức của các ban, ngành./.

Theo SGGP online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất