Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 19/1/2019 7:3'(GMT+7)

Tiến tới chính thức sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 18/1, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về việc thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, tiến tới chính thức sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, ngành kinh tế số là ưu tiên và nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ đề ra. Để thực hiện, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng là Chủ tịch đã được thành lập.

Thủ tướng ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, tiến tới chính thức sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia, đây là một trong những bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, tiến tới Chính phủ phi giấy tờ.

Trục liên thông văn bản quốc gia là nơi để gửi, nhận, chia sẻ văn bản giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Trên cơ sở nền tảng hạ tầng đó, tiếp tục cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp bằng việc cải cách, hướng tới người dân, doanh nghiệp không phải đến cơ quan nhà nước, không phải gặp trực tiếp cán bộ, cắt giảm chi phí về thời gian và các chi phí khác cho doanh nghiệp, người dân, thay đổi cách làm truyền thống. Phấn đấu khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 20/2/2019.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong quá trình thử nghiệm Trục liên thông văn bản quốc gia, có 95 đầu mối kết nối điểm đầu, điểm cuối và đã có 84/95 đầu mối kết nối có phản hồi, 81 đầu mối có phản hồi tốt. 11 đơn vị đang trong quá trình thử nghiệm.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Để khai trương thử nghiệm, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan thống nhất quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng, cải cách mạnh mẽ về quy trình thủ tục hành chính, trên cơ sở cải cách đó, ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành.

Bộ trưởng đề nghị trên cơ sở công bố kiến trúc khung, quy chuẩn, các địa phương chủ động rà soát toàn bộ hệ thống phần mềm, chỉnh sửa, nâng cấp, nếu không phù hợp có thể thay thế để tạo sự đồng bộ kết nối, chia sẻ. Cùng với đó, xây dựng thể chế hoàn chỉnh.

Thủ tướng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng nghị định quy định việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân, lưu trữ hồ sơ điện tử. Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì xây dựng các văn bản liên quan đến tiêu chí hồ sơ điện tử thay thế Nghị định 110/NĐ-CP, việc này phải công bố sớm.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh công tác truyền thông, đào tạo để mọi người dân, doanh nghiệp, cán bộ thực thi hiểu về dịch vụ công được cung cấp. Văn phòng Ủy ban Nhân dân các tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông là hai hạt nhân của địa phương trực tiếp tham gia. Ở Trung ương, Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông là hạt nhân trọng tâm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Văn phòng Chính phủ là cơ quan đi đầu, hình mẫu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là thực hiện Văn phòng Chính phủ không giấy tờ, chữ ký được số hóa. Trên cơ sở đó, tiến tới Chính phủ, các thành viên Chính phủ trao đổi trên nền điện tử để giảm thời gian và số lượng cuộc họp, giảm giấy tờ. Bộ trưởng giao Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) làm đầu mối hướng dẫn, trao đổi thông tin kết nối với các bộ, địa phương để cùng thống nhất cách làm; huy động sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp về công nghệ thông tin.

Tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan nhằm thúc đẩy tiến độ, chất lượng thử nghiệm, tiến tới triển khai chính thức gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; hoàn thiện căn cứ pháp lý; cập nhật phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; cấp chứng thư số, quản lý chứng thư số chuyên dùng Chính phủ phục vụ ký số và xác thực gói thông tin liên thông văn bản điện tử; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin gửi, nhận văn bản điện tử tránh lộ, lọt bí mật của các cơ quan nhà nước./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất