Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 19/10/2014 21:26'(GMT+7)

Tiếp cận đa chiều chính sách giảm nghèo - người nghèo sẽ thoát nghèo

Không thể áp dụng chính sách xóa đói vào giảm nghèo (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Không thể áp dụng chính sách xóa đói vào giảm nghèo (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Công cuộc giảm nghèo đã đạt được những thành tựu ấn tượng nhưng bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi cần có hướng đi phù hợp cho công cuộc thoát nghèo trong giai đoạn tiếp theo. Thực tế đó đang đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách phải thay đổi trong tư duy, trong việc xây dựng chuẩn nghèo làm cơ sở bình xét hộ nghèo trong việc đánh giá thực tiễn để có những thay đổi phù hợp.

Làm thế nào để chính sách giảm nghèo thực sự là động lực thoát nghèo là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên VOV với ông Lê Viết Thái – Trưởng Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

** Quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo đã cho thấy việc xoay vòng để hưởng hộ nghèo, mất cân bằng và chạy đua thành tích, bình xét đánh giá hộ nghèo là những câu chuyện đã diễn ra ở một số địa phương. Theo ông tại sao lại có thực trạng này?

Ông Lê Viết Thái: Theo tôi tình trạng này có từ rất nhiều nguyên nhân, tôi chỉ xin nêu ra một số nguyên nhân theo quan điểm của tôi là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này.

Trước hết đó là cách tiếp cận khi xây dựng chính sách giảm nghèo chưa phù hợp. Chính sách giảm nghèo được nối tiếp từ các chính sách xóa đói mà chúng ta đã thực hiện từ cuối những năm 80 đầu những năm 90, chủ yếu là những biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho những người đang bị đói. Sang giai đoạn thực hiện chương trình giảm nghèo, chúng ta lại áp dụng rất nhiều biện pháp mang tính chất tương tự như vậy, trực tiếp hỗ trợ cho các hộ nghèo. Với việc trực tiếp hỗ trợ như vậy, người nghèo như được nhận phần thưởng. Trong một bản, thôn người ta thấy rằng nên có sự quay vòng để được hưởng phần thưởng, đó là sự mất công bằng, đứng trên bình diện của toàn quốc. Tuy nhiên, trong một làng, một thôn, sự kết dính các gia đình với nhau tương đối chặt chẽ, việc xoay vòng để hưởng hộ nghèo, nhìn vào ta thấy đó là sự mất công bằng, nhưng đối với người dân, theo một nghĩa nào đó là công bằng. Có thể nói rằng, nghèo là khái niệm tương đối, nghèo ở vùng này so với vùng khác có khi vẫn là hộ trung bình; và nghèo nếu như bình xét thì đó là một bình xét tương đối giữa các hộ trong một thôn, làng cụ thể; và trong một khía cạnh nào đấy, cách bình bầu, cách xoay vòng vẫn mang tính bình quân chủ nghĩa, tạo ra một sự công bằng trong ngoặc kép trong xã hội làng xã của ta.

Ngoài ra, chính việc hỗ trợ trực tiếp, ví như cho mỗi hộ nghèo một tháng, một quý bao nhiêu tiền để hỗ trợ tiền điện, tiền học… hay những phần quà vào dịp lễ tết, những hỗ trợ đó giống như để bù đắp cho một hiện tượng… nghèo chứ không phải để họ thoát được cái nghèo.

** Với cách thực hiện chính sách giảm nghèo như vậy nên nhiều đối tượng thuộc diện được hỗ trợ giảm nghèo nhưng không được hưởng hoặc chỉ được thụ hưởng một cách nửa vời theo kỳ, theo giai đoạn. Sự tùy tiện trong đánh giá, bình xét hộ nghèo phải chăng do chuẩn nghèo được đưa ra chưa chuẩn, thưa ông?

Ông Lê Viết Thái: Chuẩn nghèo của ta đưa ra chưa chuẩn – nhận định đó có thể nói là đúng nhưng sâu xa hơn là thước đo chuẩn của ta rất khó có thể đo chuẩn được – đó chính là mức thu nhập. Trong xã hội hiện nay, trong tình hình hiện nay rất khó có thể tính được chính xác thu nhập của mỗi cá nhân là bao nhiêu. Trong khi đó, chỉ cần thu nhập dưới 400.000 đồng và trên 400.000 đồng là chế độ đãi ngộ, chế độ hưởng thụ khác hẳn nhau. Từ việc chúng ta lấy đúng thước đo là thu nhập đã dẫn đến một loạt vấn đề nảy sinh rất khó giải quyết.

Tôi nghĩ do chuẩn chúng ta đưa ra như vậy nên việc bình bầu thậm chí có khi còn mang được tính chính xác tương đối tốt hơn.

** Như vậy chuẩn nghèo đánh giá chỉ dựa trên thu nhập đang tạo ra những bất hợp lý trong thực tiễn áp dụng, vậy theo ông chúng ta cần phải có những thay đổi như thế nào?

Ông Lê Viết Thái: Như tôi đã nói chúng ta đã tiếp cận cách giảm nghèo giống như thời chúng ta xóa đói, nghĩa là những người không có đủ số lượng lương thực cụ thể thì được cung cấp lương thực, và giải quyết hiện tượng đói. Còn với nghèo thì khác hẳn, nếu chỉ nhìn thấy đúng tiêu chí thu nhập thì đó là hiện tượng nghèo. Khi tiếp cận nó để phân tích đưa ra giải pháp, chúng ta không phân tích từ nguyên nhân dẫn đến việc nghèo. Nếu phân tích được nguyên nhân chúng ta sẽ có những biện pháp khác. Ví dụ, nghèo có thể do tri thức của họ còn yếu, kinh nghiệm còn thiếu sức khỏe cũng không tốt, nếu tiếp cận một cách đa chiều như vậy chắc chắn sẽ có biện pháp, chính sách phù hợp hơn để giúp các hộ nghèo thoát nghèo hiệu quả.

** Tiếp cận nghèo theo cách đa chiều đã được tính đến. Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu theo ông cách làm này có khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay ra sao?

Ông Lê Viết Thái: Cách tiếp cận đa chiều là cách phân tích nguyên nhân vì sao dẫn đến hiện tượng nghèo trong xã hội, để từ đó có thể đưa ra những giải pháp mang tính gián tiếp chứ không phải trực tiếp hỗ trợ. Ví dụ, khi tiếp cận đa chiều người ta sẽ thấy rằng ở vùng này vấn đề giáo dục, dạy nghề còn yếu; y tế cũng đang còn yếu, cơ sở hạ tầng còn yếu… Từ đó sẽ đưa ra những giải pháp tăng cường đầu tư hơn nữa cho y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng. Những biện pháp hỗ trợ gián tiếp như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hộ nghèo có cơ hội tạo công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập; hoặc có thể phân biệt rõ những hộ nghèo mà tiếp tục nghèo là do trình độ khả năng của họ kém hay do ý thức của họ rất kém, họ không muốn thoát nghèo. Từ đó sẽ xác định một cách rõ hơn những nhóm hộ gia đình nghèo theo những tính chất khác nhau để từ đó có chính sách, giải pháp phù hợp cho từng nhóm.

** Như ông vừa phân tích, điều đó có nghĩa sẽ kéo theo rất nhiều chính sách đối với người nghèo cũng phải thay đổi nếu như chúng ta tiếp cận theo hướng đa chiều?

Ông Lê Viết Thái: Đúng như vậy, vì với cách tiếp cận đa chiều, chắc chắn các biện pháp, chính sách phải hoàn toàn thay đổi, không chỉ thay đổi đề phù hợp với các nhóm nghèo mà thay đổi để phù hợp với từng địa phương, ví như làm thế nào để bà con nghèo ở vùng núi phía Bắc thoát nghèo sẽ khác hẳn với cách làm cho đồng bào ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ thoát nghèo. Những giải pháp, chính sách đó khi áp dụng cho 63 tỉnh, thành phố không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau.

** Từ thực tế, việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo đã cho thấy chính sách ưu việt nhưng khi thực hiện không tốt sẽ trở thành lợi bất cập hại. Ông có bình luận gì về nhận xét này khi đó là những chính sách cho người nghèo?

Ông Lê Viết Thái: Theo tôi ý tưởng của chính sách là ưu việt bởi mục tiêu giảm nghèo là mục tiêu mang tính nhân văn rất cao trong xã hội. Tuy nhiên theo nhận định của tôi, chính sách lại không ưu việt, nếu tiếp cận như vậy chính sách không phù hợp, thực hiện lại không tốt, chắc chắn sẽ dẫn đến hiện tượng lợi bất cập hại. Thực tế đã chỉ ra rằng hiện nay hiện tượng không muốn thoát nghèo đã nảy sinh và phát triển ở nhiều địa phương, nảy ra tâm lý ỷ lại ở không ít hộ nghèo.

** Vậy chúng ta phải xử lý tình trạng này thế nào để chính sách giảm nghèo thực sự là động lực để thoát nghèo. Theo ông cần đặt ra vấn đề gì như việc hoạch định, tổ chức thực hiện được công bằng, minh bạch, hiệu quả?

Ông Lê Viết Thái: Chính sách giảm nghèo của chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công song cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề cần khắc phục. Trong giai đoạn tới chính sách giảm nghèo cần được đổi mới theo một số hướng. Quan trọng nhất là tư duy về hoạch định chính sách phải thay đổi, phải khác với giai đoạn đưa ra những chính sách để xóa đói. Tức là phải có phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nghèo, từ đó cách tiếp cận phải đa chiều hơn; các biện pháp phải được đổi mới theo hướng ngày càng tăng các biện pháp gián tiếp và giảm trực tiếp để những người nghèo thực sự có ý chí vươn lên thoát nghèo sẽ được hưởng lợi nhiều hơn; những người không có ý chí vươn lên thoát nghèo chỉ được hưởng các chính sách an sinh xã hội để họ có được mức sống tối thiểu. Một khi họ không có ý định thoát nghèo, dù có hỗ trợ họ bao nhiêu đi nữa họ cũng không bao giờ có thể thoát nghèo. Một Chương trình mục tiêu quốc gia hay dự án về giảm nghèo không thể áp dụng cho cả 63 tỉnh, thành phố, mà cần có một khung với những dự án thành phần và tạo điều kiện linh hoạt cho các địa phương để các địa phương chủ động tùy theo tình hình của địa phương mình tập trung vào những dự án thành phần phù hợp như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Quá trình thực hiện cần có sự giám sát, thông qua các tổ chức dân cử như Hội đồng Nhân dân các cấp, nhưng năng lực của các cơ quan giám sát quá yếu nên việc người dân tham gia giám sát cũng sẽ hiệu quả để ngăn ngừa hiện tượng tham nhũng. Tuy nhiên để hỗ trợ cho việc giám sát của người dân, quá trình thực hiện các chính sách giảm nghèo cần minh bạch, rõ ràng và dân chủ hơn. Tức là ngay từ khâu hoạch định đến khâu giám sát cần phải huy động được sự tham gia của người dân cũng như các tổ chức trong xã hội. 

Quan trọng hơn, trong quá trình giảm nghèo vừa qua, cần có sự phân tích, đánh giá tìm ra những vấn đề tồn tại dẫn đến việc thiếu hiệu quả.

** Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất