Tiếp cận khái niệm "dân chủ" từ góc độ lịch sử, chính trị
Vào thế kỉ thứ IV trước công nguyên, tại Thành bang Aten (Hy Lạp) đã xuất hiện thể chế chính trị tiến bộ, mang dáng dấp nền dân chủ sơ khai: Mọi công dân (nam) từ 18 tuổi đều được tham gia vào cơ quan quản lý nhà nước theo hình thức rút thăm. Từ đó đến nay, khái niệm “dân chu” ngày càng trở thành một ý tưởng chủ đạo cho niềm mơ ước của con người, vì đó là cơ sở để con người được thể hiện "nhân quyền" và "dân quyền", hướng tới một xã hội "như trong mơ"- xã hội không có người bóc lột người. Trải qua các thời kì lịch sử, do bối cảnh cụ thể mà khái niệm “dân chu” có những hình thức và tên gọi khác nhau như: Dân chủ chủ nô; Dân chủ quân sự; Dân chủ lập hiến; Dân chủ tư sản; Dân chủ nhân dân; Dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dù có các trạng thái khác nhau, song khái niệm "dân chủ" được dùng để chỉ tính chất chế độ xã hội mà trong đó người dân được thể hiện quyền làm chủ của mình. Theo kinh nghiệm lịch sử: con người luôn hướng tới những giá trị nhân bản, trong đó "nhân quyền" và "dân chủ" là những giá trị sống có ý nghĩa bao hàm nhất, trở thành lý tưởng lâu dài, được hiện thực hóa dần dần thông qua cách mạng.
Ngay từ khi tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, rồi truyền bá vào Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: các cuộc cách mạng xã hội theo khuynh hướng tư sản như của Anh, Mỹ, Pháp đều chưa triệt để, vì nhân dân lao động chưa thực sự được giải phóng; áp bức bất công vẫn tồn tại, quyền lợi vẫn tập trung vào tay giai cấp tư sản. Chính vì thế, Người đã lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng mà giai cấp vô sản Nga đã tiến hành. Hiện nay, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đang lãnh đạo nhân dân hướng tới xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới là nền dân chủ toàn diện, triệt để theo đúng nghĩa mà Lênin nhận định: đó là nền dân chủ gấp triệu lần so với dân chủ tư sản. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với những trải nghiệm lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về "dân chủ". Theo cách hiểu hiện nay về dân chủ xã hội chủ nghĩa thì quyền làm chủ của nhân dân phải tuân theo một số nguyên tắc như:
- Người dân được xác định quyền con người, quyền công dân (tự do, bình đẳng), có bổn phận và quyền lợi được luật pháp qui định, bảo vệ.
- Hệ thống chính trị của đất nước được thiết lập, duy trì vì lợi ích tối thượng: chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đảm bảo hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân.
- Tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thuộc quyền sở hữu của nhân dân; được bảo vệ và khai thác để phát triển đất nước, phục vụ đời sống của nhân dân.
- Nhân dân làm chủ thông qua những hoạt động chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội được pháp luật cho phép, phù hợp với tính chất chế độ chính trị - xã hội mà quốc gia hướng tới, phù hợp với thuần phong mĩ tục của dân tộc, địa phương.
Các nguyên tắc nêu trên được vận dụng để xây dựng luật pháp, tổ chức bộ máy nhà nước, thúc đẩy quá trình cách mạng về tư tưởng, cải cách về thể chế chính trị và nền hành chính, làm cho các hoạt động xã hội ngày càng mang tính dân chủ - gọi là "dân chủ hóa".
Vận dụng khái niệm "dân chủ" vào lĩnh vực giáo dục
Giáo dục là một lĩnh vực có tính đặc thù, hoạt động của giáo dục diễn ra trong nhà trường và phải tuân theo một chương trình, kế hoạch, nội qui, qui chế, sách giáo khoa, giáo trình được xây dựng, phê duyệt trước cho từng cấp, bậc học. Chính vì thế mà người ta ít nói đến khái niệm "dân chủ" trong dạy học. Đã có một thời kì khá dài, những người làm công tác giáo dục cũng như các bậc phụ huynh luôn quan niệm "học trò như tờ giấy trắng, người thầy vẽ gì thì học trò được nấy", sự lệch lạc đã vô hình trung làm mất dần tính tự chủ, sáng tạo của người học. Công tác quản lý, phương pháp giảng dạy trong các nhà trường bộc lộ nhiều vấn đề trái chiều với tính dân chủ trong giáo dục, đó là:
- Thầy dạy theo lối “nhồi sợ”, buộc học trò phải ghi chép, ghi nhớ những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa, giáo trình. Trò học theo lối học vẹt, ghi nhớ máy móc mà không hiểu, không vận dụng được kiến thức vào cuộc sống.
- Sự đánh giá về chất lượng giáo dục thường bị chi phối chủ quan bởi người dạy và các cấp quản lý giáo dục; hình thức kiểm tra, thi không phát huy được trí sáng tạo của người học, trói buộc người học vào việc ôn luyện vì "ứng thí".
- Nhà trường trở thành một địa hạt riêng biệt, trong đó có những quyền uy được thể hiện theo các cấp độ, với các đối tượng khác nhau, tạo thành mối e ngại, sợ sệt của cấp dưới đối với cấp trên, của người học với người dạy.
- Làm nảy sinh những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục (chạy tuyển sinh vào trường, chạy mở trường, mở mã ngành; chạy để được vào lớp chọn, chạy để được điểm cao; chạy chỉ tiêu, chạy biên chế, chạy qui hoạch và bổ nhiệm), khiến cho giáo dục bị đen màu thương mại.
- Gây sự mất đoàn kết nội bộ giữa cán bộ quản lý với nhà giáo, giữa các nhà giáo với nhau; tạo ra khoảng cách và sự miệt thị giữa cán bộ quản lý và nhà giáo với công nhân viên; phân tầng giàu - nghèo giữa những người học.
Tình trạng đó biểu hiện trong nhiều vụ việc đã được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây bức xúc, bất bình, lo ngại trong xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường giáo dục cho thế hệ trẻ. Vấn đề "dạy làm người" đang chịu những tác động trong trọng từ sự mất dân chủ trong giáo dục; sự học không còn là niềm vui mà đang trở thành "nỗi khổ" của người học và phụ huynh; cơ hội "mọi người được học" và có thể "học suốt đời" đang bị nghẽn lại; các giá trị truyền thống về "tôn sư trọng đạo" không còn thánh thiện như xưa.
Chu Văn An, người được dân ta ngợi ca là bậc "Vạn thế sư biểu" của giáo dục Việt Nam đã nhận định: "Xem trong sử sách, chưa thấy có nước nào coi thường sự học mà tiến bộ". Soi lại lịch sử thế giới đều thấy những nước có nền văn minh, sớm phát triển đều rất coi trọng "sự học", coi đó là nền tảng phát triển quốc gia. Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa và hướng tới nền kinh tế tri thức, các quốc gia hùng mạnh cũng như các quốc gia đang phát triển đều đã xác định giáo dục là một trong những khâu đột phá quan trọng nhất để vượt qua thách thức thời đại. Lênin đã từng mơ ước có được một nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ. Nhật Bản đã từng lấy cải cách giáo dục để trở thành cường quốc tư bản và hồi sinh từ đống tro tàn sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trung Quốc xác định "khoa giáo hưng quốc" để nổi lên sau hơn 30 năm cải cách mở cửa. Hoa Kỳ cũng như Nga đều coi giáo dục là chìa khóa để tiếp tục khẳng định vị thế siêu cường trên thế giới. Tuy nhiên, sự coi trọng giáo dục không chỉ được thể hiện trong tuyên bố của các nguyên thủ quốc gia, mà nó được hiện sinh vào cơ chế, chính sách giáo dục, nhằm thiết lập một hệ thống giáo dục mở, tạo cơ hội học tập suốt đời và giúp mỗi người có thể tự học để làm chủ cuộc sống.
Trong xu thế như vậy, Ủy ban quốc tế về giáo dục đã đề ra 6 nguyên tắc cơ bản của giáo dục thế kỉ XXI:
- Giáo dục là quyền cơ bản của con người và cũng là giá trị chung nhất của nhân loại;
- Giáo dục, chính quy và không chính quy, đều phải phục vụ xã hội; giáo dục là công cụ để sáng tạo, tăng tiến, phổ biến tri thức và khoa học, đưa tri thức và khoa học đến với người khác;
- Các chính sách giáo dục phải chú ý phối hợp hài hòa cả ba mục đích: công bằng, thích hợp và chất lượng;- Muốn tiến hành cải cách giáo dục phải xem xét kỹ lưỡng và hiểu biết sâu sắc về thực tiễn, chính sách và các điều kiện cũng như những yêu cầu của từng vùng;
- Vì các vùng khác nhau về kinh tế, xã hội và văn hóa, cho nên phải có các cách tiếp cận phát triển giáo dục thích hợp với từng vùng. Nhưng các cách tiếp cận đa dạng ấy đều phải chú ý tới các giá trị chung, các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế: các quyền con người, khoan dung và hiểu biết, dân chủ, trách nhiệm, bản sắc văn hóa, bảo vệ hòa bình, môi trường, chia sẻ tri thức, giảm đói nghèo, dân số, sức khỏe;
- Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả mọi người.
Căn cứ vào các nguyên tắc trên mà giáo dục của các nước tiên tiến được thiết lập theo mô hình mở, trong đó thể hiện những khía cạnh dân chủ như:
Sự học là một trong những quyền và nghĩa vụ công dân; trước khi trở thành công dân thực thụ, mỗi người phải được trang bị căn bản về những kiến thức, kĩ năng, tư tưởng tình cảm thông qua giáo dục nhà trường;
Tính chất nền giáo dục chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng, hướng vào chất lượng đại trà, cho số đông, nhưng hết sức coi trọng phát huy năng lực cá nhân;
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong điều tiết ngân sách với mức ưu tiên hàng đầu cho giáo dục, trong quản lý, giám sát sự vận hành hoạt động giáo dục theo khuôn khổ luật pháp;
Nhà nước đảm bảo kinh phí và các điều điều kiện cần thiết để thực hiện giáo dục bắt buộc theo độ tuổi từ mầm non đến phổ thông;
Nhà nước quản lý về chương trình khung, cho phép các bang, các tỉnh được tự chủ về thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể. - Nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục luôn hướng tới tính cơ bản, tinh giản, cần thiết, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh, phát huy tính tự học của người học;
Trong kiểm tra, đánh giá không thiên về tái hiện kiến thức ở dạng học thuộc mà chú trọng phát huy sự vận dụng sáng tạo của người học, chú ý gắn lý thuyết với thực tế;
Những lực lượng tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục (nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, phụ huynh) cũng như toàn xã hội phải thực hiện nguyên tắc dân chủ trong giáo dục;
Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được nâng cao, trở thành phương tiện hỗ trợ tích cực cho việc học tập sáng tạo, cá thể hóa của người học;
Các khía cạnh trên cho thấy dân chủ trong giáo dục không chỉ là ý tưởng mà được hiện thực hóa vào môi trường giáo dục, làm cho chủ thể của sự nghiệp giáo dục (người học) được phát triển nhân cách bởi nội dung, phương pháp giáo dục có tính dân chủ, được đảm bảo quyền con người trong tiếp cận giáo dục.
Hồ Chí Minh đã dạy: "Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"; "Muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa". Như vậy, giáo dục là cái gốc cho sự hưng thịnh quốc gia, là động lực cho sự phát triển hướng tới "giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Thang bậc phát triển của mọi chế độ xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực quốc gia; con người có giáo dục, được giáo dục "nên người" với vốn kiến thức, kĩ năng vừa cơ bản, vừa cập nhật, được hình thành những giá trị nhân cách cao đẹp chắc chắn sẽ là chủ nhân kiến tạo mô hình xã hội chủ nghĩa. Những chủ nhân tương lai, những lớp người mà Bác Hồ gọi là "thế hệ cách mạng cho đời sau" không tự sinh ra là đã có những đức tính tốt và kiến thức hay, mà phải là sản phẩm đặc biệt của một quá trình giáo dục, được chăm lo, dạy dỗ, rèn luyện trong môi trường gia đình - nhà trường - xã hội đậm tính nhân văn, dân chủ. Do vậy, khi đề cập đến tính "dân chủ" trong giáo dục không nên bó hẹp trong nhà trường, cần phải mở rộng ra xã hội và đi vào mỗi tế bào xã hội (gia đình).
Theo Hồ Chí Minh thì dân chủ là làm cho mọi người được phát biểu chính kiến, thể hiện nguyện vọng và hành động tự giác, trách nhiệm vào các vấn đề thuộc quyền công dân đối với đất nước. Vận dụng tư tưởng đó vào trong giáo dục có nghĩa là: phải làm thế nào để người học, người làm công tác giáo dục, phụ huynh được "nói" và "làm" vì sự phát triển của giáo dục, trực tiếp mang lại hiệu quả và chất lượng cao trong giáo dục. Quá trình làm cho giáo dục có "dân chủ" thực sự phải là một cuộc cách mạng trong tư duy làm giáo dục, chuyển từ tính chất một nền giáo dục áp đặt đối với người học (thiên về ý muốn chủ quan của nhà quản lý, của nhà giáo, của phụ huynh) sang một nền giáo dục khuyến khích phát triển "những năng lực vốn có" của người học. Để thực hiện được sứ mệnh ấy, cần có một hệ giải pháp tổng thể cho các vấn đề như:
- Triết lý giáo dục được lựa chọn theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về "Coi con người là trung tâm của mọi sự phát triển", "Học đi đôi với hành", hình thành thế hệ trẻ "vừa hồng vừa chuyên".
- Mục tiêu giáo dục phản ánh lý tưởng chính trị của Đảng về định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội bằng chính con người Việt Nam; phù hợp với khuyến cáo của UNESCO về 4 trụ cột giáo dục thế giới trong thế kỷ XXI (Học để biết; Học để làm; Học để cùng chung sống, học cách sống với người khác; Học để tự khẳng định mình).
- Hệ thống giáo dục quốc dân được cấu trúc theo mô hình mở, tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập, dần dần hình thành kinh tế tri thức.
- Chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, thiết bị giáo dục được thiết kế hướng vào phát huy năng lực của người dạy và người học; nội dung và phương pháp giáo dục có tính mềm dẻo, linh hoạt, kích thích sự tự giác, tự học, sáng tạo cho người học.
- Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không chỉ là các nhà chuyên môn giỏi mà còn là những tấm gương "mô phạm" về nhân cách, biết lấy nhân cách của bản thân để giáo dục nhân cách cho người học.
- Các lực lượng xã hội, trước hết là phụ huynh tham gia vào giáo dục không chỉ đơn thuần là tiền của, sự ngợi ca, tôn vinh hay phê phán mà cần nỗ lực cho sự lành mạnh hóa môi trường giáo dục, nhất là giáo dục gia đình.
"Dân chủ hóa" trong giáo dục tức là làm cho các hoạt động trong ngành giáo dục, liên quan, hỗ trợ cho ngành giáo dục được vận hành có tính "dân chủ. Muốn hiện thực hóa tư tưởng đó, bản thân những người trực tiếp vận hành hoạt động giáo dục các cấp (nhất là trong các cơ sở giáo dục) phải nghiêm túc thực thi nguyên tắc dân chủ trong quản lý chuyên môn, trong giảng dạy. Dân chủ, không có nghĩa là đẩy toàn bộ trách nhiệm giáo dục cho dân mà rất cần vai trò "bao cấp" của nhà nước về kinh phí, về cơ chế, chính sách, nhằm đảm bảo công bằng và an sinh giáo dục; phát huy tối đa quyền dân chủ của nhân dân vào việc góp ý, giám sát hoạt động giáo dục theo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, theo đúng pháp luật./.
TS. Trần Viết Lưu