Kể từ ngày 1-12-2018, Cục Phòng, Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thực hiện tiếp nhận thông tin phản ánh về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua số điện thoại và hộp thư điện tử.
Cụ thể như sau: Tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp (trong giờ hành chính): 08048228; tiếp nhận thông tin bằng tin nhắn qua điện thoại di động: 0911156161; tiếp nhận thông tin qua hộp thư: cucchongthamnhung@thanhtra.gov.vn.
Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc so với năm 2017. Năm 2018, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết gần 28 nghìn vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,7% (khiếu nại 21 nghìn vụ việc, đạt 83,4%; tố cáo gần 7.000 vụ việc, đạt 84,9%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân hơn 210 tỷ đồng, gần 100 ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 1.800 tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý vi phạm 462 người (đã xử lý 372 người), chuyển cơ quan điều tra chín vụ. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 59%, tăng 5,6% so với năm 2017; tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm tỷ lệ 4%, chủ yếu là tố cáo cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu khách quan trong giải quyết các vụ án; tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm tỷ lệ 2,2%, giảm 1,9% so với năm 2017...
Cùng thời điểm này, Bộ Công an đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ công an. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp phản ánh thông tin về những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ công an đến đường dây nóng của Bộ Công an, theo số điện thoại: 0692342593. Thông tin phản ánh đến đường dây điện thoại nóng có thể bị từ chối tiếp nhận khi cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin không nêu rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc nội dung thông tin cung cấp không có cơ sở, căn cứ rõ ràng, không đủ điều kiện để tiếp nhận, giải quyết; quá trình trao đổi cung cấp thông tin có lời lẽ, thái độ lăng mạ, xúc phạm, không đúng mực; nội dung thông tin không liên quan đến tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ công an.
Có thể thấy rõ, việc tiếp nhận thông tin về phòng, chống tham nhũng đã được mở rộng trên nhiều hình thức khác nhau. Đây là nội dung được đông đảo nhân dân quan tâm và mong muốn đạt được những kết quả tích cực, cụ thể. Bởi trong thực tế, việc tiếp nhận thông tin tố cáo, khiếu nại từ cơ sở có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang ráo riết thực hiện và đạt những kết quả quan trọng.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tiếp nhận và xử lý các thông tin tố cáo, khiếu nại về tham nhũng thật sự hiệu quả, tránh hình thức, đối phó, làm cho có, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân và hiệu quả công việc. Muốn vậy, các cơ quan chức năng cần xây dựng những quy định cụ thể, công khai kết quả xử lý. Việc tiếp nhận thông tin và xử lý phải bảo đảm bí mật đối với nguồn tin để đối tượng bị phản ánh không có cơ hội tẩu tán bằng chứng, tài liệu, thậm chí dùng ảnh hưởng, mối quan hệ của mình để tác động đến cơ quan, cá nhân liên quan với mục đích tạo sự bao che… Do đó, việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng phải rất chặt chẽ và đặt tính bảo mật nguồn tin lên hàng đầu. Chỉ có những người có thẩm quyền giải quyết mới có thể tiếp cận, đồng thời phải có chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức trong việc thực hiện quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng. Bên cạnh đó, những thông tin phản ánh về hành vi có dấu hiệu tham nhũng mà tổ chức, cá nhân chủ động cung cấp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có địa chỉ cụ thể, các chứng cứ kèm theo đủ tính thuyết phục và rõ ràng. Qua đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xem xét, làm rõ…
Theo Nhân dân