(TG) - Chiều ngày 14/11, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện một số nhiệm vụ của ngành giáo dục đào tạo trong thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng lãnh đạo các cục, vụ của Bộ.
Báo cáo với Đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết việc thừa thiếu giáo viên diễn ra ở cả trong một cấp học và ở các cấp học khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên dạy môn này không thể điều chuyển sang dạy môn khác; giáo viên cấp này không chuyển sang dạy cấp khác khi không đảm bảo trình độ chuẩn đào tạo. Việc điều chuyển giáo viên giữa các địa phương cũng khó khăn vì các địa phương được tổ chức tuyển dụng riêng.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp; chỉ đạo nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên; giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm sát với nhu cầu sử dụng; rà soát, quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên.
Đề cập về xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt là tập trung chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học, bảo đảm công khai, minh bạch; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa heo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.
Cùng với đó, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa để dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới; hướng dẫn biên soạn tài liệu nội dung giáo dục của địa phương; tổ chức rà soát, điều chỉnh các chuẩn, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện của địa phương.
Đối với kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệp công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, nhất là năm 2018, trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo toàn ngành rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi; sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với các đối tượng tham gia kỳ thi.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan, trung thực của kết quả thi; theo đó, sẽ tổ chức chấm theo cụm, đảm nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Kết quả trung thực, khách quan sẽ là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa để dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới; hướng dẫn biên soạn tài liệu nội dung giáo dục của địa phương; tổ chức rà soát, hoàn thiện các chính sách về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhằm tạo thuận lợi và động lực cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Ban hành chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước theo các chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý đã ban hành; xây dựng và triển khai hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng trên phạm vi cả nước; phối hợp với các địa phương tổ chức bồi dưỡng giáo viên bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới;
Xây dựng, ban hành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật; đẩy mạnh kiểm định chất lượng đối với các trường sư phạm.
Hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; tổ chức rà soát, điều chỉnh các chuẩn, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện của địa phương; ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hướng dẫn các địa phương mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp với các môn học; bổ sung trang thiết bị dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, đồng thời tổ chức cho giáo viên và học sinh tự làm thiết bị dạy học, vừa đáp ứng nhu cầu dạy và học, vừa nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông nhằm tăng cường hiểu biết về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Xây dựng và thực hiện Kế hoạch triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; coi trọng chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo sự thành công.
Trong thời gian chưa thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi toàn quốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh; chú trọng thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; đặc biệt vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong tình hình mới; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tốt kỳ thi THPT quốc gia 2019; công tác phân luồng học sinh đồng thời, quan tâm, nâng cao nhận thức đội ngũ giáo viên tin tưởng, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29.
Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Thanh Long đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm hơn công tác truyền thông về giáo dục, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội các bước tiếp theo của quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các thầy cô giáo, chúc ngành Giáo dục gặt hái được nhiều thành tựu mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Duy Phong