Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 28/7/2010 15:7'(GMT+7)

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác Tuyên giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình hiện nay

Một hội nghị báo cáo viên ở Gia Lai. Ảnh minh họa

Một hội nghị báo cáo viên ở Gia Lai. Ảnh minh họa

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp nhiều công sức, nhất là trong đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng giao lưu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc thiểu số Việt Nam luôn vững tin vào sự nghiệp cách mạng, không quản ngại hi sinh gian khổ, một lòng một dạ đi theo Đảng, theo cách mạng, có những đóng góp quan trọng trong cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngay từ khi ra đời và được thể hiện nhất quán qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn coi "Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn"[1], đề cao đường lối đại đoàn kết dân tộc, có những chính sách, biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự sự phát triển mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, công tác tuyên giáo đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, giáo dục đường lối cách mạng, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội tới nhân dân, góp phần nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, tăng cường đời sống vật chất và tinh thần, củng cố ổn định xã hội, thúc đẩy sự vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong những năm đổi mới vừa qua, tình hình vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến toàn diện và mạnh mẽ: quyền bình đẳng dân tộc được củng cố, thể hiện sống động trên nhiều lĩnh vực. Khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được tăng cường. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Phong trào xóa đói giảm nghèo thu được kết quả rất ấn tượng, ngày càng bền vững. Mặt bằng dân trí được nâng lên. Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố vững chắc. An ninh chính trị, quốc phòng được giữ vững. Công tác tuyên giáo đã thể hiện vị trí, vai trò quan trọng đưa đến những thành tựu quan trọng đó. Đường lối đổi mới của Đảng, các chủ trương, nghị quyết, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thông qua công tác tuyên truyền giáo dục được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả đã được phổ biến sâu rộng trong cán bộ, nhân dân. Trên cơ sở đó, các địa phương đã có biện pháp cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước gắn với tình hình đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng; kịp thời truyền đạt những nguyện vọng, tâm tư của đồng bào tới các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Công tác tuyên giáo trên địa bàn cả nước nói chung, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trong những năm qua cũng có nhiều đổi mới quan trọng, trong đó có những điểm nổi bật sau:

- Nội dung tuyên truyền giáo dục ngoài việc bảo đảm chuyển tải đến cán bộ và nhân dân những nghị quyết, chủ trương, chính sách, các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và của các cơ quan Trung ương, đã gia tăng ngày càng nhiều hơn những nội dung sát hợp với tình hình vùng đồng bào dân tộc, như: chính sách dân tộc, vấn đề tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc, chính sách xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc, các chính sách hỗ trợ miền núi, vùng đồng bào dân tộc, biên giới,... Đặc biệt, việc tuyên truyền, giáo dục các mô hình xây dựng đời sống văn hóa mới, những mô hình kinh tế, những tiến bộ khoa học kỹ thuật sát với điều kiện vùng đồng bào dân tộc đã gia tăng mạnh mẽ, có sức hấp dẫn lớn, được đồng bào đón nhận nhanh hơn, nhiều hơn, cụ thể hơn và vận dụng hiệu quả vào cuộc sống của mình.

- Phương pháp tuyên truyền giáo dục ngày càng phong phú, được đổi mới theo hướng phù hợp hơn với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều chỉnh linh hoạt với nội dung tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, vai trò chủ động, tích cực của người tiếp thu nghị quyết đã được coi trọng hơn; tăng cường thảo luận, trao đổi trong quá trình học tập, tiếp thu nghị quyết. Cùng với việc tăng cường, đổi mới phương pháp tuyên truyền miệng, việc sử dụng phương tiên hiện đại trong nhiều trường hợp đã phát huy tốt tác dụng. Các hình thức tuyên truyền giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng và tuyên truyền các mô hình điểm, lồng ghép công tác tuyên truyền giáo dục với các hoạt động dã ngoại, thăm quan thực tế được tiến hành nhiều hơn, hiệu quả hơn.

- Các kênh thông tin phục vụ công tác tuyên giáo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc ngày càng đa dạng, hiện đại hóa. Tiêu biểu như chương trình phát thanh, truyền hình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, sử dụng ngôn ngữ của đồng bào; mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới điện thoại, internet, phát hành báo chí, các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã, nhà văn hóa thôn bản,... Các công cụ, phương tiện hiện đại phục vụ công tác tuyên giáo được trang bị đến tận cơ sở.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo được tăng cường một bước quan trọng. Ban tuyên giáo các cấp đã quan tâm bổ sung những cán bộ người dân tộc thiểu số hoặc những cán bộ người Kinh nhưng sinh ra, lớn lên ở vùng dân tộc thiểu số, am hiểu và đồng cảm với đồng bào. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo được chú ý thường xuyên. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ ở các ban Đảng và các cơ quan khác, nhất là Ban Dân vận, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc cũng tham gia trực tiếp và gián tiếp vào công tác tuyên giáo một cách rất hiệu quả.

Bên cạnh những thành tựu đạt được là cơ bản, công tác tuyên giáo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra: Một số nội dung quan trọng trong các chủ trương, nghị quyết, cuộc vận động mới chỉ được truyền đạt chung chung, phần lớn chỉ dừng lại tới cán bộ, đảng viên. Việc cụ thể hóa, vận dụng các chủ trương, nghị quyết trong quá trình thực hiện công tác tuyên giáo chưa thật sát với điều kiện miền núi, vùng đồng bào thiểu số. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục chưa đa dạng, linh hoạt; vẫn còn dập khuôn, nặng tính hình thức mà thiếu sự điều chỉnh cần thiết gắn với đặc thù từng vùng, từng dân tộc. Chưa khai thác tốt truyền thống văn hóa, đặc điểm tâm lý của đồng bào trong công tác tuyên giáo. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo ở một số cơ sở còn mỏng, hạn chế về năng lực.... Thực tế một số điểm "nóng" từng xuất hiện ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như nhiều nghị quyết, chương trình, dự án quan trọng thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa mang lại kết quả cao như mong muốn có một phần trách nhiệm của công tác tuyên giáo chưa thực sự đi trước một bước, thực hiện chưa đạt mức yêu cầu.

Bên cạnh đó, đời sống kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số đã được nâng lên một bước nhưng thiếu tính bền vững; chủ yếu do sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các cấp, các ngành, chứ chưa phát huy tốt yếu tố nội lực là chủ yếu. Nhiều chương trình, dự án thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số gặp khó khăn, kết quả không cao. Các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là một trọng điểm mà các thế lực thù địch hoạt động chống phá với nhiều thủ đoạn, trong đó việc thiếu thông tin cũng là một điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền xấu, gây chia rẽ, mất ổn định. Nhiều vấn đề về dân tộc, tôn giáo, an ninh, quốc phòng vẫn còn âm ỷ tồn tại, diễn biến phức tạp, khó lường. Thực trạng kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như chiến lược phát triển của Đảng ta đối với khu vực này cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên giáo.

Từ thực tế cùng những yêu cầu đặt ra đối với sự nghiệp phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc tăng cường, đổi mới công tác tuyên giáo ở đây cần được thực hiện đồng bộ những biện pháp sau:

1. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung tuyên truyền, giáo dục theo tinh thần hướng về cơ sở, ngày càng bám sát đặc điểm, tâm lý đồng bào dân tộc thiểu số ở từng vùng.

Nội dung công tác tuyên giáo chủ yếu là những nghị quyết, chủ trương, chỉ thị, chương trình, cuộc vận động do Trung ương ban hành, phát động, bởi vậy là những vấn đề có tính nguyên tắc, không thể thay đổi. Đổi mới nội dung ở đây theo nghĩa cần tăng cường những nội dung thật sát hợp với đồng bào; giảm việc chuyển tải đơn thuần, máy móc những nội dung mang nặng tính lý luận. Cần có quy định cho phép ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng thời gian học những nghị quyết liên quan trực tiếp đến miền núi và các dân tộc thiểu số so với thời gian ấn định của Trung ương. Thậm chí, một số nghị quyết quan trọng nhưng ít liên quan trực tiếp đến vùng này có thể rút ngắn thời gian. Một số nội dung nghị quyết, chương trình, cuộc vận động khi về đến cấp tỉnh có thể bổ sung, tăng cường những nội dung mang tính "dân tộc hóa", để từ đó qua cấp huyện và cơ sở sẽ ngày càng sát hơn với đồng bào. Ví dụ, khi học tập tuyên truyền Tư tưởng Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 23 của Bộ Chính trị, bên cạnh việc học tập theo các chuyên đề quy định, một số địa phương miền núi đã làm sâu thêm, bổ sung chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng dân tộc, về tôn giáo gắn với vùng đồng bào dân tộc, quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc,... rất hiệu quả. Thực tế cũng cho thấy cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới" được các tỉnh chuyển hóa cụ thể thành các chương trình, đề án sát với tình hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", khi tập trung vào các câu chuyện kể về tấm gương đạo đức của Bác hiện diện trong khung cảnh miền núi, gắn với đồng bào đã làm tăng sức cuốn hút và hiệu quả cuộc vận động....

2. Đa dạng hóa về phương pháp, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp tuyên truyền giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng phát huy tính tự giác, tinh thần chủ động của đối tượng tuyên truyền.

Việc đa dạng hóa các kênh, các hình thức, phương pháp tuyên giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang đặt ra một cách cấp thiết, nhất là khi trên thực tế vẫn còn rất phổ biến hình thức học tập trung tại hội trường, giảng - nghe nghị quyết một chiều, tiếp thu thụ động. Ở miền núi, khoảng cách giữa thôn bản và trung tâm xã có khi lên tới 20, 30 km đường mòn, triệu tập một hội nghị toàn thể là rất khó khăn; một số đảng viên nghe và nói tiếng phổ thông còn hạn chế, sẽ là hình thức nếu như phải đi cả ngày đường chỉ để nghe giảng về những việc tại Thủ đô mà thậm chí nhiều người chưa một lần về thăm, bằng ngôn ngữ bác học rất xa lạ. Trong khi đó, còn rất nhiều hình thức, phương pháp khác có thể vận dụng hiệu quả, nhất là hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua mô hình,...

Cần tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục một cách trực tiếp, cụ thể, dắt tay chỉ việc; tăng cường bàn bạc, trao đổi, khuyến khích đồng bào bầy tỏ ý kiến và giải đáp thắc mắc ngay trong hội nghị, cuộc họp. Biện pháp này xuất phát từ đặc điểm đồng bào các dân tộc thiểu số nhìn chung có trình độ văn hóa so với người Kinh là chưa cao; trình độ lý luận và năng lực nhận thức lý luận của một số cán bộ, đảng viên và nhiều người dân còn hạn chế, nhất là những vấn đề đòi hỏi tư duy lý luận cao. Việc tuyên truyền qua sách báo hoặc học tập lý luận, trong rất nhiều trường hợp thường rất khó tổ chức và hiệu quả không cao bằng các hình thức tuyên truyền trực tiếp, nhất là tuyên truyền miệng. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc rất chất phác, cần cù, tôn trọng danh dự, gét giả dối, thiên về tư duy kinh nghiệm. Niềm tin chỉ được củng cố vững chắc khi họ nghe được, thấy được việc thực, người thực. Khi đồng bào đã thấy rõ vấn đề, được thuyết phục, tin theo thì niềm tin được xây dựng một cách vững chắc, khó có thể lay chuyển; nhưng khi chưa được thuyết phục, thiếu niềm tin thì không thể bắt tay thực hiện công việc. Nếu chỉ dừng lại ở nghị quyết, chương trình, chính sách mà thiếu các biện pháp tuyên truyền phù hợp để mọi người cùng thấy rõ từng chi tiết, cụ thể hóa các bước tiến hành thì sẽ khó thuyết phục được đồng bào.

Việc phát huy tính tự giác, tinh thần chủ động tiếp nhận tri thức của đối tượng là người dân tộc thiểu số, trên thực tế lại dễ hơn như một số người nhận định. Người dân tộc thiểu số vốn bản tính thẳng thắn, thật thà, không giữ ý một cách không cần thiết, nếu thấy vấn đề gì chưa thông chưa hiểu là hỏi ngay và thậm chí hỏi đến cùng; tranh luận rất thẳng thắn, dù đôi khi hơi bảo thủ, song cũng vì thế mà người truyền đạt dễ nhận biết những điểm yếu, điểm thiếu ở họ để nêu và giải quyết trúng vấn đề. Yêu cầu đặt ra là người truyền đạt cần chuẩn bị kỹ và chủ động gợi mở các vấn đề trong quá trình truyền đạt để tăng cường trao đổi, thảo luận, tăng tính hấp dẫn, sôi nổi và phát huy tính chủ động nhận thực của người tiếp thu trong quá trình hoạt động tuyên giáo.

3. Tăng cường, đổi mới đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo ở vùng dân tộc thiểu số.

Đội ngũ cán bộ thuộc ban Tuyên giáo các cấp thường đã được ấn định về số lượng theo biên chế. Nhưng ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần thiết được tăng hơn về số lượng, bởi cán bộ tuyên giáo phải đảm nhận công việc trên một địa bàn trải rộng, dân cư không tập trung, đi lại khó khăn mất nhiều thời gian. Mặt khác, trên một địa bàn thường có nhiều dân tộc cư trú xen kẽ (như ở miền núi phía Bắc mỗi huyện thường có trên 10 dân tộc khác nhau) mà không dễ gì một người có thể am hiểu tình hình, phong tục tập quán của tất cả các dân tộc để thực hiện công tác tuyên giáo một cách sát hợp. Cũng từ hoàn cảnh trên, bộ máy cán bộ tuyên giáo không nên chỉ vươn tới cấp xã như ở miền xuôi mà cần thiết phải tới từng bản làng, từng dân tộc.

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo ở miềm núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần thiết chú ý đến những cán bộ người dân tộc bản địa,, song ngược lại cũng không nên tuyệt đối hóa vị trí, vai trò của họ. Thực tế cho thấy, không phải trong mọi trường hợp đồng bào chỉ tin người dân tộc mình, mà đôi khi họ còn tin cán bộ người Kinh hơn. Với họ, cán bộ người Kinh có kiến thức rộng hơn, mới hơn, cách tuyên truyền hay hơn, nắm được nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật mới mà đồng bào đang mong đợi. Vấn đề quan trọng là sự am hiểu và đồng cảm của cán bộ tuyên giáo với đồng bào. Và đây cũng là yêu cầu quan trọng, là một phẩm chất không thể thiếu đối với người cán bộ tuyên giáo.

Khi chưa thể mở rộng biên chế hoặc sự mở rộng cũng chỉ có giới hạn, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có thể tăng cường theo hướng tăng số cán bộ không chuyên và số giảng viên kiêm chức. Chú ý cơ cấu đội ngũ giảng viên kiêm chức cả theo nội dung, lĩnh vực chuyên môn và theo dân tộc hoặc là sự am hiểu sâu tình hình dân tộc trên địa bàn. Phát huy vai trò đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng họ trong việc tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn mình, dân tộc minh. Cần gắn kết, phát huy vai trò của bộ đội biên phòng, giáo viên, y bác sỹ trong công tác tuyên huấn, bởi đây là đội ngũ có trình độ, tâm huyết, đồng cảm với đồng bào, thường xuyên gắn kết với đồng bào, bám sát địa bàn và trên thực tế họ đã là những cán bộ tuyên giáo không chuyên mà thậm chí có những ưu thế nhất định so với những nguồn cán bộ khác. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc sử dụng đội ngũ này, thời gian tới Ban Tuyên giáo các cấp cần mở những lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hiện công tác tuyên giáo cho họ, sử dụng họ theo hướng lâu dài, ngày càng chuyên nghiệp.

Công tác tuyên giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình hiện nay có những yêu cầu cao, đặc thù; việc thực hiện có nhiều khó khăn so với các địa bàn khác nói chung. Trong những năm qua, nỗ lực của ngành Tuyên giáo các cấp, rộng hơn nữa là những cán bộ làm công tác tuyên giáo nói chung trên địa bàn này đã vượt lên được nhiều khó khăn, về cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong thời gian tới, trên cơ sở những thành quả đã đạt được, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nêu trên chắc chắn sẽ mang lại kết quả tích cực hơn nữa, khẳng định rõ hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt của ngành tuyên giáo, của công tác tuyên giáo trên địa bàn chiến lược này.

TS. Nguyễn Ngọc Hà
Học viện Chính trị- Hành chính Khu vực I
Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb CTQG. H, 1996, tr. 125.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất