Chiều 6/3, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) đã tổ chức Lễ ký kết Hiệp định Chương trình Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (2014-2018).
Đây là Dự án Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan (IPP) có thời gian thực hiện là 4,5 năm (8/2009 - 2/2014) với tổng kinh phí và 7,19 triệu Euro (trong đó 89% là từ nguồn hỗ trợ không hoàn lại do Chính phủ Phần Lan tài trợ và 11% là nguồn đối ứng từ ngân sách của Việt Nam). Mục tiêu chính của Dự án là góp phần tăng cường năng lực cho Hệ thống KH&CN Việt Nam để các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo có thể đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào mục tiêu chung đưa Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình vào năm 2020.
Trên cơ sở đó, Dự án được thiết kế tập trung vào 4 phần chính: Hoàn thiện khung pháp lý về KH&CN; Nâng cao năng lực quản lý KH&CN từ trung ương đến địa phương;Tăng cường hiệu quả liên kết giữa nghiên cứu và thị trường, giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp;Đẩy mạnh quan hệ đối tác KH&CN giữa Việt Nam và Phần Lan.
Dự án IPP được phía Phần Lan đánh giá cao, được xem là một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ Phần Lan hỗ trợ Việt Nam vào giai đoạn hiện nay (lấy KHCN làm động lực phát triển kinh tế-xã hội). Giai đoạn 1 của Dự án IPP đã đạt được những kết quả tốt. Phần Lan đã đồng ý tiếp tục hỗ trợ Việt Nam dự án IPP giai đoạn 2 với tổng kinh phí là 11l triệu Euro trong đó, viện trợ không hoàn lại là 9,9 triệu Euro và phía Chính phủ Việt Nam đối ứng 1,1 triệu Euro trong 4 năm (2014-2018).
Mục tiêu chính của IPP giai đoạn 2 là tập trung hỗ trợ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để Luật KH&CN và chiến lược vào cuộc sống; Tăng cường đào tạo về đổi mới sáng tạo (ĐMST) thông qua việc hoàn thiện giáo trình về ĐMST và tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho các nhà quản lý KHCN (các tỉnh thành), các doanh nghiệp và các Viện nghiên cứu; Hỗ trợ, phát triển một số sản phẩm cấp vùng; Hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn đổi mới công nghệ (để hỗ trợ các doanh nghiệp); Hình thành chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo VN-PL dưới hình thức hỗ trợ các nhà khoa học và doanh nghiệp của hai nước xây dựng các nội dung hợp tác; Nghiên cứu và thí điểm giải thưởng về ĐMST.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 270/QĐ-TTg phê duyệt danh mục Dự án ''Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn II'' sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Phần Lan và quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 27/2/2014 phê duyệt nội dung Dự thảo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Phần Lan cho Dự án ''Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn II'' và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định trên với Đại sứ của Phần Lan tại Việt Nam. Giai đoạn II của IPP sẽ góp phần cùng với nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới để tạo ra những đột phá trong lĩnh vực KHCN, tạo điều kiện gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng hàm lượng khoa học cao, để KHCN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội./.
IPP là chương
trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Phần Lan, nhằm giúp xây
dựng năng lực ĐMST cho giới quản lý KH&CN và doanh nghiệp Việt Nam
trên cơ sở áp dụng kinh nghiệm, kiến thức về ĐMST mà Phần Lan đã thực
hiện thành công trong khoảng 30 năm trở lại đây. |
Vân Khánh