Ðông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, với tổng GDP năm 2022 chiếm 31%, thu ngân sách chiếm 45% tổng thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vùng đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn mức trung bình cả nước, đặc biệt tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2023 ở khá mức thấp.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khu vực Đông Nam Bộ có mạng lưới gần 3.500 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD), phòng giao dịch, Quỹ tín dụng nhân dân. Đến hết quý 1/2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1/2023 là 1,2%; tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,7% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1 là 2,6%)).
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng NHNN cho biết, nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng của vùng Đông Nam Bộ thấp là do tăng trưởng kinh tế vùng đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, một số địa phương có mức tăng GRDP quý 1 ở mức thấp hoặc tăng trưởng âm. Doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn. Số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.
Ngoài ra, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch của khu vực còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp...
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, theo phản ánh từ các Hiệp hội ngành hàng tại khu vực Đông Nam Bộ, đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay từ các chính sách ưu đãi mà Chính phủ và NHNN đã ban hành, như gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 từ Chính phủ. Mặc dù NHNN đã giảm lãi suất điều hành, nhưng với mức lãi suất cho vay từ 10 - 11% như hiện nay (giảm khoảng 1% so với đầu năm), nhiều doanh nghiệp không “thiết tha” vay vốn vì lãi suất vẫn cao, trong khi đó nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn do không có đơn hàng, kinh doanh không lãi, thậm chí âm vốn...
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, mặc dù các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp linh hoạt, kịp thời trong thời gian qua mới chỉ giải quyết vấn đề chung, trên thực tế sức khỏe của doanh nghiệp đang rất yếu, vẫn cần thêm nhiều chính sách trợ lực hơn để doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Cụ thể, nên có những gói vay ưu đãi dành riêng cho từng nhóm ngành hàng với thủ tục giải ngân đơn giản nhất có thể cho các doanh nghiệp.
Cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn tín dụng, trước tiên NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, nhanh chóng và nhất quán các chính sách ưu đãi từ Chính phủ và NHNN đã ban hành để doanh nghiệp sớm tiếp cận, trách tình trạng “độ trễ” lớn, làm chậm cơ hội phát triển của doanh nghiệp trong vùng. Về lâu dài, NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% ngay trong tháng 5 này, qua đó các tổ chức tín dụng có dư địa để tiếp tục giảm thêm lãi suất cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục nhanh chóng trở lại.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới có ý nghĩa rất lớn, giúp kích cầu người mua, giúp doanh nghiệp bất động sản tăng thanh khoản. Từ đó, kéo theo sự phục hồi và phát triển của nhiều ngành nghề liên quan tới bất động sản.
Để tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, ông Phan Văn Mãi đề nghị NHNN theo dõi, phát triển trung tâm tài chính; giúp TP Hồ Chí Minh xây dựng trung tâm tài chính quốc tế để kéo cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển. TP Hồ Chí Minh cũng sẵn sàng nhận thí điểm cơ chế mới, mô hình mới thuộc lĩnh vực ngân hàng để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được tiếp cận các chính sách ưu đãi từ NHNN.
Doanh nghiệp cần tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì việc làm khôi phục sản xuất.
Liên quan đến vấn đề lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, NHNN đã chủ động, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng cũng đang tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước để có các giải pháp điều hành chính sách hiệu quả nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, sắp tới, để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Mặt khác, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, NHNN sẽ chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: thường xuyên chỉ đạo tài chính tín dụng đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức.
"Riêng đối với các khó khăn về tiếp cận tín dụng khu vực Đông Nam Bộ, NHNN sẽ có những chỉ đạo các NHNN chi nhánh các tỉnh, thành Đông Nam Bộ phối hợp với các sở, ngành, Thành phố để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Cụ thể, các đơn vị sẽ tìm hiểu khó khăn và đưa ra giải pháp trong tiếp cận vốn tại các ngân hàng thương mại, kể cả không tiếp cận được vốn tín dụng cũng phải rõ lý do cho người dân và doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm./.
Theo baotintuc.vn