Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 27/9/2011 15:5'(GMT+7)

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Dự thảo Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 xác định rõ mục tiêu chiến lược của Giáo dục Việt Nam là tập trung nâng cao chất lượng toàn diện, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; nhấn mạnh đến việc “dạy người”, đồng thời với “dạy chữ” và dạy nghề…; xác định nhiều giải pháp quan trọng về đổi mới quản lý giáo dục; phát triển nhân lực ngành giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục; nhà nước và xã hội tăng cường đầu tư cho giáo dục, gắn giáo dục - đào tạo với nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục - đào tạo.

Cơ bản đồng tình với các nội dung của Dự thảo Chiến lược, các thành viên Chính phủ cũng đã góp ý về vấn đề này.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, nội dung của Chiến lược cần được cụ thể hóa hơn, đồng thời lưu ý tới việc cân đối nguồn lực trong quá trình thực hiện.

Khẳng định việc tăng cường các nguồn lực cho giáo dục là hết sức cần thiết, và trên thực tế nguồn ngân sách dành cho giáo dục-đào tạo ngày càng tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và một số thành viên Chính phủ đề nghị Chiến lược cần thể hiện rõ việc quản lý, phân bổ và sử dụng để nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục-đào tạo đạt hiệu quả tốt nhất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị cần quan tâm tới việc đổi mới mô hình quản lý giáo dục, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, các trường học không chỉ là trung tâm đào tạo mà còn là trung tâm nghiên cứu khoa học. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong bối cảnh nước ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng, giải pháp thứ 7 về phát triển giáo dục cần nhấn mạnh việc hội nhập quốc tế về giáo dục.

Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng cho rằng cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho giáo dục-đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, qua đó góp phần tạo nền tảng cơ bản để xóa đói, giảm nghèo ở những vùng khó khăn này…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng Chiến lược cũng nên có mục tiêu cụ thể về số trường đại học đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, cùng với đó còn là các nội dung liên quan đến học phí; vấn đề trường công lập và tư thục; về đào tạo liên thông,  văn bằng…

Góp ý cho Chiến lược, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng mô hình phát triển giáo dục của chúng ta hiện nay chủ yếu theo chiều rộng, quản lý giáo dục còn thiếu chuyên nghiệp; trình độ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa hạn chế… làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng cần đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách về giáo dục; phải làm thay đổi  cách nhìn nhận trong xã hội về khoa cử, bằng cấp, tránh tạo ra áp lực xã hội về chuyện bằng cấp…Đi liền với đó là rà soát và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; rà soát lại việc tuyển sinh của các trường đại học, nhất là các trường dân lập...

Cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chiến lược phát triển Giáo dục nước nhà là vấn đề lớn. Thủ tướng nói muốn phát triển đất nước theo chiều sâu, muốn xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tất cả đều phụ thuộc yếu tố con người, sản phẩm của một nền giáo dục.

Thủ tướng cho rằng chiến lược gốc phát triển giáo dục chính là các Nghị quyết của Đại hội Đảng, nghị quyết của BCH Trung ương về giáo dục và đào tạo. Chiến lược phát triển giáo dục là sự " cụ thể hóa" chiến lược gốc -  đường lối của Đảng về phát triển giáo dục nước nhà. Do đó, Chiến lược phải thể hiện được một tư tưởng chủ đạo là giải quyết được những tồn tại, yếu kém hiện nay của nền giáo dục. Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu cũng cần phải chỉ ra được những yếu kém cũng như nguyên nhân chủ quan, khách quan của yếu kém để khắc phục./.

(Theo: VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất