Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 23/10/2017 11:5'(GMT+7)

Tiếp tục mở rộng điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone


*Phóng viên: Gần đây có thông tin cho rằng Việt Nam không tiếp tục triển khai điều trị Methadone,  thông tin này có chính xác không, thưa ông? 

*Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh: Xét trên góc độ tổng thể quốc gia, thông tin này là không đúng vì các lý do sau đây: 

Thứ nhất, theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, tính đến hết năm 2016 cả nước có 210.751 người nghiện ma tuý; trong đó, nghiện ma túy tổng hợp là 20.778 người, chỉ chiếm 9,8%. Trong khi đó số liệu báo cáo về người nghiện các chất dạng thuốc phiện là 159.844 người, chiếm tới 75,8%, trong đó heroin là 154.102 người (73,1%) và thuốc phiện là 5.742 người (2,7%); cần sa là 3.418 người; cocaine là 238 người; sử dụng nhiều loại ma tuý là 4.219 người (2%). Tất nhiên, không loại trừ tình huống có thể ở một nơi nào đó, trong một nhóm, ở một thời điểm thì số người nghiện ma túy tổng hợp là chủ yếu có thể xảy ra. Do vậy, các phát ngôn về tình hình nghiện ma túy tổng hợp rất cần bổ sung thông tin cụ thể về địa bàn, số lượng nhóm đối tượng và nguồn truy xuất số liệu để tránh hiểu nhầm. 

Mặt khác, vì nhiều lý do nên người nghiện ma túy thường lẩn trốn, che giấu, phần lớn không tự khai báo tình trạng nghiện theo qui định tại điều 26 của Luật phòng chống ma túy cho đến khi họ bị bắt quả tang là có sử dụng ma túy. Do vậy, con số hơn 210.000 người nghiện có hồ sơ quản lý được báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, con số thực tế người nghiện ma túy còn lớn hơn nhiều và trong đó số nghiện heroin, nghiện thuốc phiện cũng lớn hơn nhiều so với số liệu gần 160.000 được báo cáo. 

Thứ hai, các nghiên cứu và khảo sát cho thấy có hiện tượng người nghiện thay đổi loại ma túy họ sử dụng trong từng giai đoạn. Tùy vào điều kiện kinh tế, tâm lý, trào lưu và tính sẵn có của ma túy, người nghiện có thể chuyển từ nhóm ma túy tổng hợp sang dùng heroin, thuốc phiện và ngược lại, hoặc song song dùng nhiều loại ma túy; cũng có một số người chung thủy với một loại ma túy. Như vậy, con số báo cáo là 159.844 người nghiện các chất dạng thuốc phiện, chiếm tới 75,8% vào tháng 12/2016 có thể thay đổi. Họ có thể chuyển sang dùng ma túy tổng hợp hoặc ngược lại, số nghiện ma túy tổng hợp chuyển sang dùng heroin, thuốc phiện, hoặc dùng hai loại ma túy khác nhau. Cho dù có sự thay đổi thì số người nghiện heroin, chất thuốc phiện vẫn chiếm con số rất lớn. Do đó, tính sẵn có của cơ sở điều trị Methadone là cần thiết cho người nghiện khi họ có nhu cầu điều trị.   

Trước thực trạng này, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, điều tra bài bản, khoa học, định kỳ để có con số chính xác về số người nghiện trên địa bàn và nghiện loại ma túy nào để có phương án điều trị đúng; tránh những nhận định chủ quan, phiến diện, không phản ánh đúng thực trạng nghiện tại địa phương. 

Thứ 3, trên bình diện quốc gia, nước ta đang rất cần mở rộng điều trị thay thế bằng Methadone bởi vì, tính đến tháng 6/2017 cả nước mới chỉ điều trị thay thế bằng Methdone cho gần 52.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Như vậy, chưa đến 1/3 số người nghiện chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng Methadone, còn hơn 100.000 người chưa được điều trị, tức là nhu cầu còn rất lớn. Do vậy, các tỉnh, thành phố phải rà soát số người nghiện các chất dạng thuốc phiện thực tế tại địa phương để thiết lập các cơ sở để điều trị Methadone cho phù hợp. Theo qui định của Chính phủ, quận huyện nào có từ 250 người nghiện chất dạng thuốc phiện trở lên thì mở 1 cơ sở điều trị Methadone, nơi nào ít hơn 250.000 người thì đặt cụm liền kề giữa các huyện hoặc thiết lập điểm cấp phát thuốc Methadone vệ tinh. 

*Phóng viên: Ông có thể cho biết hiệu quả điều trị Methadone trên thế giới được đánh giá như thế nào? 

*Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh: Hiệu quả chính của điều trị nghiện bằng Methadone đã được đánh giá tại các nước trên thế giới là: Người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, không còn nhu cầu bức bách kiếm tiền để mua ma túy nên giảm tội phạm và giảm bạo lực gia đình. Người nghiện có khả năng lao động và tạo thu nhập, được sống hòa nhập với gia đình, cộng đồng, chi phí điều trị thấp. Chính vì vậy, Chính phủ chủ trương mở rộng điều trị Methadone cho người nghiện chất dạng thuốc phiện trên toàn quốc. 

Trên thế giới, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại Canada từ năm 1959 (tức là từ 58 năm trước) và đến nay đã được mở rộng ra gần 80 quốc gia. Một số nước triển khai chương trình điều trị bằng Methadone rất hiệu quả như: tại Mỹ, đến năm 2010 đã có hơn 267 nghìn người được điều trị Methadone; tại Úc, liệu pháp Methadone triển khai từ năm 1969, đến nay đã có 35.850 người được điều trị; tại châu Á, liệu pháp Methadone đã được thực hiện ở nhiều nước (Trung Quốc triển khai từ năm 2004, tính đến cuối năm 2010 đã có 140.000 người tham gia điều trị)... 

*Phóng viên: Vậy việc điều trị thay thế bằng Methadone cho người nghiện chất dạng thuốc phiện tại Việt Nam đã đạt được hiệu quả như thế nào, thưa ông? 

*Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh: Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai thí điểm tại Việt Nam từ năm 2008, đến nay cũng đã chứng minh được tính hiệu quả tương đương với hiệu quả của chương trình tại nhiều nước trên thế giới. 

Theo đó, chương trình Methadone được triển khai đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15,87%. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng trên 5 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng. 

Đồng thời, bệnh nhân đã giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV. Nếu trước điều trị có tới trên 86,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy thì sau 6 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn 53,9% và sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng. Phân tích tình trạng sử dụng chung bơm kim tiêm cho thấy, tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm rõ rệt chỉ còn 2% trong nhóm bệnh nhân còn tiêm chích ma túy đang tham gia điều trị trên 24 tháng so với 21% trước điều trị. Những thay đổi tích cực về giảm tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm và tăng tỷ lệ thường xuyên sử dụng bao cao su trong nhóm bệnh nhân tham gia chương trình đã góp phần dự phòng lây nhiễm HIV từ nhóm những người tiêm chích ma túy sang bạn tình của họ và cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị như viêm gan B, C, giang mai. Sau 24 tháng tham gia điều trị, chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số 1.000 bệnh nhân. 

Bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã cải thiện về mặt sức khỏe (thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống). Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian điều trị. Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao. Ngoài ra, chương trình cũng đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng tham gia vào chương trình điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi bệnh nhân tham gia điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi bán và cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh chóng từ 90,3% trước điều trị xuống 2,27% sau 24 tháng điều trị. 

Chương trình Methadone đã mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và toàn xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 64,4% đã tăng lên 75,9% sau 24 tháng điều trị. Nếu không tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trung bình một người bệnh tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (tức khoảng 84 triệu đồng/năm), trong khi đó, chi phí điều trị trung bình cho 1 bệnh nhân chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/năm. Hiện nay, 52.231 bệnh nhân đang được điều trị thì đã tiết kiệm được khoảng 4.387 tỷ đồng/năm.../. 

Hồng Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất