Trong 2 ngày 8-9/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đã tổ chức 4 buổi tiếp xúc cử tri tại các địa phương để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Tại các buổi tiếp xúc, đại biểu Quốc hội đã thông báo với cử tri về dự kiến chương trình nghị sự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; đồng thời báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri Trà Vinh sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Nhiều cử tri mong muốn Trung ương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp các tuyến giao thông như đường, cầu nông thôn trên địa bàn, hạ thế điện phục vụ nhu cầu sản xuất; hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi xuống còn 75 tuổi thay vì 80 tuổi như hiện nay và nâng định mức trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi…
Theo cử tri xã huyện Trà Cú, mía là cây trồng chủ lực của địa phương, với tổng diện tích toàn huyện gần 4.400 ha, chiếm hơn 80% diện tích mía toàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, nông dân trồng mía trên địa bàn liên tục gặp khó về thị trường tiêu thụ khiến đời sống rất bấp bênh. Các hộ trồng mía mong muốn được ngành chức năng hỗ trợ liên kết tìm đầu ra ổn định cho cây mía; đồng thời hỗ trợ nông dân đánh giá tạp chất của mía, do hiện nay Công ty cổ phần mía đường Trà Vinh đánh giá tạp chất quá cao, dẫn đến thiệt thòi cho nông dân.
Cử tri huyện Cầu Kè lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng tăng, mong muốn ngành giáo dục có giải pháp ngăn ngừa hữu hiệu vấn nạn này. Cử tri tại địa phương cũng cho rằng các chương trình cải cách giáo dục hiện nay khá “nặng”, gây quá tải cho học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học.
Cử tri thành phố Trà Vinh bày tỏ phấn khởi trước sự quyết liệt phòng, chống tham nhũng thời gian qua của Trung ương; đồng thời mong muốn Trung ương có giải pháp đủ mạnh xử lý tận gốc vấn đề này, nghiêm trị đối tượng tham nhũng và có biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, cử tri trên địa bàn cũng phản ánh tình trạng Dự án thoát nước và xử lý nước thải ở thành phố sau khi thi công xong không hoàn trả lại hiện trạng mặt đường như ban đầu, nhiều nơi mặt cống cao hơn mặt đường gây trở ngại và nguy hiểm cho người tham gia giao thông…
Tất cả ý kiến của cử tri trong tỉnh đã được các Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương giải trình, ghi nhận. Những ý kiến thuộc thẩm quyền của Trung ương, Đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp và trình Quốc hội xem xét giải quyết trong thời gian tới.
* Từ ngày 2 - 9/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri tại 8 huyện, thành phố trên địa bàn.
Tại các buổi tiếp xúc, các Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông tin đến cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018 của tỉnh và cả nước; hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 kỳ họp thứ 4 và thứ 5; kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh 4 tháng đầu năm 2018; báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của cơ quan có thẩm quyền.
Cử tri trong tỉnh bày tỏ sự phấn khởi trước những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước, đời sống của người dân đang chuyển biến rõ nét, nhất là vùng nông thôn mới. Nhiều cử tri rất hài lòng với chủ trương, kết quả xây dựng nông thôn mới và đề xuất có chế độ, chính sách cho cán bộ cơ sở vì chế độ khá thấp, trong khi hiện phải kiêm nhiệm nhiều việc, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng nông thôn mới và công khai, minh bạch trong quá trình lấy ý kiến người dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình.
Cử tri là đồng bào dân tộc Châu Ro ở huyện Châu Đức còn mạnh dạn đề nghị Trung ương quan tâm, có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào dân tộc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, biết cách sản xuất và chăn nuôi tiên tiến, tạo điều kiện đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Cử tri huyện Côn Đảo đề nghị Trung ương xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư vào Côn Đảo; sớm triển khai dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo; đầu tư lưới điện cho Côn Đảo vì máy phát điện không đủ cho nhu cầu phát triển; xây dựng nhà máy xử lý rác cho đảo và trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo đang bị xuống cấp. Ngoài ra, cử tri tại các điểm tiếp xúc cũng đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng gây ô nhiễm môi trường, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng nhái, hàng kém chất lượng… diễn ra ở nhiều nơi, tác động xấu tới sức khỏe người dân.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri, đề nghị các cơ quan chức năng tại địa phương giải quyết, xử lý những vấn đề thuộc phạm vi quản lý; đồng thời tổng hợp các ý kiến để gửi lên Quốc Hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
* Ngày 9/5, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp và ghi nhận những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, để tìm ra hướng tháo gỡ trong quá trình thực thi các bộ luật mà Quốc hội đã thông qua tại các kỳ họp trước đó.
Nhiều vấn đề được lãnh đạo các sở, ngành, lực lượng vũ trang đưa ra tập trung chủ yếu trong việc giải quyết việc làm, an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác quản lý tài sản công, xử lý tang vật những vụ án không có quyết định xử lý hình sự, tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép…
Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh Lý Hồng Sinh cho rằng, theo quy định điều 208, của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, quy định về thời gian giám định không quá 30 ngày làm việc là không hợp lý đối với một số vụ án hình sự mang tính chất nghiêm trọng hay có biểu hiện phức tạp, không thể có kết quả giám định trong vòng 30 ngày theo luật quy định. Cụ thể, một vụ án hình sự chết người không rõ nguyên nhân, cần giám định thi thể, giám định đồng chất… nên cần nhiều thời gian để trưng cầu giám định và thời gian có kết quả là rất lâu, có thể hai đến ba tháng.
Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, quy định chi tiết một số trường hợp được gia hạn thời gian giám định, điều tra để xử lý đúng tiến độ theo quy định. Về xử lý vật chứng đối với các vụ án bị đình chỉ khởi tố hình sự, do tính chất vụ việc chỉ ở mức dân sự nhưng tài sản vi phạm đi kèm bị tịch thu là rất lớn như: Mô tô, điện thoại, linh kiện điện tử… cần thanh lý ngay khi còn giá trị để nộp ngân sách nhà nước, nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên không thể tiến hành đấu giá, gây thất thoát khá lớn ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay lực lượng giáo viên mầm non đang thiếu hụt nghiêm trọng. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, năm học 2017-2018 thiếu 566 giáo viên mầm non và dự kiến năm học 2018-2019 sẽ thiếu 717 giáo viên mầm non. Để giải quyết việc này cũng rất khó khăn do chỉ tiêu của ngành không còn. Sở đang kiến nghị UBND tỉnh và đã có công văn gửi Bộ Nội vụ xin ý kiến về việc cho ký hợp đồng có thời hạn tuyển thêm giáo viên mầm non...
Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tiếp thu và ghi nhận các ý kiến, cũng như những phản ánh liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật tại các đơn vị sở, ngành thuộc UBND tỉnh và tổng hợp các báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa ra cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sắp tới./.
PV