Chủ Nhật, 24/11/2024
Hoạt động y tế
Thứ Sáu, 25/12/2015 21:16'(GMT+7)

Tìm giải pháp giúp người tiêu dùng nhận biết "thực phẩm bẩn"

Chiều 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo để kiểm điểm công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016. 

Năm 2015, với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, công tác an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến tích cực. Qua thanh tra, kiểm tra, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 37,2% năm 2014 lên 51,1%. 

Riêng lực lượng quản lý thị trường kiểm tra xử lý trên 5.000 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, với số tiền phạt hành chính trên 17 tỷ đồng. Tỷ lệ cơ sở bị đình chỉ hoạt động tăng từ 1,3% năm 2014, lên 5,2% năm 2015. 

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi được đẩy mạnh. Công tác giám sát và phân tích nguy cơ tiếp tục được duy trì, triển khai bài bản, đã kịp thời đưa ra cảnh báo và xử lý các trường hợp, sự cố mất an toàn thực phẩm, thông tin kịp thời đến người tiêu dùng. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, đã thí điểm kết nối thành công cơ chế hải quan một cửa quốc gia về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế, giúp minh bạch hóa quy trình thẩm định hồ sơ, giảm thời gian, nhân lực... cho doanh nghiệp. 

Tình hình ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát, giảm nhiều về số vụ, số người mắc, số tử vong so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt không để xảy ra các vụ ngộ độc tại các hội nghị, sự kiện lớn của đất nước và các đợt nghỉ lễ dài ngày. 

Tính đến ngày 15/12/2015, toàn quốc ghi nhận trên 170 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5000 người mắc, giảm số vụ, số mắc, số tử vong so với năm 2014. 

Tuy nhiên, nhiều hạn chế đã được các đại biểu chỉ ra, đó là: sự phối hợp của chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, thiếu tính thống nhất. 

Việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú ý chưa được cải thiện. Việc lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa được ngăn chặn. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra. 

Tỷ lệ cơ sở cơ sở thực phẩm xếp loại C sau tái kiểm tra chiếm tỷ lệ cao, tới gần 80%, chưa xử lý dứt điểm đối với những cơ sở này...

Năm 2016, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tiếp tục triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc, tập trung các vấn đề, như: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các thành phố và các cơ sở sản xuất kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng. 

Đồng thời, ban chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ an toàn thực phẩm và triển khai tại các địa phương; giám sát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu qua biên giới, tập trung vào 6 tỉnh biên giới trọng điểm về nhập khẩu thực phẩm; duy trì hoạt động kiểm soát thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Mở rộng các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn quốc như mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, chợ an toàn, thức ăn đường phố... 

Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Bính Thân và mùa lễ hội Xuân năm 2016, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: thịt, các sản phẩm từ thịt, rượu, bia, bánh, mứt, kẹo, củ, quả..., trong đó chú trọng những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Trong quá trình thanh, kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác này. Việc thực hiện được triển khai đồng loạt trên cả nước từ 20/12/2015 đến hết 25/3/2016. Mục tiêu phấn đấu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2016 và thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2015. 

Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã, phường, bảo đảm các cơ sở được thanh, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng của người dân. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành trong đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm qua. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm, nhất là đối với việc sử dụng phụ gia chế biến thực phẩm, chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật...

Đây là vấn đề đã thực hiện trong nhiều năm nhưng vẫn cần quyết liệt làm tiếp trong thời gian tiếp theo. Việc thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã có nhiều tiến bộ nhưng dư luận nhân dân chưa thực sự yên lòng. Số lượng thực phẩm bị nhiễm hóa chất có giảm nhưng thực phẩm bị nhiễm vi sinh lại tăng. 

Qua kiểm tra cho thấy, hiện nay, chỉ có khoảng 7-8% thực phẩm "bẩn" và hơn 90% thực phẩm "sạch" nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm "bẩn," đâu là thực phẩm "sạch."

Chính vì vậy, trong năm 2016, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cần tiếp tục nỗ lực thực hiện, từ hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư, tập huấn, nhằm hướng đến mục đích giúp người tiêu dùng nhận biết được đâu là thực phẩm "bẩn" để tránh. Việc tuyên truyền, vận động cần phải từ hai phía: thanh, kiểm tra các điểm buôn bán và ở ngay từ nơi nuôi, trồng, sản xuất - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quy trình cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; các Bộ Y tế, Công an đã vào cuộc tích cực trong công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, các bộ cần tăng cường thực hiện tốt công tác này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm "đúng người, đúng tội."

Bên cạnh việc xử lý các vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi, cần chú trọng đến xử lý vi phạm về phụ gia thực phẩm, bởi các vi phạm này nhiều hơn, đa dạng hơn. 

Phó Thủ tướng lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm sớm soạn thảo văn bản ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các đoàn thể để làm tốt việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Đồng thời, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bởi đây là việc làm nguy hiểm, có thể gây hại cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.../.

Phúc Hằng (TTXVN)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất