Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 9/5/2012 9:44'(GMT+7)

Tìm vốn cho doanh nghiệp

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Kinh tế Việt Nam năm 2012 dù đã có tín hiệu lạc quan nhưng vẫn là một năm đầy khó khăn thử thách. Khó khăn chỉ có thể được tháo gỡ khi dòng vốn được lưu thông, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh…

Vốn - nút thắt lớn

Vấn đề vốn bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt trong bối cảnh lạm phát hiện nay, vốn trên thị trường giảm mạnh. Theo đánh giá từ Trung tâm thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), với chính sách tiền tệ, tài khóa thận trọng để ứng phó với lạm phát, các DN Việt Nam ở mọi thành phần kinh tế đang tiến thoái lưỡng nan giữa vốn và phát triển sản xuất. Trong đó, vốn vay dù đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao (khoảng từ 18-20%/năm) so với khoảng trên dưới 10% lợi nhuận bình quân một năm của cả nền kinh tế. Dù mức lãi suất cao, nhưng không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được vốn, đặc biệt với các DNNVV thì cơ hội vay được vốn trong bối cạnh hiện nay là khó hơn cả.

Mặc dù Chính phủ đã phát đi những thông điệp về chính sách hỗ trợ DN, điển hình như giãn nộp thuế thu nhập DN, giảm lãi suất… nhưng điều đó chỉ tiếp sức những DN "mạnh khỏe", khách hàng lâu năm của ngân hàng. Còn với rất nhiều DNNVV do thiếu vốn buộc phải co cụm lại, hoạt động cầm chừng chưa thể nghĩ đến mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng thuế thu nhập. Thực tế trong bối cảnh hiện nay thì chính bản thân các ngân hàng cũng đang phải lo toan với những vấn đề của chính mình thì việc tăng trưởng tín dụng đối với khối sản xuất hay phi sản xuất cũng đều phải dựa vào những cân nhắc rất thận trọng.

Theo kết quả điều tra gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 1/3 DNNVV có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Không ít DNNVV cho rằng, thủ tục các ngân hàng đặt ra là “quá sức” đối với họ. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có 5-10% số DNNVV được vay. Thêm vào đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng quá cao và việc gia tăng các loại phí của các ngân hàng cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến các DN thực sự cần vay vốn để sản xuất kinh doanh. Không ít DN đã thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất vì không vay được vốn.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho DNNVV khó vay vốn của ngân hàng nhưng nguyên nhân căn bản là do các DNNVV chưa đáp ứng đủ điều kiện để các ngân hàng cho vay như: lập kế hoạch kinh doanh, tài sản đảm bảo, cân đối tài chính của DN… Đã từng là Phó Thống đốc NHNN và hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mới đây bà Dương Thu Hương đã dẫn ra con số: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay của DN Việt Nam hiện ở mức 1/20, cá biệt còn lên đến 1/30. Điều này cho thấy, DN Việt Nam hiện lệ thuộc rất nhiều vào vốn vay bên ngoài, chủ yếu là từ ngân hàng.

Tháo gỡ nút thắt…

Để giải tỏa nút thắt về vốn của các DN hiện nay, ngoài kênh huy động vốn truyền thống là vay từ ngân hàng, vẫn còn khá nhiều kênh huy động vốn khác mà các DN chưa tận dụng hết như: cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, mua chịu hàng hoá, đi thuê tài chính hay kinh doanh liên kết… Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 74,47% DN muốn tìm đến vốn bằng hình thức vay ngân hàng. Chính tâm lý này đang hạn chế tính năng động của DN.

Trong khi lạm phát còn chưa giảm xuống mức thấp thì xu hướng vay ngân hàng sẽ còn khó khăn, không chỉ về vấn đề thủ tục mà lãi suất cao đang là một rào cản, vì nếu có vay được thì dùng vốn đó sản xuất kinh doanh cũng khó có lãi. Bên cạnh đó, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán - một kênh huy động vốn quan trọng của nhiều DN, cũng đang ngày một khó khăn hơn vì chính sách tài khóa tiền tệ thắt chặt của Chính phủ. Đó là chưa kể, việc phát hành cổ phiếu ồ ạt khiến cho thị trường này bị bội thực nguồn cung không phát huy được hiệu quả huy động vốn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nếu thị trường ổn định thì việc huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu cũng là một nguồn vốn khá tốt nếu DN biết cách tận dụng đầu tư hợp lý.

Cùng với việc phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu đang là kênh giúp nhiều DN huy động vốn hiệu quả, song kênh này vẫn chưa được nhiều DN quan tâm chú trọng. Thông qua phát hành trái phiếu, DN có thể tránh bị pha loãng cổ phiếu, được hưởng ưu đãi thuế đối với vốn vay và giảm chi phí sử dụng vốn. Đặc biệt, nếu phát hành trái phiếu chuyển đổi, DN chỉ phải trả mức lãi suất rất thấp, thậm chí là không phải trả lãi. Mặc dù, đang trong giai đoạn khó khăn nhưng nhìn về dài hạn, DN vẫn có nhiều thuận lợi để tiếp cận vốn trên thị trường trái phiếu. Do đó, cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, trái phiếu sẽ ngày càng trở thành kênh huy động vốn hiệu quả và quan trọng đối với các DN quy mô lớn trong những năm tới đây, bởi hiện hệ thống hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu của DN đã được ban hành và đang dần hoàn thiện, giúp DN có cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp cận nguồn vốn trên thị trường chứng khoán.

Mặt khác, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển thị trường của Chính phủ, trong đó nổi bật là chính sách ổn định kinh tế vĩ mô hiện đang thực thi, được nhiều chuyên gia đánh giá cao và hy vọng đem lại hiệu quả tích cực trong thời gian tới. Cùng với đó là nhu cầu nắm giữ đa dạng các sản phẩm đầu tư của nhà đầu tư trên thị trường ngày càng cao nhằm gia tăng lợi nhuận, hạn chế rủi ro…

Một hình thức huy động vốn nữa giúp các DN tìm được nguồn vốn trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đó là theo hình thức công - tư. Các dự án đầu tư theo hình thức công - tư hấp dẫn các DN bởi rủi ro thấp do Nhà nước cung cấp các cam kết thể chế cho dự án, bảo lãnh và xúc tiến khả thi cho dự án. Tính dài hạn trong đầu tư cũng là một điểm thu hút khu vực tư nhân, các dự án này thường mang lại cho nhà đầu tư khoản lợi nhuận ổn định trong dài hạn. Bên cạnh đó các DN cũng không đủ khả năng để tự thực hiện các dự án lớn nếu thiếu sự tham gia và hợp tác của Nhà nước. Để thu hút đầu tư tư nhân thông qua hình thức hợp tác công - tư, Chính phủ cũng sử dụng các biện pháp ưu đãi và bảo đảm đầu tư thông qua ưu đãi thuế, quyền mua ngoại tệ hoặc bảo đảm cân đối ngoại tệ, quyền bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng…

Tuy nhiên, để phát huy nội lực, các DN Việt Nam cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn của mình, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc tiết giảm chi phí, tích cực cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc; tập trung kinh doanh sản phẩm chính; rút ngắn thời hạn thanh toán phân phối để đẩy nhanh vòng vốn, giảm lệ thuộc vào vay ngân hàng; đảm bảo thanh toán hàng nhập khẩu, tạo nguồn dự phòng thay đổi tỷ giá; tránh giảm mức tiêu thụ bằng cách phải chấp nhận lỗ để giữ khách hàng.

Vấn đề vốn trở nên cấp bách cho mỗi DN hiện nay là DN phải đánh giá lại một cách nghiêm túc thị trường thuộc lĩnh vực mình kinh doanh bao giờ mới phục hồi, từ đó điều chỉnh lại dự báo cho phù hợp. Đồng thời, phải cập nhật các yếu tố kinh tế vĩ mô của thế giới và trong nước tác động đến lĩnh vực kinh doanh. DN phải tìm mọi cách xử lý các nguồn hàng tồn đọng gây ách tắc vốn, như chấp nhận hạ giá bán thu hồi vốn, chấp nhận chia sẻ rủi ro trong kinh doanh với đối tác để thu hồi vốn, hay thu hẹp một số lĩnh vực phát triển quá nóng, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bán hàng để tăng vòng quay vốn...

Bên cạnh đó, mỗi DN phải tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Theo đó, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, mạnh dạn cắt bỏ những lĩnh vực đầu tư không có hiệu quả và thay vào đó là các lĩnh vực mới sẽ có trong tương lai, đặc biệt là cần mạnh dạn mua lại tài sản của các doanh nghiệp khỏe mà theo đánh giá của mình trong 1-2 năm tới thị trường có dấu hiệu sôi động lại./.

Nguyễn Kim Lý

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất