Thừa nhận hệ thống chương trình phổ thông hiện quá tải, bất hợp lý đối với giáo viên và học sinh; nhiều chủ đề, bài học dàn trải, không trọng tâm, bất cập;
Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án "tinh giảm chương trình phổ thông”. Xu hướng này nhằm phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng, mục tiêu giáo dục, phù hợp với thời lượng dạy học, điều kiện thực tế. Điều này được xem như Bộ GD&ĐT đã mạnh tay "phẫu thuật” chương trình vốn dĩ còn khá nặng nề.
5 nhóm nội dung chính được giảm tải, thay đổi
Việc giảm tải chương trình phổ thông, SGK là thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị Tổng kết năm học 2010-2011 và triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012 vừa qua. Để thực hiện lộ trình này, Bộ đã đề ra 4 bước cơ bản gồm lập nhóm chuyên viên (người lập chương trình, người tham gia viết sách, giáo viên kinh nghiệm...) trên cơ sở tập hợp kinh nghiệm, kiến nghị giáo viên qua thực tế. Thành lập các tiểu ban điều chỉnh chương trình SGK, điều chỉnh môn học; xây dựng dự thảo, đưa lên website của Bộ để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, sẽ bắt tay thực hiện giảm tải chương trình một cách thiết thực, hiệu quả.
Việc điều chỉnh này phải đảm bảo theo hướng tinh giảm để việc dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng và mục tiêu giáo dục, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường; tạo điều kiện học sinh tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong chương trình thuận lợi hơn và giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc giảm tải năm học 2011-2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính bao gồm giảm tải những kiến thức được viết trong chương trình, SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau. Cụ thể, tại cùng một kiến thức đó được dạy ở cả môn sinh học, môn hoá học, công nghệ, hay cùng một nội dung đó được dạy ở cả môn giáo dục công dân và cả hoạt động ngoài giờ lên lớp (chủ yếu ở cấp THCS và THPT) thì sẽ giảm tải. Những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng chương trình, SGK theo quan điểm đồng tâm (điển hình môn toán) và những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh sẽ được giảm tải. Đồng thời, điều chỉnh những kiến thức cho phù hợp đặc điểm, đặc thù vùng miền, địa phương, và cuối cùng là sắp xếp lại những bài học được bố trí chưa hợp lý.
Tác dụng của giảm tải được cho là khắc phục khó khăn bất cập việc thời gian học tập ít mà học sinh cứ phải học các kiến thức trùng lặp hay vì bài tập, yêu cầu quá cao nên nảy sinh chuyện dạy thêm, học thêm... Giảm tải cũng sẽ giúp các giáo viên chủ động hơn, có thêm thời gian cho việc dạy và học. Mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tăng cường giáo dục giá trị sống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức. Việc điều chỉnh nội dung dạy học này sẽ giúp giảm thời gian học kiến thức hàn lâm, lý thuyết thuần tuý, tăng thời gian thực hành, giúp cho học sinh có điều kiện được vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, hình thành năng lực nhận thức, năng lực hành động và kỹ năng sống.
Giáo viên liệu còn phải tự "gồng mình”?
Những tồn tại hiện nay là kiến thức giảng dạy khá "đồ sộ”, dàn trải, trong khi thời gian dạy lại quá eo hẹp. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên tính trên đầu học sinh còn thiếu, thiết bị giảng dạy chưa đầy đủ; những địa phương thực hiện dạy 2 buổi/ngày chưa nhiều; thời gian soạn giáo án, lên chương trình (đặc biệt là sự quá tải các chương trình lồng ghép, cuộc vận động, phong trào) đã quá tải, không đủ thời gian cho giáo viên chuyên tâm giảng dạy. Một trong những bất cập nữa là ngoài SGK, giáo viên phải tham khảo tài liệu "Chuẩn kiến thức kỹ năng” mới đám ứng được yêu cầu chương trình. Trong khi đó, tài liệu này vẫn chỉ lưu hành nội bộ, với khái niệm "tham khảo”. Vô hình trung, giáo viên vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, tìm tòi, vừa gồng mình tự "tập huấn”, nếu không sẽ tụt hậu!
Trước đây, khi Bộ ban hành "Chuẩn kiến thức kỹ năng” (phục vụ đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giảng dạy), đã gây không ít thắc mắc từ phía giáo viên vì chương trình bị đội thời lượng và công việc lên quá nhiều. Qua đó, tính quy chuẩn SGK dường như đã bị xem nhẹ khi giáo viên phải cập nhật một số nội dung mới phải đưa vào, cho dù nội dung đó chẳng ăn nhập gì với SGK.
Trước câu hỏi "Liệu chuẩn kiến thức, kỹ năng vừa ban hành, nay lại điều chỉnh tiếp nội dung SGK thì có xảy ra bất cập”? Đại diện Bộ GD&ĐT giải thích không hề bất cập. SGK là văn bản cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông và là tài liệu chính để giáo viên giảng dạy, học sinh học tập. Còn "Chuẩn kiến thức, kĩ năng” là để khắc phục những tồn tại của SGK, giúp cho việc chỉ đạo và thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng được thuận lợi, hạn chế tình trạng dạy học quá tải; tạo điều kiện để tổ chức kiểm tra, đánh giá tốt hơn. Việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học trong SGK lần này bám sát với yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng quy định trong chương trình mỗi môn học.
Theo nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, việc giảm tải lẽ ra phải được thực hiện cách đây rất nhiều năm. Những bất từ việc SKG thay đổi liên tục, biến SGK thành vở bài tập, dạy nhồi nhét, kiến thức quá tải, thiếu trọng tâm; thời gian lên lớp không đủ truyền tải kiến thức bài giảng, nạn học thêm; các môn xã hội không được coi trọng; rồi học sinh tiểu học cõng trên lưng chiếc cặp gần chục kg sách đến trường... đã tạo nên hệ luỵ không nhỏ về sự sa sút chất lượng thực học của một bộ phận học sinh hiện nay.
Hy vọng, sự giảm tải nêu trên sẽ tạo nên đổi mới mạnh mẽ xoá đi những bất cập còn tồn tại, đặc biệt là xoá đi cách học đối phó vì mục tiêu bằng cấp "Học thì nhiều, nhưng nhớ chẳng bao nhiêu”!
Anh Thắng/Đại đoàn kết