Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 18/10/2008 18:16'(GMT+7)

Tình hình nhiễm melamin trong sữa, các sản phẩm từ sữa đã được kiểm soát tại thị trường VN

Thị trường sữa đang hứa hẹn sẽ sôi động trở lại. Ảnh minh hoạ

Thị trường sữa đang hứa hẹn sẽ sôi động trở lại. Ảnh minh hoạ

Ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết, trong suốt một tháng qua, khoảng 750 đoàn đã liên tục tiến hành thanh, kiểm tra 6.483 lượt cơ sở, lấy 283 mẫu và phát hiện tổng cộng 24 sản phẩm có chứa melamine trên toàn quốc. “Chưa bao giờ lực lượng thanh tra ngành y tế lại tổ chức được những cuộc thanh kiểm tra trong vòng 1 tháng quyết liệt và hiệu quả đến thế. Không chỉ ở các thành phố lớn, mà cả các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi mà người ta nghi ngờ sữa nhiễm melamine sẽ bị “tuồn về”, sẽ được tiêu thụ mạnh nhất, cũng đều được tiến hành kiểm tra ráo riết. Nhờ đó, có thể khẳng định chúng ta đã kiểm soát được tình hình liên quan đến melamine” - ông Trung khẳng định.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2008 có khoảng 772 tấn sữa, bột kem của Trung Quốc nhập khẩu vào VN do 22 DN nhập khẩu. Số lượng này chiếm tỷ lệ không lớn so với tổng số sữa nhập khẩu nói chung (khoảng 1,27%) và chiếm 1,43% giá trị tính theo USD so với tổng giá trị sữa nhập khẩu nói chung. Do vậy, tình hình sữa nhiễm melamine không còn đáng quan ngại.

“Việt Nam không cho phép sản phẩm thực phẩm có chứa melamine”

Đại biểu các bộ, ngành đều khẳng định quan điểm này như một cách ứng xử thích hợp đối với một “tai nạn” mà Việt Nam và nhiều nước đang phải đối diện với hành vi gian dối về chất lượng thực phẩm. Do đó, vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các lượng sữa đã nhập khẩu vào Việt Nam và có phương án tiêu huỷ sữa bẩn.

Hiện nay, việc tiêu hủy sữa và sản phẩm từ sữa nhiễm melamin đang vấp phải nhiều khó khăn, tốn kém, nhất là khi Việt Nam chưa có quy trình tiêu hủy những sản phẩm nhiễm độc.

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị phương án: “Đối với các sản phẩm sữa và nguyên liệu sữa nhập từ Trung Quốc có chứa chất melamine, đề nghị Bộ Ngoại giao làm việc với phía Trung Quốc để có phương án tái nhập lại. Đối với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, sẽ giao Bộ Công thương hướng dẫn việc xử lý theo quy định”. Không chỉ riêng có nhà nước, cơ quan thông tin mà còn cả các hiệp hội bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng phải vào cuộc” - Ông Nguyễn Công Khẩn nhấn mạnh.

Đây là phương án sẽ hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại cho các DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa, nguyên liệu sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc và trấn an được người tiêu dùng. Việc tái xuất lại các sản phẩm nhiễm melamine cũng là ứng xử của nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc…Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Trung Quốc cũng đã tuyên bố với báo chí rằng sẽ cho phép tái nhập những sản phẩm sữa có nhiễm melamine của nước mình đã xuất sang các nước khác.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi khẳng định quan điểm của bộ chủ quản: “Melamine không có vai trò dinh dưỡng trong chăn nuôi động vật. Do đó, chúng tôi kiến nghị không sử dụng dưới mọi hình thức trong chăn nuôi”.

Đại diện Bộ Công thương nêu ra về vấn đề tăng cường kiểm soát nguy cơ việc nhập lậu sữa qua đường biên giới.

Cần có sự tham gia của các hiệp hội và người tiêu dùng

Rút ra một số bài học về ứng xử rủi ro trước khủng hoảng không mong đợi của các DN đại biểu cũng nêu một số phương án khắc phục. Ông Trần Quang Trung cho biết, thực tế công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, mặc dù đã được Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo cụ thể nhưng nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp, đặc biệt là xử lý hàng hóa vi phạm. Tình trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể không có hóa đơn, chứng từ mua hàng hoặc không có giấy tờ chứng minh hàng hoá đạt tiêu chuẩn chất lượng khiến các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thanh, kiểm tra và phải mất nhiều thời gian để xác minh, hoàn tất hồ sơ vụ việc.

Ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng sau “sự cố” này, các cơ quan chức năng cần xem xét lại các quy trình tiền kiểm, hậu kiểm và cấp phép nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam đề phòng sau melamine thì sẽ là thực phẩm không an toàn khác.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đánh giá cao sự tham gia quyết liệt của các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông trong thời gian qua nhằm đưa thông tin kịp thời, chính xác đến người tiêu dùng. Bộ trưởng nhấn mạnh: Mặc dù tình hình đã được kiểm soát, song thời gian tới không được lơ là, chủ quan". Thời gian tới, cần tiếp tục  đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân hiểu, tránh hoang mang. Bộ trưởng lưu ý, nếu người tiêu dùng quá thận trọng với tất cả các sản phẩm sữa, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt sữa kéo dài, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng sẽ tăng lên sau một năm. Các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện hệ thống kiểm nghiệm để kiểm soát tốt tình hình, sớm lập lại thị trường sản suất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sữa trên toàn quốc.

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất