Thứ Sáu, 29/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 7/8/2014 14:3'(GMT+7)

Tổ quốc "trên vai" người Thuyền trưởng tàu kiểm ngư KN-22

Thuyền trưởng Lê Minh Phúc (người cầm bộ đàm) và các đồng đội trên tàu kiểm ngư KN-22. (Ảnh: Quang Vũ/Vietnam+)

Thuyền trưởng Lê Minh Phúc (người cầm bộ đàm) và các đồng đội trên tàu kiểm ngư KN-22. (Ảnh: Quang Vũ/Vietnam+)

Một trong số chúng - chiếc tàu đầu kéo Hữu Liên 09 - "hung thần" của đội tàu Trung Quốc - bắt đầu có động thái truy cản tàu kiểm ngư KN-22 của Việt Nam. 

Kiên cường trước "hung thần"

Từng mảng khói đen bốc mù mịt, che kín ống khói tàu kiểm ngư KN-22, hai động cơ ở mức "tiến 4" gầm rít. Phía đuôi tàu, nước biển xanh thẫm, quay tròn, chuyển thành màu trắng bạc sau những vòng xoáy hết tốc lực của cặp chân vịt. 

Ngay sau tàu kiểm ngư KN-22, "hung thần" Hữu Liên 09 vẫn ngang nhiên tiến thẳng vào mạn trái KN-22.

Chuông báo động réo vang, tiếng thuyền trưởng KN-22 Lê Minh Phúc hét lên trong loa: "Toàn tàu giữ vị trí, mở loa tuyên truyền, chú ý đề phòng tàu Trung Quốc tấn công." 

"Hung thần" Hữu Liên 09 tiến ngày càng gần. 30m... 20m... rồi 10m, khi chỉ cách KN-22 hơn 5m, nó bất chợt quay ngang, chếch mũi, chuyển hướng bám dọc theo thân tàu KN-22.

Cùng lúc đó, trên đầu cabin Hữu Liên 09, chiếc vòi phun nước điều khiển điện quay lia lịa rồi bắt đầu phun nước hết tốc lực. Dòng nước hung hãn xối thẳng vào tàu kiểm ngư KN-22, quét đi quét lại vào các ô kính lái cabin. 

Tiếng kính vỡ, đồ đạc va đập loảng xoảng. Một mảnh kính vỡ lao vào cánh tay thuyền trưởng Lê Minh Phúc, máu tuôn xối xả.

Cố nén cơn đau, Thuyền trưởng Lê Minh Phúc ôm chặt bả vai trái bị thương, miệng thét lớn: "Hai máy dừng! Chuyển hướng 90 độ."

Vẫn ôm chặt lấy cột la bàn, anh dõi theo chiếc đồng hồ điện tử quay dần sang hướng 90 độ, cùng lúc "hung thần" Hữu Liên 09 giảm tốc, ngừng truy cản. Lúc này, người thuyền trưởng mới ngã vật xuống sàn cabin, ngất lịm vì mất quá nhiều máu. 

Thuyền trưởng Lê Minh Phúc bị mảnh kính vỡ cắt ngang khu vực gần bả vai trái, vết thương thấu đến tận xương; bốn kiểm ngư viên khác bị thương vì kính vỡ găm vào thân thể. Đây là ngày thiệt hại nặng nhất của các kiểm ngư viên tàu KN-22 trong hơn 60 ngày đêm kiên cường bám biển, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. 

Vết thương do mảnh kính vỡ găm vào cánh tay Thuyền trưởng Lê Minh Phúc khi đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: Quang Vũ/Vietnam+)

Ngay khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981, ngày 2/5/2014, tàu KN-22 đã có mặt tại thực địa làm nhiệm vụ đấu tranh, tuyên truyền, đẩy đuổi.

Tính đến thời điểm về bờ sửa chữa sau khi giàn khoan rút, dưới sự điều khiển-chỉ huy trực tiếp của Thuyền trưởng Lê Minh Phúc, tàu KN-22 đã có hơn 220 lần áp sát giàn khoan Hải Dương-981, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; 8 lần bị các tàu hải giám, hải cảnh, hải tuần Trung Quốc phun vòi rồng; 6 lần bị đâm va, cản phá gây hư hại nặng.

Nhớ lại những ngày tháng làm nhiệm vụ xua đuổi giàn khoan và đoàn tàu hộ tống trái phép của Trung Quốc, Thuyền trưởng Lê Minh Phúc cho biết, hàng trăm lần áp sát làm nhiệm vụ, nhưng lần tiếp cận giàn khoan gần nhất là ngày 4/5. Hôm đó, KN-22 tiến sâu vào khoảng cách 4,2 hải lý từ giàn khoan, các tàu Trung Quốc ồ ra, nối đuôi nhau thành hình vòng tròn, lập thành hàng rào ngăn cản.

"Chúng tôi phải khôn khéo lựa luồng nước, dùng chiến thuật, tiếp tục cơ động tàu vào sâu thêm ở khoảng cách 3,7 hải lý, bắc loa tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981. Lúc ấy, cái khối sắt thép khổng lồ - giàn khoan Hải Dương 981 - hiện lên rõ từng chi tiết trong tầm quan sát bằng mắt thường. Ngay tức thì, hàng loạt các tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc điên cuồng lao đến từ mọi hướng, phun nước mù mịt, làm vỡ một số cánh cửa kính tàu, khiến 3 kiểm ngư viên bị thương."
 
Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, diễn biến hết sức phức tạp. Các tàu Trung Quốc, đặc biệt là những tàu đầu kéo, hết sức hung hăng, sẵn sàng đâm va, xịt vòi rồng tốc độ cao vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. 

Liên tục bị dồn nén, ức chế, nhưng cùng với cả đội hình biên đội, Thuyền trưởng Lê Minh Phúc cùng các thuyền viên KN-22 vẫn khôn khéo, linh hoạt, không mắc mưu khiêu khích của các tàu Trung Quốc. 

Bằng những biện pháp tuyên truyền trên cơ sở pháp luật quốc tế, bằng chính nghĩa của dân tộc chuộng hòa bình nhưng không khoan nhượng trước hành vi xâm phạm chủ quyền, các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn kiên quyết bám trụ, không ngại đâm va, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. 

Gian nan, nguy hiểm là vậy, suốt quá trình tham gia chiến dịch, Thuyền trưởng Lê Minh Phúc vẫn kiên trì, cùng với anh em kiểm ngư viên trên tàu khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ. 

Anh tâm sự: "Khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm, mọi thử thách, gian khổ đều trở nên nhỏ bé. Trong mỗi chúng tôi, không có chỗ cho sự sợ hãi, chỉ có ý chí quyết tâm, sẵn sàng bám trụ đến cùng vì nhiệm vụ, vì đất liền yêu dấu. Mỗi lần đọc báo, nghe đài, hay tin đồng bào, chiến sỹ cả nước, cả các tổ chức quốc tế ủng hộ, hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, chúng tôi cảm động lắm. Chính những nghĩa cử, những việc làm cao đẹp ấy của hậu phương là sự động viên, cổ vũ to lớn để chúng tôi vững lòng nơi đầu sóng, ngọn gió."

Điểm tựa vững chắc nơi hậu phương

Gần 40 tuổi, nhưng người Thuyền trưởng quê Nghệ An ấy đã có đến 20 năm gắn bó với các vùng biển đảo của Tổ quốc. Chuyện đi biển dài ngày với anh Phúc giờ đã trở thành công việc hàng ngày, bởi KN-22 là một trong những con tàu có "thâm niên" bám biển của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.

Có những chuyến, Lê Minh Phúc cùng các kiểm ngư viên liên tục trong tám tháng trời lênh đênh làm nhiệm vụ trên khắp các vùng biển của cả nước, chỉ về bờ tiếp liệu vài hôm rồi lại ra khơi. 

Tong thời gian cánh nhà báo chúng tôi được cùng ăn, cùng ở, cùng làm nhiệm vụ trên tàu KN-22, thỉnh thoảng, Thuyền trưởng Phúc lại mở điện thoại, khoe với chúng tôi những tấm hình vợ con từ hồi Tết Nguyên đán, khi anh về đón Tết cùng gia đình. Anh tâm sự: " Nghĩ cũng tội cho vợ mình, hai lần sinh con mình đều vắng nhà, đều phải nhờ ông bà nội ngoại. Đến khi con 5-6 tháng mới nhìn thấy mặt bố."

Vợ anh, chị Bùi Thị Hiền, cô bạn học thời phổ thông, rồi người yêu và cuối cùng trở thành vợ anh, đang là giáo viên tiểu học trường làng vùng quê Cao Sơn, Nghệ An. Một tay chị vừa nuôi hai đứa con ăn học, vừa chăm sóc mẹ chồng bị bệnh tiểu đường nặng, điều trị kiên trì 12 năm nay vẫn không thuyên giảm.

"Chắc là trót yêu thì trót chịu, cô ấy quá vất vả. Suốt từ ngày yêu rồi lấy nhau, chồng theo nghề thủy thủ, cả đời đi biển, cô ấy toàn một mình lo toan việc nhà. Nhưng dù có khó khăn, vất vả mấy, chưa bao giờ em nhận một lời ca thán nào từ vợ, nghĩ cũng thiệt thòi cho cô ấy." - Anh Phúc bùi ngùi.

Hôm chia tay các anh, trong cái ôm siết chặt, Thuyền trưởng Lê Minh Phúc cẩn thận dặn dò chúng tôi: "Các anh về tuyên truyền khéo, đừng nói là em bị thương, kẻo bố mẹ và vợ con em ở nhà lại âu lo..."

Chưa hết những gian nan

Sau hơn hai tháng hạ đặt trái phép, Trung Quốc mới rút giàn khoan Hải Dương-981, KN-22 được lệnh về bờ sửa chữa những hư hỏng trong quá trình làm nhiệm vụ, nhưng luôn phải tập trung quân số, sẵn sàng ra khơi. 

Khó khăn chưa buông tha người Thuyền trưởng can trường. Cô con gái đầu lòng của anh, bé Lê Thị Ngọc Oanh, 8 tuổi, đột ngột đổ bệnh, phải nhập viện sau một trận đau đầu dữ dội kèm theo cơn co giật và không thể đứng lên đi lại được. 

Chị Hiền phải bồng con từ bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh rồi ra Hà Nội điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sỹ chẩn đoán ban đầu, bé Oanh bị thần kinh ngoại biên. 

Sau một tuần nằm theo dõi, điều trị, bệnh tình Ngọc Oanh đã khá hơn, chị Hiền vui mừng đưa cô con gái nhỏ về quê, uống thuốc theo phác đồ điều trị. Trớ trêu thay, chỉ được vài ngày, Ngọc Oanh lại đau lại, đầu nhức dữ dội, chân lại khuỵu xuống, không bước đi nổi. 

Hai mẹ con lại bồng bế nhau lên khoa Thần kinh bệnh viện Nhi nhưng lần này, bệnh viện đầu ngành Nhi khoa cả nước cũng chưa thể tìm ra nguyên căn bệnh của bé nên chỉ có thể khuyên hai mẹ con về nhà theo dõi tiếp. 

Ngày khai trường sắp đến, bệnh tình của con gái vẫn không thuyên giảm, hai vợ chồng anh Phúc, chị Hiền hết sức lo lắng. Trách nhiệm người Thuyền trưởng là phải ứng trực không thể rời tàu, sẵn sàng chờ lệnh ra khơi thực hiện nhiệm vụ mới. Mọi việc chăm sóc, đưa con đi khám, điều trị vẫn chỉ một tay chị Hiền lo toan. 

Nhờ sự nhiệt tình của một số nhà báo cũng như những tấm lòng thảo thơm của bạn đọc chắp nối, chị Hiền đã đưa con ra Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị. 

Lúc này, hai vợ chồng người Thuyền trưởng chỉ có một mong ước lớn nhất là làm sao cho con sớm lành bệnh để được cắp sách tới trường cho kịp năm học mới./.

Quang Vũ /Vietnam+



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất