Thứ Sáu, 29/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 20/12/2017 14:27'(GMT+7)

Tô thắm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào

Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Kikeo Khaykhamphithoun đã trao Giải Nhất tập thể tặng tỉnh Ninh Bình và giải Nhất cá nhân tặng tác giả Phạm Thị Hồng Duyên, Giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.

Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Kikeo Khaykhamphithoun đã trao Giải Nhất tập thể tặng tỉnh Ninh Bình và giải Nhất cá nhân tặng tác giả Phạm Thị Hồng Duyên, Giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Kikeo Khaykhamphithoun (Ki-kẹo Khảy-khăm-phị-thun), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tới dự và trao giải.

Tham dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc Trung ương; một số thành viên Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đang thăm, làm việc tại Việt Nam; các cựu chuyên gia, quân tình nguyện VIệt Nam giúp Lào, các cựu chiến binh, nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, các sinh viên, các tập thể và cá nhân đoạt giải.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Cuộc thi năm 2017 với hai hình thức là thi trắc nghiệm và thi viết đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi vùng miền Tổ quốc. 28 tuần thi trắc nghiệm trên một số báo điện tử với sự tham gia của 307.594 lượt người tham gia (trung bình khoảng 11.000 lượt người dự thi/tuần); số lượng người tham gia dự thi tăng theo từng tuần, có những tuần tăng cao (gần 23.000 lượt), đã thể hiện rõ sự lan tỏa rộng rãi của Cuộc thi. Phần thi trắc nghiệm đã trao 84 giải thưởng, gồm: 28 giải Nhất, 28 giải Nhì, 28 giải Ba. Ngày 15/9/2017, tại Hà Nội, Ban Tổ chức đã trao giải lần thứ nhất cho 51 tác giả đoạt giải; ngày 1/12/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, trao giải lần thứ 2 cho 33 tác giả.

Tính đến hết tháng 9 năm 2017, sau gần 6 tháng phát động, các tỉnh thành trên toàn quốc đã nhận được gần 3 triệu bài dự thi viết. Trên cơ sở chấm thi, xét chọn trao giải tại cơ sở; đồng thời, tuyển chọn các bài có chất lượng cao gửi tham gia dự thi cấp Trung ương theo quy định (mỗi tỉnh, thành phố từ 30 - 50 bài), Ban Tổ chức Cuộc thi viết cấp Trung ương đã nhận được hơn 2.000 bài thi xuất sắc được lựa chọn từ gần 3 triệu bài dự thi ở các cấp từ Ban Tổ chức Cuộc thi viết các tỉnh, thành phố; đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Bộ Công an và Bô Quốc phòng. Nhiều đơn vị có số lượng bài tham gia cao, có nhiều bài chất lượng tốt, trong đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: 500.000 bài, bằng 16% số bài thi cả nước; Thanh Hóa: 351.000 bài, bằng 11,7%; Đảng ủy Quân đội 215.130 bài bằng 7,7%. Có những tỉnh dân số thấp nhưng số lượng bài tham gia dự thi nhiều hơn các tỉnh khác: Ninh Bình: 158.738 bài; Hà Tĩnh: 126.630 bài; Nghệ An: 120.536 bài; Hải Phòng: 85.016 bài;… Có những tỉnh miền núi có nhiều khó khăn, liên tục bị thiên tai, nhưng số bài dự thi cũng tương đối cao như Quảng Trị: 82.395 bài; Thái Nguyên: 42.750 bài; Yên Bái: 34.475 bài…  

 
 Đồng chí Phạm Văn Linh phát biểu tại buổi lễ

Thành viên Hội đồng giám khảo là các nhà sử học, các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm, uy tín. Sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức đã chọn 69 tác phẩm để trao các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích. Cụ thể gồm 23 giải tập thể; trong đó, có 1 giải Nhất, hai giải Nhì, 5 giải Ba và 15 giải Khuyến khích; 32 giải cá nhân, gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 5 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. 

Đối tượng dự thi khá phong phú, thuộc nhiều lứa tuổi, có cả trong nước và ngoài nước, với nhiều ngành nghề khác nhau. Nhiều người dự thi ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng chịu nhiều thiên tai lũ lụt trong năm, như khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... Nhiều người tham gia nhiều tuần thi; nhiều người dự thi cùng địa bàn cư trú với tinh thần say mê, nhiệt tình. Từ những cán bộ tiền khởi nghĩa nay đã ở độ tuổi 90 đến không ít những sinh viên, trong đó có cả những sinh viên Lào đang học tập trên đất nước Việt Nam hay học sinh cấp 2, cấp 3; các chiến sĩ lực lượng vũ trang… Có những “thí sinh” dự thi là vợ chồng cựu chiến binh già từng chiến đấu, tình nguyện trên đất bạn Lào, đã tham gia tích cực từ cuộc thi năm 2012 đến cuộc thi lần này. Với tấm lòng tự hào và tôn kính những giá trị cao đẹp của tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, có tác giả là hội viên Hội người Mù đã gửi bài về dự thi với những trang chữ nổi đong đầy ý nghĩa.

Các bài dự thi gửi về Ban Tổ chức cấp Trung ương đều là những bài được các tác giả đầu tư công sức, trí tuệ, có chất lượng cao, hình thức đẹp, trình bày công phu, nội dung sinh động, bám sát Thể lệ và chủ đề gợi ý của Ban Tổ chức Cuộc thi Trung ương. Có nhiều tập thể, cá nhân, ngoài phần tham gia viết theo quy định của Thể lệ đã sưu tầm nhiều tư liệu, ảnh, hiện vật đặc sắc; xây dựng mô hình với nhiều nét sáng tạo, độc đáo minh hoạt cho bài thi. Có nhiều công trình đồ sộ gây xúc động, vượt hơn sự mong đợi của Ban Tổ chức Cuộc thi. Các bài thi, công trình minh họa bài thi đã thể hiện rõ nét tình cảm thiêng liêng, thân thiết trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Nhiều bài thi được trình bày trên các khổ giấy A3, giấy ảnh, giấy đặc biệt dành cho chữ nổi. Nhiều bài thi được viết tay cẩn thận đến từng nét chữ với hàng chục, hàng trăm trang (bao gồm cả phụ lục). Có bài thi được thiết kế theo khổ rộng, với 95 trang gấp liền (có thể kéo dài ra như một khẩu hiệu lớn, với ý nghĩa kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm ký hiệp ước hữu nghị Việt Nam - Lào). Không ít “sản phẩm” được trình bày, thiết kế cẩn thận, kỹ lưỡng như một cuốn sách, in giấy couche 4 màu, với nhiều ảnh tư liệu quý, được sưu tập công phu, trình bày hợp lý theo từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử. Có bài thi được lồng trang trọng trong hộp khung kính, ướp hương sen thơm ngát, được trang trí tỉ mỉ bởi những sợi chỉ đỏ kết vòng từ hạt sen. Một số tập thể, cá nhân sử dụng các chất liệu như gỗ, vải, nhôm để thiết kế các mô hình từ khổ lớn đến khổ nhỏ, với các biểu tượng di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Việt Nam và Lào (Chùa Một Cột, Thạt Luổng…), hoặc mô phỏng cột mốc biên giới hai nước…

 
 Trao giải cho các tập thể và cá nhân đạt giải Nhì của cuộc thi

“Vượt” qua thể lệ chặt chẽ, về việc mỗi bài dự thi gói gọn trong 5.000 từ, nhiều sinh viên, học sinh đã khéo léo chọn cách bổ sung tư liệu qua phần phụ lục, với các hình ảnh, tư liệu, phần thăm dò dư luận về hiểu biết văn hóa Lào, về tình hữu nghị Việt - Lào rất ý nghĩa. Không ít bài viết dùng cả hai thứ tiếng Việt Nam và Lào thật sự công phu.

Trong quá trình chấm bài, không ít lần các thành viên Ban Giám khảo đã dừng lại để chia sẻ về những kỷ niệm, những ký ức xúc động được gợi lên qua từng trang viết. Những cựu bộ đội tình nguyện Việt Nam, cựu chuyên gia quân sự, văn hóa tại Lào... đang lưu giữ, nâng niu những tư liệu, hình ảnh quý, có giá trị lịch sử ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, họ luôn trân trọng và nhớ như in từng năm tháng bộ đội Việt Nam cùng bộ đội Pathet và nhân dân Lào sống, chiến đấu trên các chiến trường đạn bom ác liệt: từ chiến dịch Cù Kiệt, chiến dịch Đường 9 - Trung Lào, Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, chiến dịch tiến công Nặm Bạc; hay trên tuyến đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn... Những câu chuyện được ghi chép trên đường hành quân; tình cảm của các bà mẹ, các cô gái Lào đối với bộ đội Việt Nam; những tấm gương hy sinh quả cảm của quân đội và nhân dân hai nước là chủ đề thường trực trong nhiều bài dự thi. Không chỉ có những lời văn hào sảng về giai đoạn lịch sử khó quên của cả hai dân tộc, nhiều tác giả còn gửi gắm tình cảm qua những bài thơ chân chất mà đậm đà ý nghĩa.

 
  Trao giải cho các tập thể và cá nhân đạt giải Ba của cuộc thi

Bên cạnh những ký ức hào hùng về một thời đạn bom chiến tranh, nhiều kỷ niệm đặc biệt về những người bạn Lào trong thời bình, những tình cảm gắn kết, thắm đượm nghĩa tình giữa nhân dân Việt - Lào cũng đã được gửi gắm vào bài thi: Câu chuyện về đồng chí Bun Ưa Phom Khê (nguyên Giám đốc Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Savanakhet), 17 năm gắn bó cùng các đoàn Việt Nam tìm kiếm, cất bốc hơn 5.000 ngôi mộ liệt sỹ Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ. Từ những tâm sự về người bố, hiện đang công tác tại Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay ở vùng Biên giới Việt – Lào, tình quân - dân hai nước qua lăng kính của cô học trò lớp 9, tỉnh Quảng Trị thật mộc mạc và chân thành. Tình cảm đặc biệt gắn kết giữa hai chị em kết nghĩa - cô giáo trẻ Lưu Khánh Linh, trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái với Khampasot, một sinh viên Lào, mang trong mình hai dòng máu Việt Lào; niềm hạnh phúc của các cô giáo trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái trong những năm tháng tâm huyết với công tác giảng dạy tiếng Việt cho các thầy cô và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Sa vẳn na khệt – Lào; các thầy cô ở Trường hữu nghị T78 (Hà Nội) với truyền thống hàng chục năm gắn bó với chuyên ngành đào tạo văn hóa các bậc học cho học viên Lào tại Việt Nam … 

 
  Trao giải cho đại diện các cá nhân đạt giải Khuyến khích của cuộc thi

Với những kết quả đạt được, Cuộc thi thực sự có có ý nghĩa to lớn, là điểm nhấn thiết thực trong các hoạt động chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào 2017; chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước mãi mãi xanh tươi, ngày càng bền chặt.

 Quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thuỷ chung, trong sáng trên thế giới. Mối quan hệ ấy đã trở thành quy luật sống còn và là sức mạnh kỳ diệu làm nên những thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào không chỉ trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, mà tiếp tục gìn giữ cùng với sự phát triển và phồn thịnh của hai dân tộc. Lịch sử quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào còn là đề tài cho các tác giả, các cây bút có thêm cảm hứng khơi gợi lại những kỷ niệm, những tình cảm sâu sắc, gắn bó keo sơn, thủy chung son sắt của hai nước láng giềng, hai dân tộc anh em có một không hai trên thế giới. Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào 2017” được tổ chức nhằm thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước trong việc gìn giữ, phát huy giá trị đoàn kết, tình cảm gắn bó thủy chung đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Cuộc thi chính thức được từ ngày 18/4/2017. Sau gần 8 tháng làm việc nghiêm túc, khoa học, khách quan, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đã hoàn thành các khâu chuẩn bị để tổ chức Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi. 
 

Thu Hằng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất