Với chủ đề “Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn”, chiều nay (12/6) tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm trực tuyến do Báo điện tử Đại biểu Nhân dân phối hợp với Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam và Dự án “Các Hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khoẻ Môi trường”; Viện Dân số, Sức khỏe và phát triển; Trung tâm Thông tin Tổ chức phi Chính phủ thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Nội dung Tọa đàm nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến ĐBQH, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về đánh giá kết quả việc bảo đảm cung cấp nước an toàn trong năm 2019 so với mốc kế hoạch Chương trình Quốc gia năm 2020 đến năm 2025; những vấn đề còn vướng mắc, đề xuất các ý kiến bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn, Từ đó, kiến nghị các giải pháp bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn với thông điệp: “Nhà nhà được tiếp cận nước sạch an toàn”.
Tới dự và tham gia chương trình Tọa đàm, có các vị khách mời gồm: Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau; PGS. TS. Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng; BSCKII Nguyễn Trung Chiến, Chuyên gia cao cấp của Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam. Về phía Báo Đại biểu nhân dân, do nhà báo Nguyễn Quốc Thắng, Phó Tổng biên tập dự và chủ trì.
Đến dự và đưa tin về buổi Tọa đàm còn có đại diện các báo đài Trung ương và Hà Nội.
Các vị khách mời Tọa đàm. Anh PV
|
Tại buổi tọa đàm trực tuyến, các khách mời và đại biểu tập trung thảo luận, giải đáp 3 nội dung chính: Làm thế nào để bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn? Nước sạch nông thôn - Tại sao vẫn khát? Làm gì để nhà nhà được tiếp cận nước sạch?
Quá trình tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau trao thẳng thắn, dân chủ từng vấn đề trong thời lượng cho phép. Bên cạnh đó, cử tri, khách mời, và phóng viên các báo đài cũng có các có câu hỏi bổ sung đề nghị các chuyên gia làm rõ.
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng (ảnh đứng), Phó Tổng biên tập báo Đại biểu nhân dân chủ trì Tọa đàm. Ảnh PV
|
Ở nội dung thứ nhất: “Bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn”, các đại biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến chính sách của Đảng, nhà nước nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng nước sạch, đặc biệt là khu vực nông thôn. Trong đó, nhấn mạnh các chủ trương chính thuộc Chương trình Quốc gia với các chỉ tiêu nhằm bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025; phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90% - 95%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 45%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 35%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 80% - 85%; giảm thiểu 20% bệnh tiêu chảy liên quan tới nước ăn uống; 100% các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn cấp tỉnh.
Các đại biểu cho rằng, những mặt tích cực của chính sách đã được phát huy trong thực tế, nhưng vẫn còn những rào cản làm hạn chế tình hình cải thiện nước sạch ở nông thôn. Các địa biểu đưa ra nhận định, với nhiều nút thắt giữa quy định chặt chẽ và khả năng đáp ứng thực tế; những vướng mắc liên quan từ cơ chế, chính sách, như vốn, quy mô, giải pháp công nghệ và cả cơ chế xã hội hoá huy động các nguồn lực là những nguyên nhân làm cho thực trạng nước sách nông thôn kém hiệu quả, cần phải sớm được tháo gỡ. Bên cạnh đó, là ảnh hưởng nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, người dân gặp muôn vàn khó khăn trong đời sống, sản xuất, là vấn đề lớn vừa cấp bách, vừa lâu dài, nhưng các chủ trương, chính sách chưa theo kịp.
Đến nay, sau hơn gần 4 năm thực hiện Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025, nhưng mỗi năm Việt nam vẫn có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm; khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư; 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và vệ sinh kém. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Và vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn. Việt Nam hiện đang được WHO xếp vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn.
Vì những lý do trên, các đại biểu thống nhất cần phải bàn đến các giải pháp căn cơ cùng với sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và toàn xã hội, đến mỗi người dân mới có thể đảm bảo nước sạch đối với sức khỏe người dân và vấn đề an ninh nguồn nước khu vực nông thôn.
Đại biểu và phóng viên báo chí tác nghiệp tại Tọa đàm
|
Sang nội dung thứ hai “Nước sạch nông thôn - Tại sao vẫn khát?” Các đại biều cho rằng, "bức tranh" cấp nước hiện nay đã được cải thiện nhiều so với 20 năm trước, cụ thể, mạng lưới cấp nước tốt hơn, chất lượng nước cung cấp cũng tốt hơn, đặc biệt những vùng đô thị hay một số vùng nông thôn phát triển. Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau mà việc bảo đảm cấp nước an toàn vẫn chưa được như mong muốn. Nhiều chỉ số về yêu cầu chất lượng nước đảm bảo cho vấn đề sức khỏe, cuộc sống người dân đều chưa đạt được. Hệ thống các chỉ tiêu đưa ra có xu hướng tích cực nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn và người dân, nhất là người dân nông thôn vẫn “khát” nước sạch. Chất lượng các công trình ở nhiều vùng nông thôn dùng nước ngầm, nước giếng khoan hay các vùng miền núi sử dụng các công trình nước tự chảy vẫn ở mức thấp. Quá trình giám sát, công tác bảo quản, duy tu bảo dưỡng công trình nước không được duy trì tốt, cơ chế bảo vệ cộng đồng từ người dân chưa hợp lý cũng ảnh hưởng đến cung cấp nguồn nước và chất lượng nước, việc xả thải còn nhiều. Đối với các vùng đồng bằng hay khu đô thị có khu công nghiệp, tình trạng xả thải, xả chất độc hại ra môi trường rất nguy cấp, đáng báo động.
Bên cạnh đó, cũng phải nói đến, chi phí đầu tư lớn, giá nước thấp, khả năng thu hồi vốn chậm; cùng với rất nhiều công trình cấp nước an toàn được đầu tư xây dựng nhưng quản lý vận hành không chuyên nghiệp, đầu tư không đồng bộ nên tỷ lệ thất thoát, thất thu cao, làm cho các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Trong khi đó, Việc tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm hoặc xây dựng các biện pháp khắc phục sự cố hay xây dựng các giải pháp hạn chế rủi ro… vẫn chưa đem đến hiệu quả thiết thực.
Những câu chuyện xảy ra không phải ở nơi xã xôi mà ngay tại Thủ đô Hà Nội, thiếu nước sạch hiện không chỉ là nỗi lo của người dân nội thành mà tình trạng này cũng đang làm cuộc sống của hàng vạn người dân ngoại thành Hà Nội lao đao. Câu chuyện người dân thôn Phương Hạnh, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội thiếu nước sạch phải sử dụng nguồn nước giếng khoan hoặc mua từ nơi khác, trong khi đó, nhiều trạm cấp nước bỏ hoang… Hay, do diễn biến thời tiết rất bất thường, cực đoan của khí hậu, nguồn nước, xâm nhập mặn trên diện rộng vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt nông thôn; đa số các công trình cấp nước tập trung bị sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngừng hoạt động, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt; cá biệt, vùng núi và Tây Nguyên có tới 45,2% công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, tiếp đó là miền núi phía Bắc với tỷ lệ 34,8% và đồng bằng sông Hồng là 18,1%; v.v… Đấy là một trong rất nhiều câu chuyện về thực trạng khát nước sạch vùng nông thôn.
Hiện, cả nước có 16.342 công trình cấp nước tập trung, trong đó chỉ có 33,5% công trình bền vững, còn lại 37,5% hoạt động trung bình, 16.7% hoạt động kém hiệu quả và 12% không hoạt động. Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Người dân ở nhiều nơi tuy đã có nước hợp vệ sinh, nước sạch để dùng, nhưng việc kiểm định chất lượng nguồn nước tại nhiều địa phương còn sơ sài, thiếu chế tài và các giải pháp đồng bộ thường xuyên
|
Trong nội dung thứ ba, để “Nhà nhà được tiếp cận nước an toàn”, các đại biểu từ nhiều góc nhìn cả về khoa học và thực tiễn, cả về lập pháp và giám sát đã đề xuất các giải pháp tăng cường về chính sách đồng bộ giải quyết kịp thời những vướng mắc trong hệ thống quy định pháp luật liên quan đến bảo đảm chất lượng nước sạch hiện nay và những khó khăn trong việc thực hiện các quy định này trong cuộc sống.
Từ thực tiễn địa phương, các đại biểu cũng nhận thức và chỉ rõ đâu là nguyên nhân của việc thiếu nước sinh hoạt vùng nông thôn (như ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc,...) và đề xuất các giải pháp để “Nhà nhà được tiếp cận nước an toàn”.
Các đại biểu cho rằng, trước tình hình diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay và chuẩn bị cho những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ và các địa phương cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiện trạng tình hình cấp nước nông thôn, đi kèm với những khó khăn, tồn tại và giải pháp khắc phục. Hướng tới giải quyết đồng bộ các giải pháp bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt”. Trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết phải (1) hoàn thiện về văn bản pháp lý và các chính sách. (2) Nâng cao giải pháp công nghệ áp dụng cho công tác giám sát và kiểm soát chất lượng. (3) tăng cường công tác giáo dục truyền thông có hướng dẫn cụ thể, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân về sử dụng nguồn nước và giữ vệ sinh môi trường nông thôn.
Vì vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện về các quy định pháp luật về cấp nước an toàn, chỉ đạo chặt chẽ các cơ quan chức năng thực thi, giám sát việc thực hiện chính sách có chất lượng, hiệu quả. Về lâu dài, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều bắt buộc, nhưng nếu công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và người dân không thực sự chặt chẽ thì kết quả cũng khó đạt được như mong muốn. Việc vận động tuyên truyền hay tiến hành xử phạt cũng cần phải có Luật để đảm bảo rõ ràng hơn trong phân vai trách nhiệm giữa xã hội, nhà nước và cộng đồng mà khâu tổ chức thực hiện là rất quan trọng...
Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi và làm rõ một số giải pháp căn bản như mục tiêu đề ra. Các ý kiến nhằm hướng tới bảo đảm cấp nước an toàn cho nông thôn - Nhìn từ Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025; góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng; đồng thời, là những thông điệp gửi đến các nhà hoạch định chính sách về vấn đề nước sạch nông thôn: “Không để ai phía sau với tiếp cận nước sạch an toàn”./.
PV.