Thứ Tư, 16/10/2024
Khoa học
Thứ Năm, 21/5/2020 23:44'(GMT+7)

Tọa đàm trực tuyến “Bổ sung quy định điều trị suy dinh dưỡng nặng trẻ em vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh PV.

Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh PV.

Tham gia buổi Tọa đàm có các vị khách mời: Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế; TS. BS. Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế; GS. TS. Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng; Ông Nguyễn Trọng An, Bác sĩ chuyên khoa nhi, chuyên gia dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em. Đến dự và đưa tin về buổi Tọa đàm có đại diện các báo, đài Trung ương và các tỉnh.

Các vị khách mời (từ trái sáng phải): Bác sĩ Nguyễn Trọng An; TS. BS. Huỳnh Nam Phương; Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng; Bà Đinh Thị Thu Thủy; GS. TS. Hoàng Văn Minh. Ảnh Nguyễn Thông (Báo Đại biểu Nhân dân)

Tọa đàm nhằm vào 3 nội dung chính: 1) Làm rõ khái niệm SDD nặng trẻ em, thực trạng SDD nặng cấp tính ở trẻ em ở nước ta hiện nay và hậu quả của suy dinh dưỡng. 2) SDD nặng cấp tính ở trẻ em có phải là bệnh, phác đồ và chế phẩm điều trị bệnh SDD nặng. 3) Sự cần thiết phải luật hóa cơ chế khám, điều trị SDD nặng trẻ em nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững.

Dẫn đề nội dung Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, SDD là mối đe dọa đơn lẻ nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Theo đó, có đến 45% trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do SDD nặng. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 232.000 trẻ dưới 5 tuổi (5,8%) bị SDD gầy còm thể vừa hoặc nặng, thường được gọi là SDD nặng cấp tính. Thể trạng nguy hiểm nhất của SDD nặng cấp tính là gày gò teo đét (Marasmus) hoặc phù nề (Kwashiorkor) rõ rệt. Nếu không được điều trị, những trường hợp SDD nặng cấp tính này sẽ đi đến tử vong.

Ông Nguyễn Quốc Thắng cũng cho biết: Ở Việt Nam, quản lý SDD nặng cấp tính đã được thực hiện từ năm 2009 với kinh phí  hỗ trợ ban đầu của UNICEF để xây dựng mô hình can thiệp mẫu và sau đó được mở rộng trên trên nhiều tỉnh, thành với nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế khác. Tuy nhiên đến nay, độ bao phủ của can thiệp này còn rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng được 10% các ca SDD nặng cấp tính trên toàn quốc. Hậu quả là, đa số các ca SDD nặng cấp tính trẻ em (tới 90%) vẫn chưa được điều trị và có nguy cơ bị thấp còi, mắc bệnh mãn tính hoặc tử vong, trong khi việc điều trị này chưa được luật hóa cụ thể.

Với  thực trạng đó, các cơ quan tổ chức Tọa đàm mong muốn, các nhà khoa học, nhà quản lý thông qua nghiên cứu và trải nghiệm thực tiễn, đề xuất các giải pháp can thiệp phòng chống và điều trị SDD nặng trẻ em; đồng thời, đưa ra các luận cứ khoa học về tính cấp thiết phải luật hóa việc điều trị SDD nặng trẻ em, coi như một can thiệp chiến lược để giảm tỷ lệ thấp còi và tử vong ở trẻ em; cải thiện trí tuệ, tầm vóc và sự phát triển của nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai.

KHÁI NIỆM SUY DINH DƯỠNG NẶNG, TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG NẶNG CẤP TÍNH TRẺ EM Ở NƯỚC TA HIỆN NAY, HẬU QUẢ CỦA SUY DINH DƯỠNG

TS. BS. Huỳnh Nam Phương cho biết, hiện vẫn còn các ý kiến khác nhau về khái niệm SDD và cái mà chúng ta đề cập đến trong Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này là thể SDD nặng cấp tính.

Nhìn chung, khái niệm về SDD được cơ bản thống nhấ là: SDD là tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng do bệnh tật hoặc do thiếu ăn, ảnh hưởng đến các sự phát triển thể chất và trí tuệ của cơ thể đứa trẻ.  Thông thường, SDD được chia thành 2 thể: Cấp tính và mãn tính. Cấp tính là thể SDD thiếu cân so với chiều cao ở đối tượng đó, và có thể gọi là SDD gầy còm; SDD mãn tính ảnh hưởng đến chiều cao so với tuổi của đối tượng, còn gọi là SDD thấp còi. Tỷ lệ SDD thấp còi được đưa vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

SDD cấp tính được xác định theo cân nặng, chiều cao của đối tượng đó dưới -2 đơn vị đạt chuẩn tăng trưởng của WHO, vòng cánh tay của bé dưới 12cm. Thể nặng của đối tượng dưới -3 đơn vị đạt chuẩn, vòng cánh tay của bé dưới 11cm hoặc bệnh nhân có biểu hiện phù, teo đét. Nguyên nhân của SDD nặng cấp tính là do tình trạng thiếu ăn và bệnh tật phổ biến như tiêu chảy hoặc viêm phổi ở trẻ em. Tỷ lệ này sẽ tăng cao, rất cao trong trường hợp thiếu an ninh lương thực, thực phẩm hoặc bệnh dịch nào đó, như trong bối cảnh dịch COVID- 19.  

Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ SDD nặng cấp tính khoảng 6-7%, mỗi năm có khoảng 700.000 ca SDD cấp tính, trong đó thể nặng có khoảng 233.107 trẻ em dưới 5 tuổi cần được điều trị. Sự phân bố của SDD cấp tính theo vùng miền: Cao ở vùng miền núi phía Bắc (20.000 ca), Tây Nguyên (38.000 ca), vùng dân tộc thiểu số (50.000 ca). Hậu quả bệnh tật đối với trẻ em SDD cao gấp 9-20 lần so với trẻ bình thường. Nguy cơ mắc các bệnh khác về nhiễm khuẩn hoặc hồi phục sẽ chậm, ảnh hưởng lâu dài đến trí tuệ, thể chất, khả năng học tập, và hệ lụy đến chi phí của gia đình, xã hội cũng như quốc gia. SDD làm giảm ít nhất 10% thu nhập cho mỗi cá nhân và giảm khoảng 8% tăng trưởng kinh tế quốc gia mỗi năm.  

Đồng ý kiến với TS. BS. Huỳnh Nam Phương, BS. Nguyễn Trọng An nhấn mạnh: SDD trẻ em gây cho trẻ em bị chết sớm, làm nghèo gia đình, nghèo đất nước và chậm phát triển xã hội. SDD thấp còi và SDD cấp tính có mối liên quan với nhau, nếu không giải quyết SDD cấp tính thì SDD thấp còi cũng không được giải quyết triệt để.

Trả lời câu hỏi: Để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính nặng, phải cần đến biện pháp khả thi nào? BS. Nguyễn Trọng An bày tỏ sự băn khoăn, hiện Việt Nam là nước xuất gạo lớn nhất nhì thế giới mà nước nhà vẫn bị đứng trong TOP 16 nước có tỷ lệ trẻ em bị SDD cao nhất thế giới? Lý giải điều này, ông cho rằng: Trẻ em nước ta bị Bệnh SDD không phải chỉ do nguyên nhân thiếu ăn, mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Ví dụ như: Bệnh SDD do thiếu vi chất dinh dưỡng (I ốt, Vitamin A, kẽm…). Vì thế, Chính phủ phải có can thiệp bởi Nghị định số 09/2016/TTg về Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. BS. Nguyễn Trọng An cho rằng: hiện chúng ta đang bàn đến loại bệnh SDD Protein-Năng lượng nặng/cấp tính thì giải pháp cần thiết nhất là phải điều trị.

Tuy nhiên, tác động của các chương trình đối với giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Nhờ các chương trình dự phòng, đã giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ suy dinh dưỡng thể trạng thấp còi từ mức trên 50% những năm 2000 xuống dưới mức 30% như hiện nay. Đó là giải pháp quan trọng thể hiện rõ nguyên lý: PHÒNG  BỆNH HƠN CHỮA BỆNH - phòng bệnh tại cộng đồng và gia đình - cần được phát huy một cách sáng tạo hơn. BS. Nguyễn Trọng An cho biết, trước đây, GS. Từ Giấy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống SDD bằng hỗ trợ kiến thức cho các bậc cha mẹ, cho các gia đình, như: Bú sữa mẹ; bằng “Tô mầu bát bột” cho trẻ giai đoạn ăn Sam bằng chính những thức ăn giầu dinh dưỡng quanh nhà thông qua việc vận động xây dựng hệ sinh thái VAC (Vườn-Ao-Chuồng),… Ông cho rằng, đây mới là giải pháp cơ bản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hơn 200.000 trẻ em đã bị bệnh SDD nặng cấp tính, loại mà nguy hiểm ngay đến tính mạng, nếu không được điều trị, nguy cơ cao sẽ bị tử vong.

Về sản phẩm điều trị SDD nặng cấp tính, BS. Nguyễn Trọng An cho rằng cần thiết phải có những “sản phẩm điều trị chuyên biệt” bên cạnh dùng thuốc để điều trị các bệnh đi kèm như viêm phổi, tiêu chảy, khô mắt do thiếu Vitamin A nhiễm trùng giác mạc.v.v…và ông bày tỏ, bổ sung điều trị SDD nặng trẻ em vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một yêu cầu tích cực, cần làm ngay, cần thúc đẩy tiến độ, nếu không thì sẽ còn chậm trễ đối với trẻ em SDD nặng cấp tính. Trẻ em không thể chờ đợi!

Bên cạnh đó, BS. Nguyễn Trọng An cũng đề nghịtrẻ em khám và điều trị bệnh SDD cần được chi trả bởi gói BHYT cơ bản theo quy định mới trong Luật BHYT sửa đổi 2012. Ông cho rằng, trẻ em SDD có nhiều thể, nhiều loại SDD Protein-Năng lượng, nhưng khi trẻ vào bệnh viện điều trị thì là bệnh SDD. Hầu hết tất cả trẻ SDD nặng khi được nhận vào bệnh viện, đều có biểu hiện của sự nhiễm khuẩn như viêm phổi, tiêu chảy, khô mắt do thiếu Vitamin A, kèm theo đó là chức năng đường ruột và gan bị suy giảm, cũng như những vấn đề liên quan đến mất cân bằng điện giải. Và trẻ em dưới 6 tuổi khám và điều trị các bệnh đã được BHYT chi trả theo Luật định.

Cùng quan điểm với các diễn giả, Bà Đinh Thị Thu Thủy với góc độ của người quản lý, cho rằng:  Để giải quyết thực trạng này, Nhà nước phải thực hiện đồng bộ các biện pháp, trong đó có các biện pháp về kinh tế, vệ sinh môi trường, nước sạch, an ninh lương thực và giáo dục. Dưới góc độ y tế, cần phải có cơ chế khám, chữa bệnh, điều trị, giảm nguy cơ tử vong của trẻ em cũng như nguy cơ bệnh tật của trẻ em, gia đình, nhà nước và xã hội.

Bà Thủy cho rằng, SDD nặng cấp tính là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11) phần các bệnh về chuyển hóa, dinh dưỡng và nội tiết. Vì là bệnh nên phải phòng ngừa và điều trị. Trong điều trị, phải có phác đồ điều trị và thuốc điều trị. Về phác đồ điều trị, gồm: Khám, điều trị nội trú, điều trị ngoại trú và tư vấn xuyên suốt trong quá trình điều trị. Về thuốc điều trị, hiện có 3 chế phẩm đặc trị là F75, F100, RUTF. Về bản chất, 3 chế phẩm đặc trị không phải là thuốc, nhưng nếu không có một trong ba chế phẩm này bệnh nhân sẽ không khỏi bệnh, vì hiện tại chưa có thuốc nào thay thế. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm này phải có sự chỉ định của bác sĩ. 

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành 2 Quyết định, gồm: Quyết định 4487/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi và Quyết định 3779/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi. Nhưng theo bà Thủy, 2 văn  này vẫn là văn bản cá biệt của ngành Y tế. Bệnh suy dinh dưỡng nặng cấp tính trẻ em hiện vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của các cấp, các ngành. Trong khi đó, trẻ em SDD nặng cấp tính thường xảy ra trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên gia đình thường không thể chi trả. Đây là trở ngại chính cho bệnh nhân và cơ sở y tế. 

SUY DINH DƯỠNG NẶNG CẤP TÍNH TRẺ EM CÓ PHẢI LÀ BỆNH; PHÁC ĐỒ VÀ CHẾ PHẨM ĐIỀU TRỊ SUY DINH DƯỠNG NẶNG

Ở chủ đề thứ hai, TS. BS Huỳnh Nam Phương, quan tâm nhiều đến đặc điểm của các chế phẩm điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính. Bà cho biết: Việt Nam bắt đầu tham gia hoặc thử nghiệm các chế phẩm điều trị từ 2009 mặc dù WHO và UNICEF đã có hướng dẫn từ trước đó khá lâu. Từ năm 2009, UNICEF đã hợp tác với Viện Dinh dưỡng Quốc gia để hướng dẫn kỹ thuật và làm mô hình thử nghiệm đầu tiên tại 5 bệnh viện Trung ương: Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh cũng như tại 9 xã của tỉnh Kon Tum và kết quả rất thành công. 

Cùng với việc sử dụng phác đồ điều trị của WHO, UNICEF, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng nghiên cứu sản phẩm điều trị sao cho phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam như những sản phẩm F75, F100, RUTF… Cụ thể đối với sản phẩm RUTF, đây là một loại sữa công thức chế phẩm dưới dạng ăn liền và có thể dùng điều trị cộng đồng, đảm bảo giá trị dinh dưỡng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ em SDD nặng cấp tính. Qua kết quả của chương trình, từ 2012-2015 được sự hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, Liên Hiệp quốc… Viện đã thử nghiệm mô hình này trên 22 tỉnh, tuy nhiên với nguồn lực hạn chế nên chỉ bao phủ 10% số trẻ cần được điều trị.

Từ 2015 đến nay, nguồn điều trị đã bị giảm sút rất nhiều do sự cắt giảm kinh phí từ các tổ chức tài trợ nước ngoài. Để đáp ứng sự bền vững của chương trình, tăng độ bao phủ, cần tìm được phương thức chi trả. Hy vọng điều này sẽ được đưa vào Luật.

Bàn về những yếu tố nào được xem xét để đưa các chế phẩm này như 1 loại thuốc trong bảo hiểm y tế, TS. BS. Huỳnh Nam Phương cho biết: Chế phẩm điều trị được sản xuất dựa trên tiêu chí theo tiêu chuẩn toàn cầu và cũng được đưa vào phần phụ lục của Quyết định 4487/QĐ-BYT năm 2016 của Bô Y tế. Năng lượng của sản phẩm rất cao, bù đắp phần dinh dưỡng thiếu hụt bị mất do bệnh tật hoặc thiếu ăn. Lượng vi chất đặc biệt cao, và đây là điểm khác với thực phẩm chức năng.

Cụ thể, thực phẩm chức năng chỉ đáp ứng 3% khuyến nghị vi chất trong khẩu phần thực phẩm ăn vào. Còn chế phẩm này đáp ứng được 100%, tức là trẻ sẽ được kê đơn theo cân nặng của trẻ, khi sử dụng sản phẩm này thì trẻ sẽ không phải sử dụng bổ sung thêm vi chất. Đó là liều điều trị chứ không phải liều bổ sung và trẻ không phải ăn ở khẩu phần khác.

Trẻ bị SDD nặng cấp tính ảnh hưởng đến tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết do đó chế phẩm được sản xuất để đáp ứng được trong giai đoạn cấp cứu không bị quá tải, nhưng giai đoạn sau đó bù kịp tốc độ tăng trưởng, ăn với số lượng ít nhưng tăng cân rất nhanh. Từ 6-8 tuần trong quá trình điều trị ngoại trú bé có thể hồi phục cân nặng bình thường dựa trên những bằng chứng khoa học trên thế giới cũng như tiêu chuẩn toàn cầu. 

Khẳng định suy dinh dưỡng là bệnh có thể ngăn ngừa, điều trị và đã có phác đồ điều trịBS. Nguyễn Trọng An một lần nữa nhấn mạnh: Phòng ngừa, điều trị SDD là nhiệm vụ của cộng đồng, của gia đình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn 8%, tức là khoảng hơn 200 ngàn trẻ bị SDD cấp tính nặng và bệnh này phải được điều trị và phải được luật hóa trong khám, chữa bệnh.

BS An cho rằng: Ngoài việc điều trị do thiếu vitamin A, bị viêm phổi, tiêu chảy thì những trẻ em bị SDD không thể hấp thu được như bình thường, bị rối loạn điện giải, do đó, cần có một chiến thuật đặc biệt để điều trị bệnh này. Chiến thuật điều trị độc quyền này không phải là thuốc nhưng phải được quy định kê đơn hướng dẫn của thầy thuốc. Do đó, sản phẩm này phải được quy định trong luật để cho tất cả các bộ, ngành, đặc biệt là ngành y tế phải thực hiện. Đây là một loại bệnh, đã là bệnh thì phải được điều trị và phải điều trị bằng sản phẩm đặc biệt.

Trả lời câu hỏi: Điều trị bệnh suy dinh dưỡng nặng có tốn kém không? Dự tính quỹ Bảo hiểm cần chi trả bao nhiêu để đảm bảo mọi trẻ bị bệnh SDD nặng đều được điều trị, GS. TS. Hoàng Văn Minh cho biết: Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo những sản phẩm dành cho trẻ em bị SDD. Hiện đã có hơn 43 quốc gia đưa vào bảo hiểm những sản phẩm điều trị SDD và điều trị miễn phí.  Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã có những thử nghiệm các sản phẩm để điều trị bệnh SDD thể nặng này rất thành công. Chính vì vậy mà Bộ Y tế đã có công văn để đưa những loại sản phẩm này vào điều trị SDD nặng cấp tính. Nếu sử dụng 3 chế phẩm đặc trị SDD là F75, F100 và RUTF để điều trị, tính thêm cả những chi phí khác như tư vấn, chi phí nội trú… đối với những bệnh nhân SDD không nặng (không có biến chứng), chỉ cần điều trị ngoại trú và mất khoảng 1,2 triệu đồng. Đối với bệnh nhân có biến chứng, phải điều trị nội trú, chi phí cho một đợt điều trị khoảng 1,5 triệu đồng. 

Việt Nam có hơn 200.000 bệnh nhân SDD bệnh thể nặng, nhưng xét con số mới mắc mỗi năm lên tới 1,4%. Với những trường hợp mới mắc thì việc điều trị này có tác dụng hơn rất nhiều. Nếu điều trị khỏi 50% trong số đó thì chi phí hết khoảng 126 tỷ đồng/năm. Nếu  bao phủ 100% toàn bộ các trẻ mới mắc thì chi phí hết khoảng 250 tỷ đồng/năm. Nếu tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đều tham gia BHYT, quỹ cho trẻ em dưới 6 tuổi khoảng hơn 6.600 tỷ. Như vậy, nếu bao phủ 50% số trẻ em nhiễm SDD cấp tính sẽ khoảng 2% và 100% sẽ chưa đến 5%. Con số đó là không lớn nếu ta so sánh với các chi phí điều trị ung thư, mỗi năm BHYT phải chi khoảng 5.000 tỷ

Nếu tính toán cụ thể chỉ dưới 1% quỹ BHYT giành cho trẻ em. Như vậy, khi điều trị SDD được đưa vào BHYT sẽ đảm bảo được sự công bằng về tài chính, GS. TS. Hoàng Văn Minh cho biết.

Dưới góc nhìn quản lý, bà Đinh Thị Thu Thủy nhắc lại việc Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4487/QĐ-BYT và Quyết định 3779/QĐ-BYT là thể hiện sự quan tâm thiết thực, nhưng các quyết định đó chưa phải là văn bản Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho các cơ sở y tế vẫn còn coi nhẹ công tác này và vẫn chưa nhận thức đúng SDD cấp tính là một loại bệnh cần được điều trị một cách chính đáng. Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh đều do gia đình bệnh nhân chi trả, không ít gia đình kinh tế còn khó khăn. Đây cũng là một trong những khó khăn cho các cơ sở y tế, và không ai khác, các em là những người chịu thiệt thòi. 

Bà Thủy cho rằng: Để thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của nước ta và đặc biệt, chúng ta thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em và Luật Trẻ em thì việc khám, điều trị SDD trẻ em  cần phải được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật cao nhất của nhà nước là Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Qua đó, bảo đảm cho trẻ em được hưởng quyền lợi trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là được BHYT chi trả đối với sản phẩm được điều trị.  

SỰ CẦN THIẾT PHẢI LUẬT HÓA CƠ CHẾ KHÁM, ĐIỀU TRỊ SUY DINH DƯỠNG NẶNG TRẺ EM NHẰM BẢO ĐẢM CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Đánh giá về sự cần thiết phải đưa tư vấn, khám, điều trị SDD cấp tính nặng trẻ em vào Luật, BS. Nguyễn Trọng An cho biết thêm:  Cách đây 40 năm, Tuyên ngôn Alma – Ata về chăm sóc sức khỏe ban đầu có đưa ra 5 tia sáng để cứu hàng triệu trẻ em trên toàn cầu thoát chết, viết tắt là GOBI-F. Trong đó: G: Giám sát tăng trưởng; O: Cách pha ORS và bù nước; B: Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ; L: Thực hiện tiêm chủng mở rộng; F: Giáo dục cho bà mẹ về chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Chúng ta nên quan tâm đến vấn đề này và đưa vào luật. Đặc biệt gần đây, Thủ tướng ban hành Quyết định 1437/QĐ-TTg 2018 phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Chế phẩm dinh dưỡng cho trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời là rất quan trọng. Do đó, việc ưu tiên phát triển cho trẻ em cả thể chất và tinh thần, trí tuệ, đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng cần được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng, xã hội. Do vậy, việc giảm SDD do thấp còi, thừa cân ở Việt Nam hiện nay phải là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và phải được nêu rõ trong Luật.

Khi đưa vào luật tức là chúng ta đã thể chế hóa SDD là bệnh. Theo đó, việc chữa trị phải được quy định có bác sĩ kê đơn và hỗ trợ chi trả để sản phẩm chuyên biệt được đưa vào điều trị SDD cấp tính một cách công khai minh bạch.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung quy định điều trị SDD nặng trẻ em vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bà Đinh Thị Thu Thủy coi đây là yêu cầu bức thiết để kịp thời phòng ngừa và điều trị cho tất cả trẻ em bị SDD nặng cấp tính, giảm các gánh nặng về chi phí cho KT-XH và các hậu quả về mặt sức khỏe do SDD gây ra.

Bà Thủy cho biết, cũng chính vì vậy, Ban soạn thảo đã đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) điều 84 quy định theo hướng sử dụng sản phẩm chuyên biệt để điều trị SDD nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi, và phải bảo đảm một số nguyên tắc như: chỉ sử dụng khi cần thiết với mục đích an toàn hợp lý, hiệu quả theo đơn của bác sĩ phù hợp với chuẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của bệnh nhân. Khi kê đơn các sản phẩm chuyên biệt, điều trị SDD nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi thì người hành nghề phải ghi đầy đủ, rõ ràng về đơn thuốc, sổ khám hoặc hồ sơ bệnh án, các thông tin như: Tên, liều dùng, cách dùng của sản phẩm điều trị cho bệnh nhân bị SDD nặng cấp tính.

Như vậy, nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua, trong đó điều 84 quy định về việc sử dụng thuốc, các sản phẩm, chế phẩm cho điều trị SDD nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi thì chúng ta có một cơ chế pháp lý để cho các trẻ em dưới 6 tuổi bị SDD nặng cấp tính của cả nước đều được khám, chữa bệnh kịp thời bảo đảm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng như thực hiện quan điểm chỉ đạo của Nhà nước là “không bỏ ai lại phía sau”.

Tuy nhiên, Bà Thủy cũng bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề “sản phẩm chuyên biệt” này, nếu đưa tên của sản phẩm này vào luật có thể xảy ra sự độc quyền của một doanh nghiệp nào đó và vấn đề lợi ích nhóm tạo ra trong vấn đề sản xuất các sản phẩm này. Vì vậy, phải cân nhắc, sau khi đưa vào luật thì sản phẩm đặc trị này phải đảm bảo như thế nào để giảm thiểu nguy cơ lợi ích nhóm?!