Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 20/11/2008 15:30'(GMT+7)

Tổng thống Pháp: Đã đến lúc phải cải tổ giáo dục

Học sinh Pháp. Ảnh: wallacehigh

Học sinh Pháp. Ảnh: wallacehigh

Đưa bài giảng ra cánh đồng, bờ biển


Nền giáo dục của chúng ta phải trở nên ít thụ động hơn, ít cứng nhắc hơn. Nó cũng phải giảm bớt mức độ nhấn mạnh thái quá vào học thuyết, lý thuyết và các ý tưởng trừu tượng, điều sẽ khiến trí thông minh không thể phát huy. Chúng ta cần dành nhiều chỗ hơn cho việc quan sát, thử nghiệm, miêu tả và thực hành.

Tôi tin rằng bằng cách này chúng ta sẽ làm cho trường học trở thành nơi thú vị hơn với nhiều trẻ em hơn và giảm tỷ lệ lưu ban trong các trường. Điều này đúng với lĩnh vực khoa học cũng như các lĩnh vực nhân văn và nghệ thuật. Để kiến thức trở nên sống động hơn, cụ thể hơn, phải mở thế giới của giáo dục sang những thế giới khác – của văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu, công nghệ và, đương nhiên, thế giới kinh doanh, nơi mà phần lớn con em chúng ta sẽ sống khi trưởng thành.

Không nên hạn chế con em chúng ta trong phạm vi lớp học của chúng. Từ rất sớm, chúng phải được đến nhà hát, viện bảo tàng, thư viện, phòng thí nghiệm và xưởng sản xuất. Từ rất sớm, chúng phải được tiếp xúc với vẻ đẹp của thiên nhiên và khám phá những điều bí ẩn của nó. Các bài học vật lý, địa chất, sinh vật, địa lý, lịch sử và cả thơ văn thường có tác động và ý nghĩa lớn hơn khi được giảng dạy trong rừng, trên cánh đồng, trên núi hay bên những bờ biển. Con em chúng ta phải được dạy cách xem những kiệt tác của các nghệ sĩ cũng như của tự nhiên. Và chúng ta không được phép ngần ngại để chúng tiếp xúc với những tác phẩm vĩ đại của trí tuệ nhân loại và với những người giữ cho các tác phẩm này sống mãi.

Điều này đúng với mọi trẻ em, mọi thiếu niên, bất kể xuất thân, hoàn cảnh xã hội, bất kể các em học phổ thông hay học nghề. Sở dĩ như vậy là bởi đối lập những gì thuộc về chân tay và trí óc cũng là một khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục truyền thống của chúng ta. Phải loại bỏ sự phân biệt ngớ ngẩn sao cho học nghề cũng được thừa nhận như các ngành học chất lượng cao.

Còn một sự phân biệt nữa mà chúng ta phải vượt qua: phân biệt giữa hoạt động thể chất và hoạt động trí não. Giáo dục là một sự tổng hòa. Nó phải bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành, cả hoạt động trí não lẫn hoạt động thể chất, cả hoạt động nghệ thuật lẫn thể thao. Có quá ít thời gian được dành cho thể thao. Trẻ em cần nổi trội hơn người. Nhưng thể thao cũng dạy cho ta cách tôn trọng những người khác, tôn trọng luật chơi, lòng trung thành và cách đạt được thành tích tốt nhất. Tôi tin vào giá trị giáo dục của thể thao. Không những thể thao cần có chỗ đứng quan trọng lớn hơn trong trường học, mà thế giới của thể thao và giáo dục cần được mở ra để hòa quyện với nhau nhiều hơn nữa, sao cho có mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở thể thao và cơ sở giáo dục, có sự hợp tác giữa các vận động viên và giáo viên vì lợi ích của con em chúng ta.

Trả lại khoảng thời gian sống

Xin đừng hiểu lầm ý tôi, tôi không có ý muốn làm nặng thêm chương trình giảng dạy vốn đã quá nặng. Tôi không có ý muốn thêm môn học vào danh sách vốn đã quá dài. Ngược lại, theo suy nghĩ của tôi, mục tiêu của chúng ta là phải trả lại cho trẻ em khoảng thời gian để sống, để thở, để hấp thụ những gì chúng được dạy.

Chúng ta cần xác lập lại tính liên tục trong hệ thống giáo dục. Đương nhiên việc này đòi hỏi phải rà soát lại cách chúng ta tổ chức năm học và chương trình giảng dạy, điều đã trở nên cần thiết sau hàng thập kỷ khi trường học phải đối mặt với một khối lượng ngày càng tăng những yêu cầu trái ngược nhau, đối mặt với sự căng thẳng và kỳ vọng ngày càng lớn, khiến cho sự gắn kết xã hội trở nên mong manh hơn. Chúng ta cần khôi phục lại tính liên tục trong mỗi môn học cũng như giữa các môn học với nhau, gắn với những kỳ vọng xã hội, và một lần nữa tìm ra nguyên tắc chỉ đạo cho giáo dục, tìm lại cho giáo dục một kim chỉ nam, xác định cho nó những nguyên tắc, mục đích và tiêu chí đơn giản. Đây là điều đầu tiên chúng ta phải làm. Đồng thời, chúng ta cần nâng cao yêu cầu, không phải về số lượng mà về chất lượng.

Trao tối đa mọi thứ cho mỗi cá nhân

Thay vì áp dụng một quy trình tuyển chọn khắc nghiệt vào đại học, một giải pháp dựa vào thuyết Mantuýt, chúng ta phải từng bước nâng cao yêu cầu đối với tiểu học, rồi đến trung học cơ sở và trung học phổ thông. Không một học sinh nào được vào học lớp 6 nếu chúng không tỏ ra có đủ học lực để hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Không học sinh nào được vào trung học phổ thông nếu chúng không tỏ ra có đủ học lực để theo học bậc học này, và kỳ thi tú tài phải là kỳ thi mà học sinh chứng tỏ khả năng theo học đại học. Đây sẽ là một quá trình lâu dài đòi hỏi cải cách từ tiểu học đến trung học phổ thông. Nhưng có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của thế hệ trẻ, và do đó, đối với tương lai đất nước chúng ta.

Trao tối đa mọi thứ cho mỗi cá nhân thay vì tự bằng lòng trao tối thiểu cho tất cả. Đó là cách mà từ giờ trở đi tôi muốn chúng ta dùng để giải quyết vấn đề của giáo dục và đặc biệt là vấn đề của trường học.

Việc cải tổ giáo dục này chỉ có thể hoàn thành với sự giúp sức của tất cả các nhà giáo dục. Chỉ có ý chí chính trị thì không đủ. Bởi lẽ đó mà tôi viết thư này gửi các vị.

Phụ huynh: Nhà giáo dục đầu tiên

Khi nói đến “tất cả các nhà giáo dục”, tôi muốn nói rằng mục tiêu này sẽ không thể đạt được chỉ với sự giúp sức của các giáo viên hay chỉ với sự giúp sức của các phụ huynh. Mọi người phải cùng nhau thực hiện.

Để thành công, tất cả các vị phải làm việc cùng nhau. Đối với những người cha, người mẹ, giáo viên, quan tòa, cảnh sát, nhà giáo dục và tất cả những ai tiếp xúc với trẻ em trong môi trường thể thao, nghệ thuật và đoàn thể, lợi ích của trẻ em phải được đặt lên trên mọi đánh giá khác. Sự tin tưởng, hợp tác, trao đổi, tinh thần trách nhiệm phải được ưu tiên. Mỗi người phải vượt qua những định kiến để hoàn thành bổn phận của mình: đó là chuẩn bị hành trang để trẻ em trở thành người lớn.

Hỡi các bậc phụ huynh, các vị chính là những nhà giáo dục đầu tiên. Tôi biết là vai trò này khó khăn đến mức nào khi tình trạng thất nghiệp đe dọa, trong các gia đình có bố dượng hay mẹ kế hay các gia đình nhận con nuôi, hay khi người cha hay người mẹ phải một mình nuôi dạy con cái. Tôi biết cuộc sống có thể nặng nề đến mức nào. Tôi muốn nói với các vị rằng các vị sẽ được giúp đỡ, rằng các vị sẽ nhận được sự trợ giúp bất kỳ khi nào các vị cần đến nó để giáo dục con cái mình từ khi chúng còn nhỏ, và rằng đối với tôi, chính sách đối với gia đình nằm trong chính sách giáo dục.

Tôi muốn nói với các vị rằng, trong 5 năm tới, quyền được gửi con ở nhà trẻ hay mẫu giáo đối với tôi là những ưu tiên và tôi bảo đảm rằng không một trẻ em nào bị bỏ mặc khi kết thúc buổi học, nhờ đó các vị có thể hoàn thành ngày làm việc mà không phải lo lắng về việc con mình không được ai trông nom. Từ giờ trở đi, bài tập sẽ được làm tại trường, có thầy cô giám sát, và đối với các học sinh giỏi đến từ những gia đình có thu nhập thấp nhất – những gia đình không có khả năng chọn trường cho con, những trường nội trú chất lượng cao sẽ được xây dựng.

Các vị sẽ được trợ giúp hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhưng các vị cũng có bổn phận đối với con cái mình. Các vị phải là một tấm gương. Các vị có trách nhiệm phải bảo đảm rằng con cái mình được đến trường, làm chúng thấm nhuần ý thức tôn trọng pháp luật và sự lịch thiệp, và kiểm tra bài tập của chúng. Nếu các vị không để chúng được đến trường, nếu các vị bỏ mặc chúng, thì việc các vị bị xã hội lên án, trách nhiệm của các vị bị nghi vấn và những hình thức trợ giúp dành cho các vị bị cắt bỏ là điều hoàn toàn bình thường.

Nâng cao địa vị nghề giáo

Hỡi các thày cô giáo, các vị cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Các vị đóng vai trò chính yếu. Các vị thường đã học tập trong một thời gian dài. Các vị phải thể hiện trí thông minh, lòng kiên nhẫn, tâm lý và năng lực. Tôi biết nghề nghiệp cao quý của giáo viên đòi hỏi cao đến mức nào, nó bắt buộc các vị phải hy sinh lớn lao đến mức nào, nó khó khăn và đôi khi bạc bẽo ra sao khi nạn bạo lực đã xâm nhập vào trường học. Tôi rằng địa vị xã hội và sức mạnh của các vị bị kém đi khi mà sứ mệnh của các vị trở nên gian nan và điều kiện làm việc của các vị trở nên khắc nghiệt hơn. Đất nước nợ các vị lòng biết ơn lớn hơn, triển vọng sự nghiệp tốt hơn, một mức sống cao hơn và những điều kiến làm việc tốt hơn.

Trước đây, giáo viên có một vị trí được thừa nhận trong xã hội vì nền Cộng hòa tự hào về các trường học của mình, về những người mà nó giao phó trách nhiệm trong các trường học đó. Các giáo viên tiểu học và trung học đã tự hào về nghề nghiệp của mình, tự hào được phụng sự nền Cộng hòa, phục sự ý tưởng nào đó về con người và về sự tiến bộ. Chúng ta phải khơi lại lòng tự hào đó. Trong trường học của ngày mai, các vị sẽ được trả lương cao hơn, được tôn trọng hơn và, trái với chủ nghĩa bình quyền đã ngự trị quá lâu, các vị sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, sẽ thăng tiến nhanh hơn nếu các vị lựa chọn làm việc nhiều hơn và dành nhiều cố gắng hơn cho công việc của mình.

Tôi muốn việc nâng cao địa vị nghề giáo trở thành một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, bởi nó là điều không thể khác được trong việc cải cách trường học và cải tổ nền giáo dục của chúng ta. Nhưng hỡi các thày cô giáo, cũng giống như các phụ huynh, các vị cần phải là tấm gương. Hành vi, cách ứng xử, sự tỉ mỉ, tinh thần công bằng và tận tụy của các vị phải thật mẫu mực. Các vị cũng phải làm gương bằng năng lực thể hiện quyền lực nhà giáo, bằng sự quan tâm thưởng phạt đúng người đúng tội.

Ưu tiên cho chất lượng thay vì số lượng

Trong hệ thống trường học mà tôi rất muốn được thấy, trong đó ưu tiên được dành cho chất lượng hơn là số lượng, nơi mà thời khóa biểu sẽ nhẹ hơn, nơi mà việc sử dụng các nguồn lực sẽ hiệu quả hơn bởi vì quyền tự chủ sẽ cho phép các trường quản lý theo nhu cầu, sẽ có ít giáo viên hơn. Nhưng đây sẽ là hệ quả của công cuộc cải cách trường học, chứ không phải là mục tiêu của công cuộc này. Và tôi cam kết rằng những nguồn lực được giải phóng nhờ đó sẽ được tái đầu tư vào giáo dục và nâng cao vị thế của nghề dạy học. Mục tiêu là hiệu quả hơn, chứ không phải phân chia đồng đều – và điều này không chỉ nhằm đạt được một mục tiêu kinh tế, không chỉ để sao cho ngày mai nền kinh tế của chúng ta có một lực lượng lao động có trình độ và lành nghề, mà có thể cao hơn tất cả, mục tiêu là bảo đảm sao cho con em chúng ta có thể đề cao những giá trị của nền văn minh để từ đó một ý tưởng nào đó về nền văn minh sẽ tiếp tục thấm nhuần trong chúng.

***

Thưa tất cả các vị, tôi biết đang cân nhắc tầm quan trọng của thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Tất cả các vị phải hiểu rằng cuộc cách mạng tri thức đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta không cho phép chúng ta có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ xem từ “giáo dục” thực sự có nghĩa là gì. Một vài người trong số các vị nhận thức rõ rằng, xét đến xã hội khắc nghiệt của ngày hôm nay và sự lo lắng phải đối mặt với một tương lai ngày càng tỏ ra là một mối đe dọa, thế giới cần đến một cuộc Phục Hưng mới, điều chỉ có thể có được nhờ giáo dục. Chính chúng ta là người cầm lên sợi chỉ chạy xuyên suốt từ chủ nghĩa nhân đạo của thời kỳ Phục Hưng, qua thời kỳ Khai Sáng, đến thời đại của Jules Ferry.

Đã đến lúc phải cải tổ. Tôi kêu gọi các vị hãy tham gia. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện. Chúng ta đã quá chậm trễ rồi.

(Theo Vnn)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất