Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 8/1/2014 21:57'(GMT+7)

Tổng thu năm 2013 của ngành Du lịch đạt 200 ngàn tỷ đồng

Ngày 8/1, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2013, triển khai công tác năm 2014. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tới dự tại Hội nghị.

Báo cáo công tác năm 2013 của Tổng cục Du lịch nêu rõ: Trong năm qua, vượt qua những khó khăn, thách thức chung của tình hình kinh tế - xã hội, ngành Du lịch Việt Nam đã nỗ lực, năng động hơn trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ cơ bản hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Không những khôi phục tốc độ tăng trưởng, ngành Du lịch đã có những bước tạo đà phát triển mạnh mẽ cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo phát triển du lịch với mục tiêu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2013, ngành Du lịch đã đón tiếp và phục vụ 7.572.352 lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 200 ngàn tỷ đồng với tỷ lệ tăng trưởng tương ứng so với năm 2012 là 10,6%, 7,7%, 25%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2013 so với năm 2009 (sau 4 năm phục hồi suy thoái) đã tăng gấp 2 lần; tổng thu du lịch tăng trên 2,2 lần.

Ngành Du lịch đã tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013 với chủ đề Văn minh sông Hồng; phối hợp với Tổ chức Du lịch thế giới và tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững….

Với những con số đã đạt được trong năm 2013, ngành Du lịch đã hoàn thành kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là bước tăng trưởng ấn tượng trong ngành Du lịch Việt Nam. Cả nước đã có 4 khu du lịch tổng hợp quốc gia gắn với ba địa bàn kinh tế và du lịch trọng điểm, 18 khu du lịch chuyên đề đã được xác định và đang được đầu tư phát triển.

Trên nhiều lĩnh vực, du lịch Việt Nam đang mở rộng về quy mô và tính chất, từng bước nâng cao về chất lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ không ngừng được đầu tư, đổi mới. Các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh du lịch trọng điểm đã tập trung cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Vấn nạn nhức nhối nhiều năm của ngành Du lich vẫn là tăng giá, chèn ép, chèo kéo khách du lịch đang dần được khắc phục, lấy lại được uy tín, hình ảnh đối với du khác. Công tác quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương đang được chỉ đạo kịp thời và tăng cường hiệu quả.

Năm 2014, mục tiêu phát triển của ngành du lịch là đón 8 triệu lượt khách quốc tế (tăng 5,64% so với năm 2013), phục vụ 37,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 7,14% so với năm 2013). Tổng thu từ khách du lịch đạt 230 ngàn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013).

Để đạt được mục tiêu trên, toàn ngành du lịch sẽ tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như Trình Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2014-2020; Tiếp tục triển khai và thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quy hoạch vùng đã được phê duyệt. Nghiên cứu, đề xuất nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch để đúng tiến độ Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh trình Quốc hội năm 2015 của Chính phủ; Hoàn thiện và trình phê duyệt 5 quy hoạch: 2 quy hoạch vùng, 3 quy hoạch khu du lịch Quốc gia, 2 đề án Phát triển Du lịch cộng đồng kết hợp với xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đến năm 2020 và Phát triển du lịch các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia đến năm 2020…

Nhằm thực hiện tốt những mục tiêu và nhiệm vụ trên, ngành Du lịch đã đề ra một số giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, tăng cường đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch. Tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng một cách thường xuyên, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch cả ở Trung ương và địa phương.

Thứ hai, tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch và tăng cường công tác kiểm tra tại các địa phương. Ban  hành, ứng dụng các biện pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên và cảnh quan, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, coi trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam.

Thứ tư, tập trung xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường xã hội và xã hội, du lịch cộng đồng có chất lượng cao và có thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh, tăng cường hiệu quả kinh tế nhưng đồng thời khai thác hợp lý, phát huy các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa của dân tộc, đảm bảo  phát triển bền vững.

Thứ năm, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất lưu trú và dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển. Coi trọng và đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tập trung mọi nỗ lực để chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý và nhân viên trong ngành du lịch.

Bảo Long


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất