Gắn với việc đổi mới cách ra đề thi, cách dạy và học tại trường cũng được đổi mới theo hướng phát huy năng lực học sinh, gắn kiến thức với thực tiễn, giúp học sinh dần làm quen với dạng đề thi này.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2021. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, kỳ thi vẫn được giữ ổn định từ hình thức tổ chức đến định hướng ra đề thi.
Kỳ thi gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; học sinh vào trường, lớp chuyên sẽ thi thêm bài thi môn chuyên.
Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước đổi mới cách ra đề thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng gắn lý thuyết với thực tiễn. Nội dung đề thi trong chương trình Trung học cơ sở, tập trung ở lớp 9.
Tuy nhiên, đề ra theo hướng chủ yếu kiểm tra khả năng tư duy, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh.
Gắn với việc đổi mới cách ra đề thi, cách dạy và học tại trường cũng được đổi mới theo hướng phát huy năng lực học sinh, gắn kiến thức với thực tiễn, giúp học sinh dần làm quen với dạng đề thi này.
Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Quận 1), quá trình dạy học cũng như ôn tập, giáo viên luôn chú trọng theo định hướng ra đề thi gắn liền với thực tiễn của kỳ thi lớp 10 của thành phố. Các dạng bài tập theo hướng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn được đưa vào mỗi tiết học để học sinh làm quen, luyện tập.
Cùng với đổi mới về phương pháp dạy học, nhà trường cũng thực hiện đổi mới trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ với cách ra đề thi gắn với thực tiễn để học sinh được rèn luyện. Dự kiến giữa tháng 4, sau khi hoàn thành kiểm tra học kỳ II, trường sẽ triển khai kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9.
Tương tự, mới bước vào học kỳ II nên Trường Trung học cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) cũng chưa triển khai kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9. Tuy nhiên, theo thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện chủ trương chung về đổi mới giáo dục cũng như bám sát định hướng đổi mới đề thi tuyển sinh lớp 10 của thành phố, giáo viên nhà trường thực hiện dạy học theo các phương pháp phát huy tính tích cực, phát triển năng lực của học sinh, chú trọng gắn lý thuyết với thực hành trong mỗi tiết dạy.
Riêng các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, giáo viên rèn thêm cho học sinh kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề theo hướng ra đề tuyển sinh lớp 10.
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Quận 1) cũng khuyến khích giáo viên thực hiện theo hướng mở, dạy học gắn liền với thực tế thông qua dạy học dự án, chuyên đề, nghiên cứu bài học, dạy học theo chủ đề... Nhà trường thực hiện đổi mới trong kiểm tra, đánh giá để dần hình thành tư duy năng lực nhận thức vấn đề cho học sinh.
Thống kê mỗi năm học thành phố có khoảng 100.000 học sinh học lớp 9. Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, Thành phố Hồ Chí Minh giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập 3% mỗi năm, mục tiêu còn khoảng 60% học sinh vào lớp 10 công lập./.
Theo TTXVN