Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 25/12/2011 10:48'(GMT+7)

TP HCM kiến nghị đổi UBND thành Ủy ban hành chính

Các đại biểu dự hội nghị đã xác định hai vấn đề lớn cần làm ngay là có mô hình chính quyền phù hợp với đặc trưng của đô thị và nông thôn; phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và chính quyền thành phố một cách rõ ràng để tạo sự chủ động trong quản lý, điều hành.

Cụ thể, TP HCM kiến nghị đổi tên chương IX của Hiến pháp năm 1992 về “HĐND và UBND” thành tên gọi “Tổ chức chính quyền địa phương”; đổi tên Ủy ban nhân dân (UBND) như hiện nay thành Ủy ban hành chính nhằm phản ánh đúng tính chất pháp lý và chức năng cơ bản của cơ quan này. Kiến nghị này của TP HCM được nhiều đại biểu đồng tình.

Ngoài ra, TP HCM cũng đề xuất, đối với thành phố trực thuộc trung ương chỉ thành lập HĐND và Ủy ban hành chính của thành phố. Còn quận, huyện, phường, xã và thị trấn trên địa bàn chỉ thành lập Ủy ban hành chính, không thành lập HĐND. “Đã trải qua thời gian nghiên cứu quá lâu nên mô hình chính quyền đô thị cho thành phố cần thực hiện chính thức chứ không thí điểm nữa”, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo nói.

Về phân cấp thẩm quyền, TP HCM kiến nghị 3 vấn đề lớn đang bức xúc hiện nay gồm tài chính – ngân sách, bộ máy biên chế và xử phạt hành chính. Phó chủ tịch UBND TP HCM Phạm Minh Trí đề xuất trung ương tăng thẩm quyền cho TP HCM để thành phố chủ động quyết định 3 vấn đề này cho phù hợp với đặc thù của thành phố.

Đồng tình với Phó chủ tịch Trí, bà Phạm Phương Thảo cho rằng, TP HCM nên giảm bớt một số sở, ngành và thành lập cảnh sát đô thị. Đối với giám đốc các sở cần thêm chức năng xử lý chứ không chỉ tham mưu như hiện nay.

Vào đầu tháng 12, UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất cần có những quy định mới và cụ thể về mô hình chính quyền địa phương, trong đó phân biệt chính quyền đô thị với những đặc trưng riêng.

Thực tiễn chính quyền của các đô thị đã từng bước được hình thành và phát triển với mô hình khá rõ nét so với chính quyền nông thôn, khiến việc tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương trên địa bàn các đô thị xuất hiện những bất cập, hạn chế.

Báo cáo về tổng kết thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992, UBND TP Đà Nẵng cũng phân tích: Chính quyền đô thị phải được tổ chức gọn nhẹ, thiên về tập trung điều hành thống nhất trên phạm vi toàn địa bàn, không cắt khúc. Trong khi Hiến pháp và các văn bản chưa phân định rõ địa vị pháp lý giữa chính quyền đô thị và chính quyền địa phương. Thực tế này khiến cơ quan công quyền điều hành chính quyền đô thị gặp không ít khó khăn.

Để tạo sự phân biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, TP Đà Nẵng đề xuất mô hình chính quyền đô thị hành chính, gồm cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương (HĐND) và cơ quan chấp hành, hành chính tại địa phương. Cấp hành chính trung gian là huyện, quận, phường; chỉ có cơ quan hành chính tại địa phương. Đà Nẵng đề xuất, đối với đô thị, chỉ nên tổ chức HĐND ở hai cấp (thành phố và xã), bỏ các cấp trung gian là huyện, quận.

Theo Bee

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất