Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Tư, 7/3/2012 18:25'(GMT+7)

TP. Hồ Chí Minh: 8 nhiệm vụ giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông

Biểu quyết 8 nhóm giải pháp chính về thực hiện Năm an toàn giao thông 2012. (Ảnh: PBN)

Biểu quyết 8 nhóm giải pháp chính về thực hiện Năm an toàn giao thông 2012. (Ảnh: PBN)

Nhằm thực hiện kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong năm An toàn Giao thông - 2012, Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa tiến hành kỳ họp chuyên đề về An toàn giao thông, nhằm đánh giá những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đồng thời đề ra các giải pháp cho Năm an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố.

Với tinh thần thẳng thắn, các đại biểu tham gia kỳ họp đã thảo luận về những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến tai nan giao thông trên địa bàn Thành phố trở nên phức tạp trong những năm qua; tình trạng xe quá khổ, quá tải; đua xe trái phép; thiếu ý thức của người dân; những bất cập trong tổ chức, khai thác hạ tầng giao thông; tiêu cực trong tuần tra xử lý vi phạm giao thông; tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường… của Thành phố hơn 10 triệu dân và có tới 5,5 triệu xe gắn máy cùng 1,6 triệu chiếc ô tô các loại…

Tại Kỳ họp, các đại biểu và chuyên gia đầu ngành về an toàn giao thông đã đóng góp nhiều ý kiến, hiến kế cho các giải pháp có lợi cho Thành phố. Để góp ý cho kế hoạch thực hiện năm An toàn Giao thông 2012, PGS. TS. Nguyễn Văn Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông-Vận tải kiến nghị: Cần có sự tính toán khi xây dựng mới các tòa nhà lớn, đồng thời tăng biện pháp xử phạt thông qua theo dõi bằng camera ở những khu vực phức tạp về giao thông tại những giao lộ có mật độ lưu thông cao...

Một trong những vấn đề “nóng” được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp là bàn về các giải pháp phòng chống nạn đua xe trái phép diễn ra trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là tại các giao lộ mới mở rộng. Nhiều đại biểu trong ngành giao thông và đại biểu của HĐND Thành phố đồng tình với việc cần phải tịch thu các phương tiện tham gia đua xe trái phép, không phân biệt chủ sở hữu.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị áp dụng hình phạt lao động công ích đối với đối tượng đua xe trái phép. Đồng tình với 3 nhóm giải pháp mà của UBND Thành phố đưa ra tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Trọng Trí - Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố cho rằng vấn đề “mua bằng” - bằng giả còn diễn ra phổ biến cũng là nguyên nhân làm cho tình hình giao thông thêm phức tạp vì người điều khiển phương tiện không có kiến thức về Luật Giao thông.

Bên cạnh đó, việc thực thi luật không nghiêm như đưa hối lộ cảnh sát giao thông vẫn diễn ra thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm giao thông chưa được giảm thiểu…

Các đại biểu đều thống nhất cần phải thật kiên quyết, bất kể là đối tượng nào, khi tham gia đua xe trái phép phải xử lý thật nghiêm tại địa phương mà đối tượng cư trú. Điển hình như phiên tòa do Tòa án Nhân dân Thành phố mở, xét xử những đối tượng đua xe phép tại quận Bình Thạnh vừa qua là một cách xử lý khá hiệu quả.

Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đã đưa ra những kiến nghị xác đáng cho vấn đề giao thông và giải bài toán an toàn giao thông trên địa bàn một Thành phố đông dân nhất nước. Tại TP. Hồ Chí Minh, mức độ xe cộ lưu thông so với mật độ đường sá là cao nhất nước, với trên 5.200.000 triệu xe mô tô, gắn máy, gần 500.000 xe bốn bánh. Trong 6 tháng cuối năm 2011, Thành phố đã tiếp nhận cho đăng ký mới 12.569 xe ô tô, 126.438 xe mô tô, gắn máy. Đây cũng là nơi có số lượng xe lưu thông từ các tỉnh, thành đến đăng ký, lưu thông nhiều nhất, trung bình hơn 1.000.000 xe ngày/đêm.

Phần hỏi và trả lời tại các phiên chất vấn trong kỳ họp đã diễn ra sôi nổi, thể hiện được tâm huyết, trách nhiệm của người chất vấn cũng như người trả lời chất vấn. Có những vấn đề được “xoay đi xoay lại” chi tiết, cụ thể, nhằm phân tích, mổ sẻ về nguyên nhân để tìm ra giải pháp phù hợp với các vấn đề “nóng” trong an toàn giao thông.

Trả lời vấn đề giữ xe và chỗ đậu xe ở các nhà cao tầng mà đại biểu Nguyễn Văn Lâm đặt ra tại Kỳ họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Phượng cho biết: trên địa bàn thành phố hiện có 79 nhà cao tầng, đáng quan tâm là trong số đó có 75% tại khu vực nội đô, các công trình nhà ở không đủ diện tích giữ xe. Ông Trần Quang Phượng cho rằng phải bắt nguồn từ khâu quy hoạch, cấp phép xây dựng từ đầu của Thành phố. Thành phố đang có chủ trương dành thêm đất ở các chung cư cao tầng phục vụ cho việc giữ xe tại các khu nhà ở, các cụm dân cư đông đúc…

Trả lời chất vấn về giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, Đại Tá Ngô Minh Châu - Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết: Cùng với việc thực hiện nghiêm, triệt để trong thực hiện nhiệm vụ, Công an Thành phố tập trung công tác tuyên truyền, trong đó CSGT là lực lượng chủ lực quan trọng trong tuyên truyền về giao thông. Từ từng đội cảnh sát giao thông quận, huyện đến Phòng cảnh sát giao thông đường sắt, đường bộ của Thành phố phải phân định rõ từng tuyến, từng địa bàn, trong đó có những tuyến đường phải túc trực 24/24 để cùng với nhân dân và các lực lượng chức năng quyết tâm ngăn chặn triệt để các vụ đua xe trái phép, kéo giảm thực sự an toàn giao thông...

Giải bài toán trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là một bài toán đòi hỏi sự cần có sự đồng bộ, lâu dài với quyết tâm cao, vào cuộc của cả Đảng bộ, chính quyền cũng như từng người dân Thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hoàng Quân trong phiên bế mạc Kỳ họp đã khẳng định sự quyết tâm đó, trong đó khẳng định: UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các quận, huyện, từng ngành liên quan để thiết thực thực hiện Nghị quyết Kế hoạch thực hiện Năm an toàn giao thông 2012 với 8 nhiệm vụ giải pháp chính nhằm đạt các chỉ tiêu cơ bản là: kéo giảm 10% tai nạn giao thông trên cả ba mặt, kéo giảm 10% số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đua xe trái phép, vi phạm Luật giao thông; 100% phường xã, thị trấn trên địa bàn thành phố đồng loạt ra quân và triển khai liên tục, có hiệu quả “Năm an toàn giao thông 2012”./.

Tin, ảnh:  Phạm Hà Tĩnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất