Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 29/12/2011 14:12'(GMT+7)

Trả lại đúng tên cho các liệt sĩ

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức lễ bàn giao kết quả giám định gien hài cốt liệt sĩ cho người thân.

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức lễ bàn giao kết quả giám định gien hài cốt liệt sĩ cho người thân.

Chúng tôi được chứng kiến niềm vui, xúc động của gia đình bác Phạm Vũ  Kỳ ở Văn Lâm (Hưng Yên) và gia đình bác Cù Huy Hải, quê ở xã Hà Lâm, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), thường trú ở số 10, ngõ 53 đường Trường Chinh, Hà Nội khi tìm được hài cốt người thân đã hy sinh cách đây 50 - 60 năm. Các gia đình đều mất nhiều năm đi tìm kiếm, kể cả việc gia đình nhờ các nhà ngoại cảm tìm giúp, nhưng đều không có kết quả. Ðây chỉ là hai trong số khoảng 300 hài cốt liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, đã được Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trả lại đúng tên bằng phương pháp phân tích, giám định gien.

Năm 2002, Viện Công nghệ sinh học được Nhà nước giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ gien. Ðược trang bị một số máy móc, thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện đã triển khai, thực hiện các đề tài, dự án quy mô cấp Nhà nước, trong đó có đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện và triển khai ứng dụng quy trình định danh hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp phân tích trình tự gien ty thể". Ðây là công trình khoa học được tiến hành trong mười năm (2001 - 2011), từ đề tài nghiên cứu cơ bản cấp cơ sở là "hoàn thiện kỹ thuật tách chiết ADN từ mẫu xương hài cốt và xương bảo tàng" nhằm mục đích giám định gien một cách chính xác. PGS, TS Lê Quang Huấn, người nhiều năm trực tiếp miệt mài với công việc phân tích, tách chiết ADN cho biết: Giám định gien là phân tích, nhận diện cá thể hoặc mối liên quan của các cá thể ở mức độ gien bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Kết quả giám định gien được xem như một bằng chứng pháp lý quan trọng trong điều tra hình sự và giám định phả hệ. Ông cho biết, quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phân tích trình tự nucleotide gien ty thể đối với bất cứ trường hợp nào cũng phải trải qua một loạt các bước đã được xác lập. Sau đó, các nhà khoa học, bằng các thiết bị hiện đại, sử dụng các biện pháp như tách ADN từ xương lâu năm theo phương pháp của Giles và cộng sự; nhân dòng gien ty thể, đọc trình tự nucleotide bằng máy đọc tự động ABI. Thực hiện so sánh trình tự gien, xác định mức độ giống và khác nhau thông qua phần mềm chuyên dụng để xác định mối liên quan phả hệ của mẫu hài cốt liệt sĩ với các mẫu sinh phẩm liên quan... Cuối cùng là kết luận về phả hệ, lập giấy xác nhận và làm lễ bàn giao kết quả giám định cho thân nhân gia đình liệt sĩ.

Trong phòng thí nghiệm thầm lặng, như PGS Huấn cho biết: Khoảng mười năm qua, bằng phương pháp công nghệ cao là phân tích trình tự gien ty thể, nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học tiếp nhận hơn 400 bộ hồ sơ của gia đình các liệt sĩ trong cả nước yêu cầu giám định. Thật kỳ diệu đã có hơn 300 trường hợp liệt sĩ ở vào các tình huống khác nhau (như hài cốt có nhiều gia đình cùng nhận, hài cốt liệt sĩ đang được quy tập từ các chiến trường xưa, hài cốt từ các ngôi mộ tập thể, từ nghĩa trang của các đơn vị chiến đấu trước đây nhưng nay không xác định được tên các liệt sĩ...) đã được định danh chính xác. Những lời phát biểu chứa chan xúc động, bày tỏ sự tri ân của đại diện bảy gia đình đối với các cơ quan và địa phương tại buổi lễ bàn giao kết quả giám định ADN cho bảy liệt sĩ của Viện KH và CN Việt Nam vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) là phần thưởng lớn đối với các cán bộ nghiên cứu của Viện.

Trong nhiều nỗ lực chung của toàn Ðảng, toàn dân, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Viện KH và CN đều dành một khoản kinh phí từ 100 đến 150 triệu đồng để tiến hành giám định những hồ sơ do gia đình hoặc các đơn vị gửi đến nhằm trả lại đúng tên cho các liệt sĩ. Ðây là việc làm vừa kết hợp tính khoa học hiện đại với truyền thống nhân văn cao cả của dân tộc, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người đang sống đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, mỗi năm, chúng ta mới làm được từ 20 đến 30 trường hợp, một con số ít ỏi so với nhu cầu của bao gia đình và các tổ chức trong cả nước. Cho nên một Dự án xây dựng Trung tâm giám định gien hài cốt liệt sĩ quốc gia (có sự phối hợp liên ngành giữa các Bộ Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội...), triển khai thực hiện trong hàng chục năm với mục tiêu định danh hàng trăm nghìn mẫu hài cốt liệt sĩ của cả nước, cần được xúc tiến một cách khẩn trương, thiết thực. Bởi càng để lâu, do tác động của thời gian như mưa, nắng, nóng ẩm khiến công tác giám định, phân tích mẫu xương cốt liệt sĩ trở nên khó khăn hơn.Vả lại đây cũng là tình cảm, trách nhiệm của chúng ta trong việc lập ra một "ngân hàng" thông tin về thân nhân liệt sĩ và gien của người liên quan đến liệt sĩ chưa biết tên hoặc đang mất tích bao năm qua. Bằng khoa học - công nghệ cao, mỗi mẫu hài cốt mới sẽ được so sánh và khớp nối thông qua phần mềm máy tính chuyên dụng nhằm trả lại đúng tên cho các liệt sĩ...

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất