Ngày 13-8 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) ra quyết định tạm giữ một số đối tượng để làm rõ hành vi đòi nợ thuê, liên quan vụ việc một giám đốc doanh nghiệp bị nhóm đối tượng này cưỡng đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng.
Trong số các đối tượng bị tạm giữ, dư luận đặc biệt quan tâm đến Đ.V.Q, vốn được biết là một youtuber khá đình đám. Cụ thể, Đ.V.Q. thường xuyên livestream (phát sóng và tương tác trực tiếp) trên facebook nhằm khoe khoang của cải, tiền vàng, cùng các hình xăm trổ khắp người và phát ngôn “văng mạng” theo kiểu xã hội đen. Không chỉ có quan hệ mật thiết với các “giang hồ mạng”, Đ.V.Q còn thể hiện rõ bản chất lưu manh côn đồ bằng việc kêu gọi, tập hợp nhiều thành phần bất hảo trong xã hội để tổ chức các hoạt động phi pháp như cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù thường xuyên đăng tải những nội dung phản cảm, thậm chí bạo lực, cổ súy hành vi vi phạm pháp luật nhưng trang facebook cá nhân và kênh youtube của Đ.V.Q lại thu hút rất đông người theo dõi, cổ vũ, trong đó phần lớn là giới trẻ.
Sự việc của Đ.V.Q khiến nhiều người liên hệ đến các trường hợp tương tự như: Ngày 18-4-2017, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền bị xử phạt 32 tháng tù giam về các tội gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản; tháng 4-2019 Khá “bảnh” (tức Ngô Bá Khá) bị khởi tố về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc; tháng 7-2019, “Long 9 ngón” (tức Nguyễn Sĩ Cầu) bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản;... Điểm chung của các đối tượng này là đều khá nổi trên mạng xã hội vì sở hữu kênh youtube có lượng người theo dõi đông, dù hầu hết các clip đăng tải đều chứa nội dung nhảm nhí, trái thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực. Sự cổ súy, ủng hộ của một nhóm người trên mạng xã hội đã tạo “vòng hào quang giả tạo”, khiến các đối tượng này ngày càng trở nên tự đắc, ngang ngược, tự cho mình quyền được phát ngôn cũng như hành xử tùy tiện, bất chấp chuẩn mực đạo đức xã hội cũng như quy định của pháp luật. Thậm chí, với mục đích câu like (yêu thích), câu view (lượt xem), các đối tượng sẵn sàng thực hiện nhiều hành vi điên cuồng, vi phạm pháp luật, như đánh người, đốt xe,...
Nguy hại hơn cả, sự lan tỏa từ những clip xấu độc được sản xuất bởi một số phần tử bất hảo như vậy giống như những “mầm bệnh” nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh trên môi trường mạng xã hội, tác động tiêu cực đến cộng đồng. Với một số người, nhất là người trẻ thiếu kỹ năng sống, thiếu kinh nghiệm, dễ bị tâm lý đám đông dẫn dắt, rất có thể trở nên sùng bái các đối tượng giang hồ, bất hảo, từ đó ảnh hưởng tiêu cực suy nghĩ và hành vi cá nhân.
Hiện nay, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, nhiều clip xấu độc đã bị gỡ bỏ, song mỗi ngày qua trên mạng in-tơ-nét lại xuất hiện thêm các clip có nội dung xấu. Vì vậy, mỗi cá nhân phải tự hình thành “bộ lọc” của bản thân, để khi tham gia mạng xã hội biết chủ động loại trừ các nội dung không phù hợp, đồng thời nếu phát hiện những nội dung độc hại cần có biện pháp ngăn chặn như báo cáo với nhà cung cấp dịch vụ, cảnh báo cho cộng đồng,... Chính ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia mạng xã hội sẽ góp phần ngăn chặn tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự và hình thành thái độ sống lành mạnh trong cộng đồng.
Theo Nhân dân