Sai phạm trong quản lý, sử dụng
trang thiết bị y tế tại hai bệnh viện đa khoa tuyến huyện là Hoài Ðức và
Thường Tín (Hà Nội) gióng thêm một hồi chuông cảnh báo sự buông lỏng
quản lý trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu nói chung,
trang thiết bị y tế nói riêng (nhất là các trang thiết bị y tế đã qua
sử dụng, nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu); buông lỏng quản lý
đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế.
Liên quan vụ việc, đã có nhiều câu hỏi đặt ra: Theo khai báo thiết bị y tế này là hàng nhập khẩu mới 100%, vì sao sử dụng chưa được bao lâu đã hỏng? Vì sao lại có giấy chứng nhận của hải quan trước khi có thẩm định của Bộ Y tế? Theo phê duyệt, đây là dòng máy chạy được 180 kết quả/giờ, nhưng thực tế chỉ cho 38 kết quả trong 2 giờ 30 phút ? Trong kê khai, trang thiết bị này có nguồn gốc, xuất xứ từ Ðức, nhưng nhiều thiết bị bên trong được sản xuất tại Trung Quốc?... Các bên liên quan đã có hồi âm, nhưng phần lớn còn né tránh hoặc trả lời chưa thỏa đáng.
Việc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tịch thu và tiêu hủy máy xét nghiệm không có chứng từ nguồn gốc, dòng thiết bị cũ đã dừng sản xuất và nhập lậu vào Việt Nam, do Bệnh viện Ða khoa Thường Tín "mượn" của doanh nghiệp, là thái độ nghiêm khắc, dù hơi muộn. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, liệu có doanh nghiệp nào dễ dàng cho mượn một thiết bị có giá trị (chưa qua sử dụng) để bệnh viện cho ra kết quả 180 đến 200 xét nghiệm/ngày trong thời gian dài, nếu không phải cam kết tiêu thụ hóa chất phục vụ vận hành máy? Một bệnh viện tuyến huyện, mỗi năm làm sao có thể "tiêu" hết 1,2 tỷ đồng cho việc mua hóa chất?
Mới đây, Cục Ðiều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu làm rõ hành vi buôn lậu thiết bị y tế đã qua sử dụng tại nhiều địa phương. Theo cơ quan điều tra, các đơn vị nhập khẩu khai báo lô hàng nhập khẩu là thiết bị y tế mới 100%, nhưng qua kiểm tra, phát hiện hầu hết là thiết bị y tế đã qua sử dụng, quá đát. Cụ thể, máy soi sinh hóa hiệu Hitachi 911, 917... đã không còn được sản xuất ở nước ngoài khoảng 15 năm trước; một số máy móc khác đã được "chế" lại trước khi đưa về Việt Nam. Theo luật định, hành vi này có dấu hiệu phạm tội buôn lậu; tội sản xuất, buôn bán hàng giả (làm giả chất lượng hàng hóa).
Kết luận cụ thể, chi tiết phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, điều tra, nhưng không khó để nhận thấy sự móc nối, cấu kết của một số tổ chức, cá nhân; lợi dụng sự sơ hở, buông lỏng quản lý của cơ quan có trách nhiệm để thực hiện hành vi gian dối, trục lợi. Không ai có thể nói chắc đây là lần đầu các doanh nghiệp "hô biến" thiết bị y tế cũ nát thành hàng mới và chỉ hai bệnh viện tuyến huyện kể trên sử dụng thiết bị y tế không rõ nguồn gốc. Và cũng chưa có cuộc thanh tra nào chỉ rõ có bao nhiêu máy móc kiểu này được tuồn trót lọt vào các bệnh viện, nhất là các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến dưới. Hệ lụy là bao nhiêu người bệnh bị chẩn đoán sai do thiết bị kém chất lượng cho kết quả sai lệch, bao nhiêu tiền ngân sách nhà nước bị thất thoát khi tiền thật mua thiết bị giả? Chưa kể đến sự hoang mang lo lắng của người bệnh khi bị chẩn đoán sai, thì việc họ, phần lớn là người bệnh nghèo, đang bị "móc túi" để trả những khoản tiền xét nghiệm, đôi khi không liên quan đến bệnh, cũng đáng để xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Ðể ngăn chặn tình trạng này, không chỉ một cơ quan có thể giải quyết triệt để mà cần sự phối hợp chặt chẽ, liên ngành công an, hải quan, quản lý thị trường, y tế và cấp ủy, chính quyền địa phương; cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, đồng thời xử lý
mạnh tay đối với các hành vi vi phạm; xem xét kỷ luật thích đáng các cán bộ chịu trách nhiệm trong từng khâu nếu "bỏ lọt" hàng hóa, trong đó có trang thiết bị y tế, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực quản lý và nhân lực kỹ thuật về trang thiết bị y tế, nhất là thiết bị y tế công nghệ cao. Trách nhiệm cần đi đôi với lương tâm, bởi đây là lĩnh vực liên quan sức khỏe, thậm chí là sinh mệnh của nhân dân.
Theo Nhân dân