Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 11/11/2009 20:17'(GMT+7)

Trăn trở bảo tồn không gian văn hoá cồng chiêng

Đoàn nghệ nhân Pako Quảng Trị

Đoàn nghệ nhân Pako Quảng Trị

Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai sẽ chính thức khai mạc vào 20 giờ, ngày 12/11/2009. Hiện nay, các đoàn nghệ nhân cồng chiêng trong nước và quốc tế đã tề tựu ở phố núi Pleiku, sẵn sàng cho ngày hội lớn. Họ vừa hân hoan tự hào về không gian văn cồng chiêng, nhưng đồng thời cũng còn nhiều trăn trở trong công tác bảo tồn di sản này của nhân loại.

Trước giờ khai mạc, các nghệ nhân các dân tộc thiểu số từ nhiều vùng văn hóa khác nhau đã có những cuộc giao lưu, trò chuyện, bày tỏ tâm tư tình cảm của mình về công tác bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Ai cũng tự hào về văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, nhưng cũng có nhiều trăn trở trước nguy cơ cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống bị mai một.

Ông Ka Ray Xứt cùng đoàn nghệ nhân Pa Kô đến từ tỉnh Quảng Trị, tâm sự: "Có một phần ít giới trẻ không quan tâm đến cồng chiêng. Nhưng bây giờ Nhà nước có chủ trương bảo tồn nên đồng bào Pakô ở Quảng Trị tiếp tục mua sắm cồng chiêng, nhất là cồng chiêng cổ".

Hồ hởi, phấn khởi và tự hào nhất là các nghệ nhân đơn vị chủ nhà Gia Lai. Gia Lai hiện là địa phương có số lượng cồng chiêng lớn nhất, với trên 5.600 bộ, trong đó người Jơrai và Bana chiếm số đông. Tuy nhiên, con số này so với thời ông bà trước kia là đã mất mát rất nhiều. Nghệ nhân Đinh Gher (dân tộc Bana) đến từ huyện Kông Chro, cho biết: "Ở Kông Chro trước đây số lượng cồng chiêng không đếm được, bây giờ đã ít hơn, do bà con quản lý không chặt chẽ nên thất thoát nhiều. Từ khi được UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa thì nạn trộm cắp rất nhiều. Gia đình tôi mới bị mất cắp năm ngoái. Vừa rồi tôi mua thêm một bộ 13 triệu đồng. Tôi đã có 4 bộ rồi, và cố gắng giữ lại làm lưu niệm. Lễ hội lớn mà không có cồng chiêng thì làm sao!".

Thiếu nữ Tây Nguyên vào hội

Thực tế ở Gia Lai hiện nay vẫn còn nạn "chảy máu cồng chiêng". Có những huyện, những làng đồng bào dân tộc thiểu số còn lại rất ít cồng chiêng, thậm chí không còn, hoặc đang có nguy cơ biến mất. Cụ thể như huyện Đak Đoa chỉ còn 170 bộ. Ở huyện Chư Pah, có 72 làng Jarai không còn thấy bóng dáng cồng chiêng.

Một trong những yêu cầu để UNESCO công nhận các loại hình nghệ thuật là “kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” là do nó đang có nguy cơ bị thất truyền. Nhưng làm gì để tránh được nguy cơ này? Việc tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai dịp này là một trong những việc làm tốt đẹp đó. Và việc làm này rất được đồng bào cả nước ủng hộ.

Nghệ nhân Siu Kleh và học trò nhí

Nghệ nhân Siu Kleh (dân tộc Jarai) đến từ huyện Chư Sê, nói: "Bà con mừng bởi festival cồng chiêng quốc tế là dịp củng cố lại cồng chiêng. Ở huyện Chư Sê, đã 4 năm nay, chúng tôi tổ chức tập lại cho mấy đứa nhỏ với hy vọng lưu truyền lại cho đời sau. Khi mình nghe tiếng cồng chiêng là chúng tôi cảm thấy rất xúc động. Dù gia đình có người chết nhưng nghe thấy tiếng cồng chiêng cảm thấy yên tâm. Trước đây, người ta mua cồng chiêng rẻ lắm, cân ký lên bán, đổi kem, nhôm nhựa; người ta coi cồng chiêng không có giá trị gì. Bây giờ nghĩ lại thấy tiếc!"  

Những tâm tư, nguyện vọng của các nghệ nhân trước giờ khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai cho thấy nguy cơ thất truyền của không gian văn hóa cồng chiêng là hiện hữu. Thực tế này sẽ được các nhà khoa học bàn luận thêm tại Hội thảo "Về sự biến đổi kinh tế - xã hội và công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và các nước trong khu vực", được tổ chức trong khuôn khổ của festival này./.

Quốc Học - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất