(TG) - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) và tiếp đó là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI là động lực cho văn học nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng bước sang chặng đường mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại còn ẩn chứa những nguy cơ, trong đó có nạn tranh giả.
TRANH GIẢ “THẢN NHIÊN” TRIỂN LÃM Ở BẢO TÀNG VÀ LÊN SÀN ĐẤU GIÁ NỘI ĐỊA
Thị trường tranh Việt Nam hình thành từ cuối những năm 1980 nhờ xu thế đổi mới nhưng hoàn toàn mang tính tự phát, nghiệp dư và vẫn không chuyên nghiệp cho đến tận lúc này. Khi mà thị trường cốt chỉ để giải quyết vấn đề thương mại và câu chuyện đầu ra, thì sự trí trá cũng bắt đầu. Tranh giả xuất hiện. Giả từ các Gallery tới các nhà sưu tập…, để rồi dần dần thị trường tranh giả trong nước.
Thị trường tranh này đã tồn tại và đi qua vài thập kỷ, bước tới một cấp độ khó lường. Trước đây, tranh giả chỉ dừng ở mức làm giả bản gốc rồi đem rao bán. Nay là mạo danh người này làm giả tranh người kia. Chẳng hạn như tranh The Young Beggar của Bartolome E. Murillo bị làm giả rồi mượn tên cố họa sĩ Tô Ngọc Vân hồi tháng 5-2017; Tranh của họa sĩ Thành Chương bị làm giả thành tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tháng 7-2016... Đường dây tranh giả được “bảo kê” bằng lớp áo chuyên môn quốc tế, đi về an toàn, đấu giá thành công. Trong sự kiện Những bức tranh trở về từ châu Âu có sự liên đới của chuyên gia nước ngoài, Jean Francois Hubert. Đây cũng là một nhân vật được biết đến trong làng thẩm định tranh và đồ cổ Đông Dương, nhưng có thể ông ta vì đồng tiền mà tha hóa, tiếp tay cho đường dây làm tranh giả. Xa hơn, tranh giả của các họa sĩ Đông Dương tung hoành thời gian gần đây cũng nhờ tiếng tăm từ các sàn đấu giá quốc tế lớn như Christie’s hay Sotheby’s để luồn lách. Tranh giả lũng đoạn thị trường tranh Việt Nam đã đẩy giới mỹ thuật nước nhà tới bờ vực “bất tín”; hay nói ví von như họa sĩ Đào Hải Phong thì “vừa mới gây được cảm tình với bạn bè thế giới về hội họa nước nhà, chúng ta đã lại cho họ vài cái tát đau đớn”.
Tờ The New York Times (2017) từng có bài viết về thị trường tranh Việt, trong đó dùng những cụm từ rất nặng nề như “đầy rẫy những dối trá”, “chiêu trò đạo nhái và lừa đảo”... Bài báo có tên “Nghệ thuật Việt chưa bao giờ được ưa chuộng nhiều như thế, nhưng thị trường tranh thì ngập đồ giả” của nhà báo Mỹ Richard C.Paddock đã nhận được sự quan tâm của người yêu hội họa trên thế giới và giới họa sĩ Việt Nam bởi cái nhìn thẳng thắn vào tồn tại đáng buồn của thị trường tranh Việt - nạn sao chép, làm tranh giả - những điều người trong nghề đều biết và đang buộc phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Tranh giả hoành hành, ngoài việc làm cho người nước ngoài mất lòng tin còn làm giới họa sĩ bị tổn thương, phấp phỏng. Thị trường tranh bế tắc, thực tế hiện nay không còn bao nhiêu gallery tồn tại, đa số đang trong tình trạng “ngủ đông”.
Đặc biệt là, khi thị trường tranh nội địa của ta đã không chiếm được lòng tin của giới quan tâm thì bi kịch nặng nhất rơi vào những người trẻ. Không gian sáng tạo không an toàn, khởi nghiệp đã va phải thị trường tranh giả dẫn đến việc bị bó đầu ra, thật khó khăn để những họa sĩ trẻ đơn phương tạo lập cho mình một cái tên, một vị trí trong đời sống mỹ thuật đương đại, cũng như tiêu thụ được tranh.
LỜI GIẢI NÀO CHO THỊ TRƯỜNG TRANH GIẢ VIỆT NAM?
Truy tìm thuốc chữa cho thị trường tranh giả buộc người trong cuộc phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau - và hướng nào cũng thấy không phải câu chuyện đơn giản. Muốn loại bỏ tranh giả, quan trọng cần thức tỉnh công chúng yêu nghệ thuật, phải biết thưởng thức và có thái độ kiên quyết nói không với hàng giả. Rõ ràng, thị trường mỹ thuật Việt Nam hỗn độn thật giả như hiện nay bởi số đông người chơi không có nhu cầu mua tranh thật. Ở đây, còn là vai trò của các nhà sưu tập nghiêm túc - đối tượng “nuôi sống” hội họa và cả văn hóa nói chung. Khi chúng ta xây dựng được một nền nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều sâu, ở đó thương mại nghệ thuật phải là một ngành đặc biệt, một ngành “sạch” thì tự nó sẽ có khả năng triệt tiêu được việc vi phạm bản quyền nghệ thuật. Còn như hiện nay thì những người yêu tranh sẽ chỉ còn biết xả bức xúc trên... Facebook, cùng lắm là trên báo.
Từ giới họa sĩ, cần có sự chủ động vào cuộc. Sở dĩ nạn tranh giả hoành hành ở Việt Nam và chưa được xử lý dứt điểm, một phần vì các họa sĩ chưa chú trọng đến việc bảo vệ bản quyền cho “đứa con tinh thần” của mình. Họ nên đăng ký bản quyền để bảo đảm tính hợp pháp cho tác phẩm nghệ thuật. Nếu không, khi xảy ra vấn đề tranh chấp quyền tác giả, dù bức xúc lên tiếng, nhưng rất khó để đòi lại quyền lợi. Với sự tinh vi trong ăn cắp bản quyền hiện nay, nếu không biết tự bảo vệ mình bằng những công cụ chuyên nghiệp, các họa sĩ sẽ không thể chứng minh được quyền sở hữu với tác phẩm do chính mình tạo ra.
Bên cạnh đó, như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thẳng thắn : “Từ giờ, theo tôi các anh bị vi phạm thì cứ nói toẹt ra. Xác định đúng họa sĩ A, B làm gì thì cứ vạch trần. Tế nhị mãi không giải quyết được cái gì cả. Đánh động như thế sẽ khiến họ bớt lại phần nào”.
Thực tế, trong giới họa sĩ nước nhà cũng không ít người phải rơi vào “kiếp nạn” của thị trường tranh giả. Bằng nhiều hình thức, họ có mối quan hệ trực tiếp với các gallery và nhà sưu tập nước ngoài để đầu ra của tranh được bảo đảm. Đó cũng là một thiệt thòi lớn với thị trường trong nước, khi mà từng cá nhân không thể tin được thị trường nội địa và phải tự tìm cách thoát ra bên ngoài.
Tuy nhiên, “bắt tận tay, day tận mặt” kẻ làm hàng giả lại không dễ. Nhìn thì biết tranh giả nhưng đi tìm tranh thật đối chiếu lại rất khó. Cho đến giờ cũng chưa chính thức “chỉ mặt gọi tên” được kẻ làm hàng giả. Hơn nữa, chúng ta cũng chưa có chế tài để xử lý một cách thích đáng. Điều này thể hiện tình trạng lúng túng trong quản lý nhà nước về mỹ thuật nói riêng, văn hóa nghệ thuật nói chung. Hiện nay do không có Luật mà chỉ có Nghị định và các văn bản dưới Luật, cho nên người quản lý cứ đuổi theo vụ việc mà xử lý “vuốt đuôi”, dẫn đến những khoảng cách ngày một xa giữa cơ quan quản lý và nghệ sĩ do không hiểu nhau. Từ đó, có thể dẫn tới những suy diễn đáng tiếc. Nghệ thuật mà bị suy diễn thì hậu quả thật khó lường. Trong bối cảnh của thời kỳ hậu đổi mới, ẩn chứa nhiều vấn đề của công nghệ, đời sống số, mạng xã hội,… chưa bao giờ nghệ sĩ tự do đến mức loay hoay… với sự tự do! Và do đó, công tác quản lý càng thêm phức tạp, khó khăn.
NHỮNG TÍN HIỆU ĐÁNG NÓI
Hiện giờ là bối cảnh thuận lợi nhất để các “mạnh thường quân” vào cuộc, hỗ trợ cho nghệ thuật phát triển. Dĩ nhiên, không phải đẳng cấp “đại gia” nào cũng luôn đi kèm với thứ hạng văn hóa. Chẳng hạn vụ đấu giá từ thiện bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình gần đây. Khi người bỏ tiền mua tranh cho rằng mình có toàn quyền với tác phẩm, dẫn đến việc um xùm “chữ ký Đàm Vĩnh Hưng”… Ký xong là “khai tử” tác phẩm của họa sĩ. Họ không hiểu rằng, bằng tiền thì họ có thể sở hữu bức tranh quý nhưng không thể bỏ qua trách nhiệm bảo trọng quyền tác giả của tác phẩm.
“Art In The Forest - Nghệ thuật trong rừng” tại Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc) là dự án nghệ thuật chuyên nghiệp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và trong năm 2018 đã bước vào mùa thứ 4. Đây là cơ hội mang nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng, đồng thời góp phần thúc đẩy định hướng nâng cao thẩm mỹ của cộng đồng một cách tự nhiên. Flamingo Đại Lải Resort sẽ trở thành nơi lưu giữ và phổ cập các tác phẩm nghệ thuật của những tác giả trẻ đang chuyển kênh thế hệ với nhiều ý tưởng độc đáo. Nó như một làn gió mới mang được sự hứng khởi, khích lệ các nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm xuất sắc trong phong cách nghệ thuật của mỗi người.
Bên cạnh đó, hiện tại cũng có một số doanh nhân đang âm thầm trở thành chủ sở hữu của những tác phẩm hội họa đẳng cấp. Do có người tư vấn tốt nên họ cũng mua được những tranh đáng giá. Về lâu dài, họ hướng đến việc xây dựng bảo tàng tư nhân trong vòng 10-15 năm nữa. Nhiều năm qua, Nhà nước luôn khuyến khích việc ra đời của những bảo tàng này khi Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại của Quốc gia chưa có. Việc hình thành bảo tàng tư nhân là xu thế tất yếu cho nền Mỹ thuật Việt đương đại. Các thế hệ họa sĩ sẽ có nhiều động lực hơn để sáng tạo.
Gần đây nhất, việc hình thành Trung tâm giám định tác phẩm nghệ thuật trực thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là một tín hiệu vui. Trung tâm này trước đây đã có ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng hầu như không có ai gõ cửa. Hiện giờ, đây có thể coi là một địa chỉ chính thức của Nhà nước và trong trường hợp có khiếu kiện về quyền tác giả thì Trung tâm này sẽ vào cuộc. Trung tâm không tồn tại bằng ngân sách Nhà nước mà sẽ thu, chi từ những hoạt động cụ thể, nghĩa là người khiếu kiện sẽ phải chịu kinh phí.
Như vậy, có thể nói, để tiến tới một thị trường tranh Việt Nam lành và sạch, nhất thiết cần có sự đồng bộ từ cơ quan quản lý Nhà nước; đến ý thức của các nhà sưu tập tranh nghiêm túc; hình thành và xây dựng lớp công chúng yêu nghệ thuật kiên quyết nói không với tranh giả. Quan trọng nhất là các họa sĩ phải có “trái tim nóng cùng cái đầu lạnh” để có thể bảo vệ cả phẩm cách và quyền tác giả của chính mình.
Lương Xuân Đoàn
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam
______________________________
Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 12/2018