Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 22/5/2009 15:54'(GMT+7)

Tri thức khoa học: vốn và hàng hoá quý hiếm

Công nghiệp hóa Việt Nam thực hiện trong thời đại của khoa học - kỹ thuật ở trình độ cao với thuộc tính cơ bản nhất là ở tính hiện đại. Suốt mấy trăm năm vật lộn trên lộ trình công nghiệp hóa, các nước đi trước có bước đi mang tính tuần tự, kế tiếp, lúc tiệm tiến, khi nhảy vọt, là một chuỗi liên hoàn theo thời gian kéo dài hàng thế kỷ. Lịch sử không lặp lại bước đi ấy với những nước đi sau. Công nghiệp hóa Việt Nam là mô hình khá chuyên biệt, chưa có tiền lệ, đòi hỏi đến mức nghiệt ngã những yêu cầu: hiệu quả - chất lượng - tốc độ - thời gian - cơ hội.

Đúng như P. Drucker, nhà khoa học luận và nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ đã nói "Các nước đang phát triển không thể mong chờ đặt sự phát triển của mình dựa trên lợi thế so sánh về lao động - tức lao động công nghiệp rẻ được nữa. Lợi thế so sánh có hiệu quả bây giờ phải là ứng dụng tri thức"

Việt Nam không có mặt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, đứng ngoài lề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba từ một hoàn cảnh sau hơn thế kỷ nô lệ, chiến tranh, cô lập, cấm vận, nền kinh tế và hạ tầng kỹ thuật yếu kém bị tàn phá nặng nề. Chúng ta chưa được tập dượt ở sự phát triển có tính rượt đuổi thì đã phải sẵn sàng bước vào sự phát triển có tính độc lập, có tính tích cực và sự tăng trưởng gấp nhiều lần tri thức. Đó là thách thức lớn.Trong vài thập niên trở lại đây chúng ta đã hé mở được những khả năng mới cho quá trình hội nhập và cạnh tranh.

Các quan điểm về một giải pháp cho Việt Nam: Các ý kiến nêu ra rất phong phú. Các khái niệm: Tạo khâu đột phá, thực hiện nhiệm vụ kép, xây dựng khu công nghệ cao, có chính sách thu hút nguồn nhân tài, có chiến lược phát triển nguồn lực con người v.v đã thể hiện một quyết tâm có tính khả thi đối với Việt Nam.

. Chúng ta "đi tắt đón đầu" - như Đại hội VIII đề ra- có nghĩa là chúng ta phải đi nhanh vào kinh tế tri thức. Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá của nước ta phải sử dụng tri thức mới nhất, khoa học và công nghệ mới nhất của thời đại. Chúng ta phải kết hợp nhiệm vụ Công nghiệp hoá với nhiệm vụ đi vào nền kinh tế tri thức làm một; không thể tuần tự kết thúc giai đoạn này mới đến giai đoạn khác.

Đương nhiên ở đây, khái niệm đi tắt đón đầu nên hiểu như thế nào cho đúng, không thể hiểu nôm na cơ học như đánh du kích trong rừng núi thời chiến tranh. Muốn đi tắt thì cần hai điều kiện. Thứ nhất là kẻ đi trước phải đi đường vòng; thứ hai là người đuổi sau phải đủ sức mở đường tắt, đường mới. Mở đường tắt không phải đơn giản khi kẻ đi trước đang băng băng trên xa lộ. Cả hai yéu tố này hình như không hiện hữu trong cuộc chạy đua kinh tế và trí tuệ thời đại ngày nay. Các nước đi trước đã tìm ra con đường ngắn nhất, tiếp cận nhanh nhất mục tiêu lựa chọn. Chúng ta tìm đường nào để đi tắt quả không phải là chuyện đơn giản. Không thể cứ nói cho vui, cho thêm lòng tự tin mà được.

Bước chung trên một con đường của khoa học và trí tuệ với trăm nghìn thách thức, phương cách duy nhất của kẻ đi sau là tăng tốc và rượt đuổi, đúng cả trong nguyên lý vận hành, cả trong thực tiễn. Giữ vững khoảng cách với các nước tiên tiến đã khó , lại phải tăng tốc và rượt đuổi để rút ngắn khoảng cách, thật là một thách đố với nhiều ẩn số. Tìm được lời giải đã khó nhưng chấp nhận lời giải còn khó gấp trăm lần.

Bỏ nhiều của vay mượn để mua sắm cái tốt nhất về dùng không phải là nguyên lý của đi tắt đón đầu trong sự thay đổi và cạnh tranh hiện nay.

(PGS.TS. Trần Cao Sơn - Viện xã hội học)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất