Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 24/9/2015 21:22'(GMT+7)

Trí thức trẻ quan tâm đến phát triển giáo dục-đào tạo toàn diện

Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)



Tại hội nghị, các đại biểu có nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Cùng với đó, vấn đề lao động việc làm, vai trò của thanh niên trong việc thúc đẩy nền kinh tế xã hội đất nước phát triển cũng được nhiều đại biểu nêu ý kiến đóng góp.

Theo chị Nguyễn Phương Thúy, giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, phương hướng nhiệm vụ về giáo dục cần đề cập đến xây dựng chiến lược chung đẩy mạnh giáo dục ngoại ngữ, thể chất và kỹ năng cho sinh viên, đào tạo con người toàn diện đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong quá trình phát triển và hội nhập.

Băn khoăn về vấn đề phát triển khoa học công nghệ, chị Nguyễn Phương Thúy cho rằng hàng năm các trường đều dành rất nhiều ngân sách cho việc nghiên cứu khoa học nhưng lại không có định hướng lâu dài cho các nghiên cứu này, chưa ứng dụng được vào thực tế cuộc sống. Vì vậy cần có chiến lược lâu dài tìm đầu ra cho các sản phẩm khoa học và ứng dụng những nghiên cứu khoa học vào thực tế.

Anh Lâm Thanh Minh, Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nội dung quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Thực tế hiện nay chưa có trường trung cấp, trường nghề nào mang tầm cỡ quốc gia. Vì vậy, trong thời gian tới nên tập trung nâng cao chất lượng các trường dạy nghề, xây dựng các trường đào tạo nghề chất lượng cao, mang tầm quốc gia để đào tạo cho xã hội đội ngũ "thợ" có chất lượng cao.

Cùng với đó, cần liên kết tìm đầu ra cho học sinh các trường nghề với cơ hội nghề nghiệp, vị trí làm việc tốt, ổn định từ đó mới có thể thay đổi quan niệm của xã hội về nghề nghiệp.

Cùng quan tâm đến vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chị Trần Thị Thanh Trà, giảng viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thời gian tới các ngành chức năng cần thực hiện nhiều hơn các nghiên cứu về nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để các trường có định hướng đào tạo tập trung ngành nghề phù hợp với thực tế.

Về vấn đề định hướng phát triển kinh tế, theo anh Phạm Thanh Tân, Bí thư Đoàn trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, chiến lược phát triển kinh tế cần nghiên cứu và xác định được lợi thế quốc gia của Việt Nam để khai thác tốt lợi thế đó.

Anh Phạm Thanh Tân cũng đề xuất nên chọn nông nghiệp làm hướng tiến công chính vào nền kinh tế khu vực và thế giới; trong đó cần xác định sản phẩm, thương hiệu cụ thể để phát triển.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu cũng nhấn mạnh tới các nội dung như cần tăng cường các chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến trường; có chương trình khuyến khích, khơi gợi các ý tưởng làm giàu chính đáng trong những người trẻ; có chính sách phổ quát các kiến thức khoa học tới người dân.

Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh tới vấn đề tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà nghiên cứu khoa học trẻ, điển hình như cần nhân rộng chương trình vườn ươm hỗ trợ nhà khoa học trẻ đang được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh./.
TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất