Từ nhiều năm trước, ngành hải quan đã triển khai các chương trình cải tiến
quy trình thủ tục hải quan thủ công và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy
nhiên, trước xu thế toàn cầu hóa, thủ tục hải quan thủ công không còn đáp ứng
được mục tiêu quản lý do bị giới hạn về không gian và thời gian. Với các yêu cầu
nêu trên, ngành hải quan đã xác định một trong những công cụ cải cách thủ tục
hải quan là thực hiện TTHQÐT. Từ đó, toàn ngành đã tập trung xây dựng và trình
Chính phủ ban hành Quyết định 149/2005/QÐ-TTg ngày 20-6-2005 cho phép thực hiện
thí điểm TTHQÐT với mục tiêu: Từng bước cải cách hoạt động nghiệp vụ hải quan
theo hướng phù hợp với chuẩn mực của hải quan hiện đại trong khu vực và thế
giới; chuyển đổi từ thủ tục hải quan thủ công sang TTHQÐT. Thực tế thực hiện thí
điểm TTHQÐT cho thấy hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi trong thời gian tới mà
không gây biến động lớn do phần lớn doanh nghiệp và công chức hải quan đã được
làm quen với phương thức quản lý mới này. Tuy nhiên, do TTHQÐT mới chỉ thực hiện
dưới cơ chế thí điểm, cho nên các đối tượng tham gia thực hiện còn nhiều lo ngại
về cơ sở pháp lý, cũng như áp dụng các văn bản liên quan trong việc thực hiện.
Nhằm đẩy mạnh và cụ thể hóa Chương trình cải cách thủ tục hành chính theo Ðề
án 30 của Chính phủ, đến hết năm 2012, ngành hải quan đã cắt giảm được từ 10%
đến 20% chi phí làm thủ tục hải quan cho công dân và doanh nghiệp; giảm 30% thời
gian thông quan tại cửa khẩu; đơn giản hóa hơn 13 thủ tục. Kết quả này được đánh
giá dựa trên hiệu quả mà TTHQÐT mang lại trong thời gian thực hiện thí điểm. Từ
thực tế nói trên, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần đưa TTHQÐT vào triển khai
chính thức trong phạm vi rộng nhằm đáp ứng các mục tiêu đề ra. Từ nhận định đó,
Tổng cục Hải quan đã đề xuất và được Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quy
định về TTHQÐT làm cơ sở pháp lý để triển khai TTHQÐT và kết thúc giai đoạn thí
điểm.
Việc chính thức đưa TTHQÐT vào thực tế sẽ góp phần hoàn thiện môi trường
thương mại điện tử, cũng như thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia cùng Chính
phủ xây dựng và cung cấp các dịch vụ gia tăng về thương mại điện tử. Cùng với
đó, TTHQÐT cũng khẳng định tính ưu việt của phương pháp quản lý hải quan hiện
đại, đủ sức thay thế một cách thuyết phục phương pháp quản lý hải quan truyền
thống.
Những quy định mới
Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp chính
là quy định mới tại Ðiều 6 Thông tư 196/2012/TT-BTC về điều kiện làm thủ tục hải
quan của người khai hải quan: "Người khai hải quan phải là người đã được đào tạo
qua các cơ sở đào tạo quy định tại Ðiều 6 Thông tư số 80/2011/TT-BTC ngày
9-6-2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 14/2011/NÐ-CP ngày
16-2-2011 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý
làm thủ tục hải quan và có khả năng sử dụng thành thạo hệ thống khai hải quan
điện tử".
Trường hợp người khai hải quan chưa được đào tạo về khai hải quan thì phải
làm thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan (đại lý hải quan).
Quy định này chính là để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết của doanh nghiệp về
các quy định trong khai hải quan, nâng cao tinh thần tự chịu trách nhiệm trong
khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Việc đào tạo và nội dung đào tạo khai hải quan cho doanh nghiệp được quy định
rất cụ thể tại Ðiều 6 Thông tư 196/2012/TT-BTC và Thông tư số 80/2011/TT-BTC nói
trên. Thông qua các cơ sở đào tạo, Tổng cục Hải quan sẽ có sự theo dõi, đánh giá
và chỉ tiếp nhận tờ khai hải quan điện tử của người khai hải quan là doanh
nghiệp có trong danh sách các doanh nghiệp đã được đào tạo.
Theo kết quả thống kê gần đây nhất, năm 2012 cả nước có 50.350 doanh nghiệp
mở tờ khai thủ tục hải quan, trong đó, hầu hết là tờ khai hải quan điện tử. Tuy
nhiên, cũng theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì mới chỉ có gần 2.000 doanh
nghiệp cử nhân viên tham gia các chương trình đào tạo dành cho nhân viên đại lý
hải quan, tại một số cơ sở đào tạo. Như vậy, nếu ngay lập tức thực hiện quy định
tại Thông tư 196 thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp không được thực hiện thủ tục
hải quan điện tử hoặc bắt buộc thực hiện thông qua đại lý hải quan. Nắm bắt được
thực tế này, ngày 27-12-2012, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính phê duyệt
chủ trương tạm thời chưa áp dụng quy định nêu trên, đồng thời ban hành Công văn
số 18313/BTC-TCHQ hướng dẫn thực hiện TTHQÐT theo Thông tư số 196/2012/TT-BTC.
Theo đó, các doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện TTHQÐT theo Thông tư
222/2009/TT-BTC ngày 25-11-2009 của Bộ Tài chính vẫn tiếp tục được tham gia thủ
tục hải quan điện tử và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chưa
thực hiện việc kiểm tra điều kiện nêu trên cho đến khi Bộ Tài chính có văn bản
hướng dẫn mới.
Ðể chuẩn bị cho việc áp dụng quy định nêu trên của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải
quan đã chỉ đạo Trường Hải quan Việt Nam chủ trì, phối hợp tích cực với các đơn
vị đào tạo khác để tổ chức thực hiện việc đào tạo cho các doanh nghiệp. Ðồng
thời, Tổng cục Hải quan rất cần sự phối hợp thực hiện của cộng đồng doanh
nghiệp. Ðối với các doanh nghiệp đã qua đào tạo, cần chủ động liên hệ với các
Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi thực hiện TTHQÐT để xác nhận
lại là đã đáp ứng điều kiện theo quy định. Ðối với những doanh nghiệp chưa qua
đào tạo, cần chủ động tham gia các chương trình đào tạo do các cơ sở đào tạo tổ
chức và kiến nghị Cục Hải quan địa phương có phương hướng hỗ trợ, triển khai mở
rộng các cơ sở đào tạo nghiệp vụ hải quan.