PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết: Trung bình mỗi năm
tại Việt Nam ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc bệnh viêm não vi rút, trong đó
viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10%. Gần 60% ca mắc được ghi nhận tại
các tỉnh phía Bắc. Lứa tuổi mắc chủ yếu là từ 1- 10 tuổi, đa phần không
rõ tiền sử tiêm chủng.
Trước tình hình trên, để chủ động phòng bệnh, giai đoạn 2017 – 2018, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6- 15 tuổi chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản ở các huyện có nguy cơ cao. Đối tượng này sẽ được tiêm 3 mũi vắc xin.
Theo đó, các huyện có nguy cơ cao cần được triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6- 15 tuổi tại khu vực miền Bắc và miền Trung gồm: Huyện Sốp Cộp, Mai Sơn ( tỉnh Sơn La); huyện Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Điện Biên và Mường Nhé (tỉnh Điện Biên); huyện Cao Lộc, Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn); huyện Na Rì (Bắc Kạn); huyện Hướng Hóa (Quảng Trị); huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế); huyện Tây Giang (Quảng Nam); huyện Ba Tơ và Sơn Hà (Quảng Ngãi). Đây là các huyện có ít nhất 1 trong các tiêu chí (có tỷ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản dưới 80%; có tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản lớn hơn hoặc bằng 1/100.000 dân; huyện có ca tử vong do viêm não Nhật Bản) liên tục trong 2 năm 2014 và 2015…
Đồng thời, năm 2017, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên đạt trên 90%. Đối tượng được tiêm là khoảng 3,4 triệu trẻ (1- 2 tuổi)/năm tại 100% số xã/ phường, quận huyện của 63 tỉnh, thành phố.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường xảy ra vào các tháng mùa hè, đặc biệt vào các tháng 5, 6, 7 hàng năm bởi đây là mùa thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển. Mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Bệnh chủ yếu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, các gia đình cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
Người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín; thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
Bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh. Chính vì vậy, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm. Do đó, trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản sau: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1- 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi…/.
Thu Phương/TTXVN