Thứ Sáu, 27/9/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 7/10/2016 17:4'(GMT+7)

Triển lãm “Đối thoại trong bóng tối và tạo điều kiện tiếp cận cho người mù”

Triển lãm nhằm giúp người khiếm thính tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất

Triển lãm nhằm giúp người khiếm thính tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất

Sáng ngày 7/10, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thiết kế tiếp cận Nhật Bản (ADFJ) và Quỹ Những người bạn vì quyền người yếu thế (FHHER) tổ chức Triển lãm “Đối thoại trong bóng tối và tạo điều kiện tiếp cận cho người mù” nhằm cung cấp những sản phẩm, dịch vụ dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, trong đó có người mù.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Cao Văn Thành, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam nhấn mạnh: Do bị mất đi ánh sáng của đôi mắt, người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và luôn cần sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà nước và cộng đồng nhằm từng bước khắc phục khó khăn, phát huy khả năng vươn lên hòa nhập xã hội.

Ban tổ chức cho biết: Người tham gia triển lãm sẽ được trải nghiệm các hoạt động trong phòng tối mà người sáng mắt không sử dụng thị giác với sự hướng dẫn của người mù để có thể thấy được những khó khăn và khả năng của người mù, thêm cảm thông, thấu hiểu và chung tay giúp đỡ nhiều hơn đối với những người hỏng mắt.

Đối với người khiếm thị, khó khăn nhất trong cuộc sống của họ là làm sao để bắt đúng tuyến xe bus hoặc tàu họ muốn đi, tìm được những thứ mình cần trong siêu thị. Họ mong muốn có nhân viên cửa hàng hoặc tình nguyện viên sẽ hỗ trợ khi họ tham gia giao thông, đi mua sắm… Nhiều người hy vọng họ có thể được sử dụng các sản phẩm hướng dẫn bằng chữ nổi Braille hoặc âm thanh trong gia đình hay những nơi công cộng giúp họ khắc phục những khó khăn trên.
 Gian hàng trưng bày sản phẩm Tiếp cận thông minh và tranh vẽ,
hàng thủ công mỹ nghệ do người mù Việt Nam sáng tạo và sản xuất (Ảnh:TA)

Từ những khó khăn đó, Hội Người mù Việt Nam đã phối hợp Hiệp hội Thiết kế tiếp cận Nhật Bản đã nghiên cứu và vận động, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị chuyên dụng, dành riêng cho người khiếm thị như hộp dầu gội đầu với các vạch kẻ hình răng cưa, hộp sữa tắm có đường gạch thẳng…Bên cạnh đó, nỗ lực đưa các phần mềm hỗ trợ tiếng nói vào các thiết bị điện tử như: nồi cơm điện, bếp từ, điều khiển TV, điều hòa nhiệt độ, máy ATM…để giúp cho người khiếm thị dễ dàng nhận biết các vật dụng điện tử, cải thiện đời sống một cách tốt nhất.

Một điểm thú vị nữa tại triển lãm chính là những gian hàng sản phẩmTiếp cận thông minh được sáng tạo bởi Hiệp hội Thiết kế Tiếp cận Nhật Bản (ADFJ) dành cho tất cả mọi người đặc biệt là người mù. Sản phẩm ADFJ sử dụng Thiết kế tiếp cận (Accessible design). Nghĩa là các vật dụng sẽ có thêm một dòng chữ nổi để người khiếm thị có thể phân biệt, giúp họ "tự do trong thế giới của người sáng mắt". Ngoài ra, tại sự kiện cũng giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tranh vẽ do chính người mù Việt Nam sáng tạo và sản xuất./.

Tổ chức “Đối thoại trong bóng tối” được thành lập ở Đức năm 1988 và phát triển tại 40 nước với mô hình doanh nghiệp xã hội, góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực và tạo việc làm cho người mù, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất