Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 25/3/2012 10:21'(GMT+7)

Triển vọng thoát nghèo bền vững sau ba năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện nghèo nhất cả nước bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2009 không chỉ nhằm mục tiêu giảm khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa các vùng-huyện trong một địa phương, mà còn tìm ra phương thức giảm nghèo bền vững ở những nơi còn tỷ lệ đói nghèo cao nhất. Sau ba năm triển khai thực hiện (2009-2011) đã đem lại những thành công bước đầu, tạo tiền đề tấn công đói nghèo khu vực vốn được coi là khó giảm nghèo nhất.

Ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng giảm nghèo quốc gia (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, dựa trên kết quả điều tra rà soát tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc đến cuối năm 2006 cho thấy, toàn quốc còn 61 huyện (sau này là 62 huyện, do huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu tách ra thêm huyện Tân Uyên), gồm 797 xã và thị trấn có tỷ lệ nghèo khá cao (bình quân trên 50%, cá biệt có những vùng ở huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 70-80%). Đặc điểm chung, các huyện này đa phần nằm ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc - có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống phân tán, tập quán canh tác nông, lâm nghiệp còn lạc hậu, đất canh tác ít, địa hình giao thông, giao thương hạn chế do bị chia cắt mạnh. Kinh tế chậm phát triển, ngân sách thu mỗi huyện chỉ khoảng trên 3 tỷ đồng/năm, chưa thu hút được các thành phần kinh tế doanh nghiệp tới đầu tư, làm ăn. Việc nghiên cứu thiết kế một chương trình đầu tư phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững cho những huyện này là không hề dễ dàng. Trước đó, trên địa bàn các huyện cũng đã triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như: đầu tư phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi); Chương trình 134 (hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở cho đồng bào các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn)… Tuy nhiên, làm thế nào để các chương trình, dự án phát triển KT-XH ưu đãi của Chính phủ phát huy hiệu quả sau mỗi kế hoạch năm vẫn là thách thức lớn.

Nghị quyết 30a (NQ30a) được thiết kế tổng thể với mục tiêu nhằm tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, đảm bảo đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Trong đó chú trọng nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương; Xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH phù hợp với đặc điểm của từng huyện; Chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch...

Mục tiêu NQ 30a đề ra rất cụ thể, phân kỳ từng giai đoạn: Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40% theo chuẩn nghèo cũ vào cuối năm 2010, cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm; hoàn thành việc giao đất, giao rừng; trợ cấp lương thực cho người dân ở những nơi không có điều kiện tổ chức sản xuất, khu vực giáp biên giới để bảo đảm đời sống. Tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh. Tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, từng bước phát huy lợi thế về địa lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi; lao động nông nghiệp còn dưới 60% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện đạt trên 40%.

“Do đa phần các hộ đồng bào dân tộc nghèo sinh sống trên địa bàn đất lâm nghiệp, nên ý đồ thiết kế chương trình là phải để người dân sinh sống, phát triển kinh tế nhỏ gia đình từ việc nhận trồng, chăm sóc bảo vệ rừng” - ông Ngô Trường Thi cho biết.

Nghị quyết 30a ra đời trong bối cảnh tình hình KT-XH của đất nước gặp rất nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế thế giới tác động. Nhưng từ sự kêu gọi của Chính phủ, đã có 40 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước vào cuộc nhận giúp đỡ các huyện nghèo. Với tinh thần trách nhiệm cao, các tập đoàn, doanh nghiệp không chỉ giúp các huyện nghèo về nguồn lực tài chính mà còn trực tiếp hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh cơ bản tại các xã, huyện nghèo như: Trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, nhà công vụ cho giáo viên, hỗ trợ học bổng học sinh nghèo, đào tạo và nhận lao động trẻ vào làm việc tại các đơn vị. Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank) đã vào cuộc đắc lực, có trách nhiệm, hiệu quả cao, hỗ trợ 71 tỷ đồng giúp hai huyện Quản Bạ, Yên Minh (Hà Giang) xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, xây dựng trường mầm non, trạm y tế, tài trợ vốn mua trâu bò, trang bị xe ô tô cứu thương cho các huyện… “Đó thực sự là những nguồn lực quan trọng giúp hạ tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Yên Minh, Quản Bạ bình quân 5-6%/năm. Điều quan trọng hơn, đã mở ra nhiều phương thức thoát nghèo hiệu quả, bền vững”- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Đàm Văn Bông nhận xét.

Còn với Tập đoàn viễn thông Việt Nam (VNPT) sau khi làm việc với tỉnh Lai Châu đã thỏa thuận hỗ trợ phát triển KT-XH giảm nghèo trên địa bàn hai huyện Mường Tè và Sìn Hồ 180 tỷ đồng. Sau ba năm thực hiện cam kết, VNPT đã hỗ trợ làm nhà ở cho gần 2000 hộ nghèo, xây dựng 24 căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách cùng với hàng chục công trình trường học, nhà ở bán trú, tổ chức khám chữa bệnh, hỗ trợ tiền ăn cho học sinh dân tộc thiểu số… hàng chục tỷ đồng. “Cách làm của VNPT đã góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân, vươn lên trong cuộc sống, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 30,7% (năm 2009) còn 21,94%” - ông Vương Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 40 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp nhận giúp đỡ 62 huyện nghèo đã cam kết hỗ trợ các huyện nghèo lâu dài, đóng góp nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH với số tiền giải ngân hơn 2.000 tỷ. Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế, nhưng thực hiện cam kết, năm 2009 các doanh nghiệp đã giải ngân 568 tỷ đồng, năm 2010 là 652 tỷ đồng và năm 2011 là 400 tỷ đồng. Nguồn lực tài chính, phương thức hỗ trợ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được coi là những điểm nhấn của chương trình các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp vào cuộc hỗ trợ 62 huyện nghèo thời gian qua.

Sau ba năm triển khai NQ30a, nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất như chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ khai hoang phục hóa, tạo ruộng bậc thang; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi; chính sách luân chuyển cán bộ; đầu tư các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh… đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt, đời sống các hộ gia đình nông thôn huyện nghèo khởi sắc hơn. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, một trong những thành công sau ba năm triển khai thực hiện NQ 30a là đã huy động đựoc sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào cuộc với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao. “Thông qua triển khai thực hiện, từ các bộ, ngành trung ương đến các cấp chính quyền địa phương đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện nghèo. Cân đối lại nguồn lực đầu tư của nhà nước từ các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn huyện nghèo, tổ chức lồng ghép, phối hợp hiệu quả hơn các nguồn lực trên địa bàn…”.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, trong giai đoạn 2012-2015, NQ 30a sẽ gắn việc thực hiện với tiêu chí xây dựng Nông thôn mới và Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011- 2020. Trong đó, tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở các huyện nghèo, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% đến 5%/năm. Cùng với việc tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên, chặt chẽ tổ chức thực hiện các chính sách và nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho các huyện nghèo với sự tham gia và giám sát của người dân trong triển khai thực hiện các nhóm chính sách, nghị quyết./

Nguyễn Minh Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất