Thông tin từ Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, chương trình “Trình diễn kịch rối dây cổ điển Nhật Bản” sẽ diễn ra vào 14 giờ các ngày 21, 22/3 tại Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Hà Nội). Các buổi diễn vào cửa tự do.
Theo đó, các nghệ sỹ của Nhà hát Kịch rối Youkiza sẽ trực tiếp biểu diễn những tiết mục cụ thể như: diễn rối múa sư tử, trích đoạn các vở“Tsunayakata,” “Yaoya-Oshichi/ Oshichi, the greengrocer’s daughter” (Yaoya-Oshichi/ Oshichi, con gái người bán rau).
Bên cạnh đó, các nghệ sỹ của Nhà hát Kịch rối Youkiza sẽ giao lưu trực tiếp với khán giả, giới thiệu về nghệ thuật múa rối Nhật Bản trong chương trình workshop kéo dài cả ngày 23/3.
Đại diện ban tổ chức chia sẻ, ở Nhật Bản, múa rối sư tử thường được biểu diễn tại lễ hội năm mới với mục đích xua đi bệnh tật và ác quỷ. Con sư tử trong tiết mục được ghép từ hai con rối, đặt trong một tấm vải (con rối phía trước thể hiện phần đầu và chi trước, con rối phía sau là phần cơ thể và chi sau của sư tử).
Nét hấp dẫn của điệu múa nằm ở sự kết hợp giữa những chuyển động mạnh mẽ với thao tác khéo léo khi điều khiển sợi dây rối, nhằm diễn tả những động tác, chuyển động linh hoạt của sư tử.
Còn vở rối “Oshichi, con gái người bán rau” là phiên bản hư cấu của một sự kiện lịch sử: Vào năm 1681, một người con gái đã phạm tội đốt nhà để được đoàn tụ với người mình yêu.
Oshichi có người yêu tên là Kichisaburō. Bỗng một ngày, chủ nhân của Kichisaburō bị mất thanh gươm quý. Theo luật lệ, nếu không thể tìm thấy thanh gươm trong cuộc thẩm vấn chính thức, Kichisaburō có thể sẽ bị rạch bụng.
Vào đêm trước ngày diễn ra cuộc thẩm vấn, Oshichi phát hiện ra nơi giấu thanh gươm. Nàng phải báo ngay cho người yêu, nhưng cửa thành đã khóa. Oshichi đã trèo lên tháp canh và đánh hồi trống báo cháy (dù Oshichi biết rằng, nàng sẽ phải trả giá bằng cái chết khi tạo báo động giả).
Chương trình do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Múa rối Việt Nam phối hợp tổ chức./.
Nhà hát Kịch rối Youkiza do Youki Magosaburō I thành lập năm 1635. Các nghệ sỹ của nhà hát thường trình diễn những vở diễn cổ điển dựa trên kho tàng kịch rối jōruri. Bên cạnh đó, nhà hát cũng thường xây dựng các chương trình biểu diễn đèn lồng ma thuật.
Trong những dự án thử nghiệm, người nghệ sỹ vừa điều khiển rối vừa đảm nhiệm một vai trong vở kịch, đan xen yếu tố thị giác vào đèn lồng ma thuật Edo.
Theo VietNam+