Tình trạng nợ, trốn đóng BHXH không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, ảnh hưởng đến an toàn, cân đối quỹ, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Đến cuối tháng 3/2017, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) của 7 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức bàn giao gần 78.500 sổ BHXH cho người lao động (NLĐ) quản lý. Theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016), NLĐ có quyền tự quản lý sổ BHXH, thay vì chủ sử dụng lao động giữ như trước đó. Đây cũng là một trong những điểm mới, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đồng thời mang lại những lợi ích khác, như: Minh bạch thông tin về quá trình đóng BHXH, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH.
Quy định này còn giúp NLĐ tự quản lý, theo dõi quá trình đóng BHXH của mình, biết được mức đóng, kết quả đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động, chủ động hơn trong việc giải quyết các chế độ BHXH theo luật định; đồng thời là một bước quan trọng trong quá trình hiện đại hóa, cải cách hành chính của ngành BHXH, tiến tới mục tiêu sử dụng sổ BHXH điện tử. Hiện nay, 60/63 BHXH tỉnh, thành phố đã triển khai ứng dụng phần mềm bộ công cụ hỗ trợ tập trung dữ liệu thu, sổ, thẻ và tài chính kế toán.
Theo quy định, doanh nghiệp buộc phải tham gia đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, hoặc hợp đồng không có thời hạn. Mức đóng là 20% dựa trên tổng mức lương (bao gồm các khoản phụ cấp) tương ứng với các chế độ trong BHXH bắt buộc.
Thời gian qua, việc thực hiện BHXH không ngừng được bổ sung hoàn thiện và ngày càng đi vào cuộc sống, với hơn 11 triệu NLĐ được tham gia BHXH. Tuy nhiên, số nợ bảo hiểm vẫn còn lớn, với khoảng 50% doanh nghiệp nợ đọng BHXH; số tiền nợ BHXH tăng so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều doanh nghiệp cố tình dây dưa, nợ đọng tiền đóng bảo hiểm của NLĐ, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền của NLĐ (trừ tiền lương) nhưng lại sử dụng vào những mục đích khác. Ở một số địa phương còn có tình trạng một số doanh nghiệp “bán chui” các nhà xưởng, tài sản cho người khác để trốn nợ bảo hiểm, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp cũ “biến mất”, còn doanh nghiệp mới chối bỏ trách nhiệm về các khoản nợ BHXH.
Tình trạng nợ, trốn đóng BHXH không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, ảnh hưởng đến an toàn, cân đối quỹ, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Theo các chuyên gia, nhằm hạn chế và không để tình trạng “nhờn luật” trong lĩnh vực này, cần quy định, có các chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các hành động cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH. Thời gian qua, chế tài xử lý các hành vi trên nhìn chung còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; số vụ sai phạm, vi phạm về BHXH được đưa ra xử lý trước pháp luật còn chiếm tỷ lệ nhỏ.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm các thủ tục, thời gian kê khai, tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ được hưởng đúng, đủ các quyền lợi chính đáng khi tham gia BHXH đúng pháp luật. Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thu, nộp và thực hiện tốt chính sách BHXH cho NLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức văn hóa kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật, công khai thông tin trên báo chí một số doanh nghiệp “điển hình” về chây ỳ, cố tình vi phạm nợ, trốn đóng BHXH, gây tổn hại quyền lợi chính đáng của NLĐ, gây thiệt hại và giảm lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước./.
Trịnh Dũng (QĐND)