Bắt đầu từ ngày 1/10, những người chưa có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám bệnh tại các bệnh viện, cơ sở công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ được áp giá viện phí mới theo Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế.
Theo đó, người đi khám chữa bệnh không có thẻ BHYT phải thanh toán 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh gồm chi phí trực tiếp như thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế... và tiền lương cho bác sĩ. Tính trung bình, mức viện phí sẽ tăng khoảng 30% chủ yếu vào tiền khám bệnh và giường bệnh.
Cụ thể, giá khám chữa bệnh tại bệnh viện hạng 1 trước đây là 20.000 đồng nay tăng lên 39.000 đồng, bệnh viện hạng 2 từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng 4 từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng; giá giường nội khoa bệnh viện hạng 1 từ 80.000 đồng lên 199.100 đồng; phẫu thuật lấy thai lần đầu từ 2 triệu đồng tăng 2,6 triệu đồng; xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính tăng từ 250.000 đồng lên 500.000 đồng...
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện người bệnh tham gia BHYT ngày càng tăng. Theo lộ trình đến năm 2020, sẽ có trên 90% người dân thành phố có thẻ BHYT và được quyền chọn lựa bệnh viện chất lượng phục vụ tốt, bệnh viện có nhiều kỹ thuật điều trị tốt.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/10, trừ bệnh viện Nhân Ái và bệnh viện Phong Bến Sắn thì 51 bệnh viện công lập của TP Hồ Chí Minh không còn nhận ngân sách nhà nước và chính thức tự chủ nguồn kinh phí để chi thường xuyên cho toàn bộ hoạt động của bệnh viện.
Trước đó, từ ngày 1/8, đã có 12 bệnh viện tự chủ tài chính toàn phần trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã được phép áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế.
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương cuối cùng của cả nước điều chỉnh tăng tối đa giá viện phí không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
(TTXVN)