Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 4/8/2010 23:23'(GMT+7)

Tự bảo vệ và bảo vệ nhà báo trong “Tình huống nóng”

Hội thảo nghiệp vụ do Báo Nhà báo và Công luận điện tử tổ chức, cùng sự tham gia của các diễn giả đến từ VTV News, báo Tiền Phong, Báo Pháp luật TP HCM... và nhiều phóng viên cơ quan báo chí.
 
Đây là hội thảo lần thứ 2 trong vòng 4 tháng do cơ quan báo của Hội Nhà báo tổ chức liên quan tới chủ đề nhà báo bị cản trở hành hung khi tác nghiệp, song đã sâu hơn vào vấn đề không còn mô tả thực trạng nữa mà xoáy sâu vào giải pháp bảo vệ nhà báo và để nhà báo có cơ chế tự bảo vệ mình.
 
Nhà báo tác nghiệp có phải là người thi hành công vụ?
 
Nhà báo Trần Đức Chính, TBT Báo điện tử congluan.vn tái khẳng định một thực tế “chúng ta đang thiếu những quy định pháp lý để bảo vệ danh dự, tính mạng và tài sản của nhà báo, cũng như là bảo vệ quyền được thu thập thông tin như Luật Báo chí đã quy định.”
 
“Có phải nhà trường mới dạy sinh viên báo chí điều tra như thế nào chứ chưa dạy đi làm điều tra như thế nào?...” - Nhà báo Trần Đức Chính - Tổng Biên tập Báo điện tử congluan.vn
Đây là vấn đề bức xúc tiếp nối tinh thần Hội thảo với chủ đề “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp” ngày 26-4-2010 đặt ra và đã nhận được sự đồng cảm của đông đảo hội viên, lãnh đạo Hội và sự quan tâm của các cơ quan chức năng.
 
Theo ông Chính, đã có sự thống nhất đề xuất với các cơ quan chức năng đưa việc xử lý hành vi hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp về xử lý theo Điều 257 BLHS (về tội chống người thi hành công vụ) và khắc phục quy định bất cập (đòi hỏi giám định thương tật của nhà báo đạt 11% trở lên mới khởi tố theo Điều 104 BLHS về tội “cố ý gây thương tích” ) để áp dụng tình tiết “do yếu tố công vụ của nạn nhân” theo Điều 104 BLHS.
 
Việc hội thảo này tiếp tục xoáy vào tư cách “người thi hành công vụ” hoặc tác nghiệp với “yếu tố công vụ” cho thấy nhu cầu bảo vệ nhà báo làm việc đúng pháp luật phải được xem xét ở cấp độ cao hơn, được bảo hộ bằng pháp luật mạnh hơn như đối với các trường hợp thi hành công vụ khác.
 
Theo ông Chính, cho dù đã có Luật báo chí, song cần phải sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin để báo chí tác nghiệp thuận lợi hơn, nhà báo được bảo vệ và tạo điều kiện làm việc an toàn hơn.
 
Nhà báo Phan Lợi, Phó Tổng thư ký tòa soạn, Trưởng đại diện Hà Nội của Báo Pháp luật TP HCM chia sẻ: “Mặc dù “lãnh đạo cấp cao, các cấp các ngành rất quan tâm tới báo giới, đặc biệt đánh giá rất cao thông qua sự kiện tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho giới báo chí nhân dịp 21-6 năm nay”, nhưng "Thật tiếc những đề xuất nghiêm chỉnh đúng pháp luật, đúng thẩm quyền từ “Ngôi nhà chung 59 Lý Thái Tổ này... vẫn chỉ là đề xuất".
“Hiện nay ở nhiều tờ báo chưa có chính sách riêng cho phóng viên tác nghiệp ở điểm nóng mà chỉ chấm nhuận bút “nhỉnh” hơn tí chút.... Phương tiện cho thể loại điều tra thường đắt tiền, tài liệu liên quan thường khó kiếm và mất chi phí; rủi ro nghề nghiệp rất lớn (bị đánh trọng thương, mất tài sản, có khi mất nghề) nên đề nghị lãnh đạo các báo có thể lập ra một quỹ mang tên bảo hiểm rủi ro; lãnh đạo các báo cần có kế hoạch bọc lót, bảo vệ phóng viên bằng các biện pháp hiệu quả, tránh đề phóng viên đơn độc. Khi xảy ra sự việc cần tranh thủ sự ủng hộ của đồng nghiệp bạn đọc rộng rãi đề cao tính chính nghĩa của đề tài đang theo đuổi..”- Nhà báo Phan Lợi, Phó Tổng thư ký tòa soạn - Trưởng VPĐD Hà Nội, Báo Pháp luật TP HCM)
Đến từ Cục Tham mưu, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, PGS. TS Nguyễn Văn Lan, Phó Cục trưởng cho rằng, "cho dù nhà báo hay lực lượng CAND hay bất cứ lực lượng nào được các cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ và thực thi nhiệm vụ đều phải đặt mục đích công lên trên hết nên cần được tôn trọng và bảo vệ".
 
Quan niệm không chia tách nhà báo với những lực lượng thi hành công vụ khác được PGS.TS Nguyễn Văn Lan làm rõ hơn khi kiến nghị: "Cần có chế tài xử phạt đủ nặng, bảo đảm tính răn đe giáo dục đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ, trong đó có chống lại các nhà báo".

 Ông Lan cho rằng “khung hình phạt hiện nay quy định tại điều 257,BLHS đặc biệt tại khoản 1 với mức “phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” là quá nhẹ” và kiến nghị: “Tối thiểu là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” mới đủ sức răn đe. Thậm chí với việc cố ý gây thương tích cho người thi hành công vụ từ 11% trở lên thì nên xử lý “với hình thức cộng hình phạt theo điều 257, điểm d, khoản 2 và điều 104, điểm k, khoản 1 thì mới đủ sức răn đe tội phạm”.

 Theo ông Trần Đức Chính, nhìn nhận này là sự thay đổi so với nhiều ý kiến trong cuộc hội thảo lần trước chung quanh quan niệm về "người thi hành công vụ".

 Trong tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Lan luôn có những cách diễn đặt gắn kết này, thí dụ: "Bảo đảm thấu tình đạt lý khi thi hành công vụ, không gây bức xúc cho nhân dân, kể cả phóng viên cũng vậy"; "Về phía các cơ quan có người thi hành công vụ, trong đó có cơ quan báo chí...".

"Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Công an nên có quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa các hành vi chống người thi hành công vụ, trong đó có chống lại các nhà báo khi đang tác nghiệp... hỗ trợ thành lập đường dây nóng giữa hai lực lượng để kịp thời hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết" - PGS.TS Nguyễn Văn Lan
Nhận diện tình huống nóng; tồn tại trong điểm nóng; làm nguội điểm nóng

 Xoay quanh chủ đề: nhận diện tình huống nóng, nhà báo làm gì để tự bảo vệ mình trong các “tình huống nóng”...là muôn mặt câu chuyện đời thường, kỹ năng nghề, những công cụ “bỏ túi” hữu ích từ thực tế va chạm can dự, giải quyết tình huống.

 Nhà báo Phan Lợi, Báo Pháp luật TP HCM nhận xét: “Thực chất những đe doạ, cản trở đều chung mục tiêu: ngăn chặn công việc mà nhà báo đang làm (thu thập, xử lý, công bố và phát hình thông tin)” do đó, nhà báo phải “có đối sách ở từng công đoạn”.

 Bốn công đoạn theo ông Phan Lợi là: Báo cáo kịp thời cho lãnh đạo trực tiếp để có sự ủng hộ, chỉ đạo; đa dạng nguồn tin; dựa vào nhân dân để dân che chở, bảo vệ; tranh thủ sức mạnh công khai, kể cả việc không ngại gặp đương sự để lắng nghe quan điểm khách quan công bằng, tạo diễn đàn đa chiều nhằm “tháo ngòi nổ” xung đột.

 Theo nhà báo Đinh Anh Tuấn, báo Tiền phong, "tình huống nóng thường xuất hiện khi nhà báo chụp ảnh hoặc trở lại nơi mình đã viết bài điều tra nêu ra những chuyện bất cập sai trái" mà tại những nơi đó, những nhà báo có kinh nghiệm dự cảm được "tình huống nóng", "đánh hơi được nguy hiểm".

 Ông Tuấn bày tỏ, phần lớn những vụ nhà báo bị hành hung đều phát sinh khi nhà báo giơ máy ảnh hoặc camera lên để chụp, ghi hình, cố gắng có hình ảnh để tăng thêm tính báo chí, sinh động và thuyết phục.

"Tất cả những vụ việc, vấn đề được coi là nóng đều ẩn chứa những xung đột mạnh mẽ về lợi ích" - Nhà báo Phạm Kiên, VTV New
Theo ông Phạm Kiên, đó là xung đột tại các điểm nóng là xung đột giữa "lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng lớn, lợi ích cục bộ và lợi ích cá nhân". Khi nhà báo xuất hiện thì - "Nỗi lo về lợi ích bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến hai loại hành vi trái ngược, hoặc là mua chuộc dụ dỗ báo chí đứng về phía mình, hoặc là cản trở. Đỉnh điểm của cản trở là hành hung".

 Nếu phóng viên không tạo dựng được niềm tin của người đối tượng tiếp xúc tại những điểm nóng, rằng họ có cơ hội tham gia bình đẳng trên diễn đàn, thì việc thu thập thông tin là vô cùng khó, thậm chí bị cản trở, hành hung - ông Phạm Kiên kết luận.

 Đi vào ngóc ngách tác nghiệp của nhà báo tại điểm nóng, mỗi nhà báo đều có những trải nghiệm riêng, ngón nghề riêng để bảo vệ mình, bảo vệ nguồn tin và thông tin.

 Kỹ năng tồn tại trong các tình huống nóng, theo ông Đinh Anh Tuấn là: Dự cảm tình huống nóng; Báo trước với Ban biên tập để có sự hỗ trợ từ phương tiện tới thông tin; Càng kín đáo, càng bí mật càng an toàn; Nên có cơ sở "nằm vùng" từ trước; Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp bảo vệ; Hạn chế tối đa ghi hình...

 Đồng quan điểm này, nhà báo Phạm Kiên từ VTV News cho rằng, "nhanh thì tốt, nhưng vội vã thì đôi khi hỏng việc". Theo ông Phạm Kiên, mục tiêu của nhà báo là phải tỉnh táo để trở thành "chất xúc tác làm nguội điểm nóng" bằng chính sự khách quan trong cư xử, bình tĩnh trong tác nghiệp, hiểu biết pháp luật và xã hội. Ông đưa ra khái niệm "phải biết thỏa hiệp và cam kết" với ý nghĩa tạo diễn đàn bình đẳng cho các bên bày tỏ quan điểm.

 

"Chỉ nên chụp hình khi biết chắc chắn chúng ta không bị tước đoạt phương tiện hoặc bị hành hung". - Nhà báo Đinh Anh Tuấn báo Tiền Phong

Từ một tòa báo có khá nhiều phóng viên bị tai nạn nghề nghiệp trong các tình huống nóng, ông Tuấn làm đồng nghiệp thú vị với kinh nghiệm "nhập vai", 'giả vờ", "nói dối", nhờ dân bảo vệ, bám vào kênh hỗ trợ từ cơ quan Đảng, chính quyền, công an sở tại; kinh nghiệm đi ăn, đi uống gần các công sở, cơ quan; hành nghề với sự có mặt của dân địa phương sở tại; kéo luật sư, người biết võ nghệ đi cùng càng tốt...

 Dẫn thí dụ vụ “quan ăn đất” Đồ Sơn bốn năm trước, nhà báo Phan Lợi hé lộ, báo ông đã “phải sử dụng tới 18 nguồn tin khác nhau". Ông nói, đó là cách “để bảo vệ nguồn tin, vừa để kiểm chứng, vừa “giương Đông, kích Tây” phân hoá sự chú ý của các lực lượng giấu mặt”.

 Đặt vấn đề nhà báo sử dụng quyền công dân được phòng vệ chính đáng ra sao khi bị tấn công, hành hung, TS Đỗ Cảnh Thìn, Tổng Biên tập Tạp chí Cảnh sát phòng chống tội phạm cho rằng, nhà báo phải tận dụng quyền được pháp luật bảo hộ đó, miễn đừng quá giới hạn "phòng vệ chính đáng".

 Trong khi đó, nhà báo Trần Duy Phương, Phó Tổng Giám đốc VTC lại cho rằng, cách tự bảo vệ nhà báo, bảo vệ cơ quan báo chí tốt nhất là kỷ luật nghiêm những nhà báo không làm nghề mà lợi dụng nghề để đe dọa, trục lợi trái pháp luật.

 Ông Phương đặt vấn đề gai góc: trong thực tế, tình huống nóng, phức tạp không phải là đối đầu với côn đồ, người dân bị kích động, kẻ xấu mua chuộc dụ dỗ... mà là khi nhà báo gặp phải cản trở từ chính lực lượng công an.

 Ông Phương đặt câu 2 câu hỏi: 1- Khi nhà báo đã công khai danh phận của mình thì trong trường hợp nào công an được cản trở nhà báo và trong mức độ nào thì nhà báo được tiếp cận thông tin. 2- Khi công an cản trở nhà báo và nhà báo có cơ sở nghi ngờ việc đó thì báo cáo ai, cấp nào giải quyết?

 Chia sẻ khó khăn khi tác nghiệp này với ông Phương, nhà báo Thanh Tường, báo Đại Đoàn Kết lật lại vấn đề, trong hoặt động điều tra than thổ phỉ tại Quảng Ninh, rõ ràng nhà báo có thông tin chính xác về nơi đào than lậu, nhưng chính khu vực đó lại "được" rào hàng rào B40 với biển đề "Khu vực quân sự cấm vào!". Vậy nhà báo phải làm gì? Dừng lại hay xâm nhập lấy thông tin để rồi có thể bị rắc rối, thậm chí nguy hiểm tính mạng?

Phát biểu vừa với tư cách nhà báo, vừa với tư cách từng là nạn nhân của sự cản trở hành nghề, TS Đỗ Cảnh Thìn nhấn mạnh: hành vi cản trở, chống lại nhà báo không phải chỉ dừng lại ở dạng như: thu giữ phương tiện, chửi bới làm nhục người khác, cố ý gây thương tích, đe dọa tính mạng mà còn có thể là giết hại nhà báo. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Lan đề cập vấn đề nhà báo nên hiểu, thông cảm, góp ý kiến nghị về hoạt động của cơ quan chức năng tại các điểm nóng vốn có thể tạo ra sự căng thẳng bức xúc của nhà báo khi tác nghiệp.

TS Thìn phân tích nguyên nhân nhà báo phải đối mặt với điểm nóng là: tâm lý bức xúc của các bên đều muốn được bênh vực; do thiếu hiểu biết pháp luật, xã hội, kiến thức văn hóa, hành xử, đạo đức của bản thân nhà báo gây bức xúc; nhận thức pháp luật hiểu biết xã hội của đối tượng tiếp xúc kém gây nên hành vi phạm tội; do trách nhiệm xử lý các vấn đề nội bộ của chính quyền địa phương không công minh khách quan, gây xung đột, uất ức; do khung hình phạt xử lý còn nhẹ, không đủ sức răn đe; thậm chí điểm nóng còn là do sự kích động bên ngoài; lợi dụng việc chống người thi hành công vụ để chính trị hóa vấn đề gây phức tạp bất ổn.

 Còn rất nhiều điều cần tiếp tục bổ khuyết

 "Tôi phấn khởi khi nghe các đồng chí bên công an nói các nhà báo khi tác nghiệp có thể xem như là thi hành công vụ. Hội thảo lần trước chưa có được ý kiến này"- đó là suy nghĩ của Nhà báo Trần Đức Chính khi tạm kết luận thảo luận.

 "Tôi không hy vọng sẽ không có thêm hội thảo lần ba, hội thảo lần bốn...về vấn đề này"- ông Chính nói. Theo ông Chính, Hội thảo tháng 4 đến Hội thảo tháng 8 đã cho thấy sự xích lại gần nhau ở vấn đề mấu chốt: Đó là thống nhất nhận thức về sự cần thiết phải sửa đổi hành lang pháp lý để bảo đảm hoạt động cho nhà báo và cơ quan báo chí. Chức năng của Hội là phát hiện vấn đề, kiến nghị, đề xuất sửa đổi cho phù hợp.

Ảnh tư liệu.

Ảnh tư liệu.

"Cho dù đã có Luật Báo chí và rồi sẽ có Luật tiếp cận thông tin nhưng vẫn sẽ còn rất nhiều điều cần bổ khuyết. Vào tác nghiệp tại điểm nóng, nơi nào làm "ngon" rồi thì hoan nghênh, nơi nào chưa thì chúng ta tiếp tục" - Ông Chính khẳng định.

 Có thể nói, với biểu đồ tăng dần từ các con số của cơ quan chức năng được PGS.TS Nguyễn Văn Lan dẫn ra trong tham luận của mình: Trước 2007, mỗi năm khoảng 400 vụ chống người thi hành công vụ; năm 2008 542 vụ; năm 2009: 749 vụ và 6 tháng đầu năm 2010: 359 vụ, chủ đề bảo vệ và tự bảo vệ với nhà báo (cùng với các lực lượng thi hành công vụ khác) từ hội thảo này đã chạm đúng đến vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất