Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 23/10/2008 8:14'(GMT+7)

Từ cải cách tiệm tiến đến xây dựng cơ chế chất lượng cao - Điều kiện để phát triển bền vững ở việt Nam

Hạ thủy tàu Lash lớn nhất lần đầu tiên được thiết kế, chế tạo tại Việt Nam

Hạ thủy tàu Lash lớn nhất lần đầu tiên được thiết kế, chế tạo tại Việt Nam

1. Khái quát những đặc tính về cơ chế của giai đoạn mới

Một là, khác với giai đoạn trước, giai đoạn mới này, tăng trưởng không còn chủ yếu do động viên, sử dụng các yếu tố sản xuất như lao động, tư bản, đất đai mà đòi hỏi phải tăng năng suất tổng hợp đa yếu tố dựa trên việc áp dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến quản lý, giảm phí tổn giao dịch v.v.

Dù trước thời đại toàn cầu hóa, một nền kinh tế muốn phát triển bền vững phải liên tục tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thị trường mở rộng, tham gia phân công quốc tế sâu hơn và do đó sức cạnh tranh phải mạnh hơn là điều kiện phát triển sâu và bền vững. Ở thời đại toàn cầu hóa, các đặc tính này càng quan trọng hơn.

Hai là, sang giai đoạn mới, kinh tế thị trường phải phát triển sâu rộng hơn, hệ thống tài chính tiền tệ phức tạp hơn, dòng vốn lưu thông đa dạng hơn, nên vấn đề ổn định phải được quan tâm. Mặt khác, do sự tham gia phân công quốc tế và hội nhập với thế giới ngày càng mạnh, kinh tế dễ biến động theo những thay đổi trên thị trường thế giới.

Như vậy, để phát triển bền vững, phải xây dựng một cơ chế, một hệ thống các chính sách, chiến lược khác về chất và ở trình độ cao so với giai đoạn trước. Những cơ chế, chính sách này bao gồm các điểm chính như sau: (1) Tăng cường sự minh bạch, tăng khả năng dự đoán và tăng năng lực quản lý nhà nước để vừa giảm sự bất xác định, giảm sự rủi ro đối với nhà đầu tư, để họ mạnh dạn tiến vào những lĩnh vực mới (do đó cơ cấu kinh tế mới chuyển dịch nhanh), vừa tránh đầu cơ, tránh tham nhũng và giảm các chi phí giao dịch. (2) Doanh nghiệp quốc doanh phải được cải cách triệt để, tạo sân chơi bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế, tránh các tệ hại của chiến lược cải cách tiệm tiến quá lâu đã được đề cập. (3) Có chính sách công nghiệp tích cực để xây dựng các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh động , như vậy vừa chuyển dịch cơ cấu lên cao vừa cạnh tranh được trên thị trường thế giới. (4) Trong các loại thị trường, thị trường lao động thường hoạt động ít hiệu quả vì manh mún, có sự không ăn khớp trong cung cầu giữa các loại lao động hoặc giữa các vùng. Do đó cần có chính sách về đào tạo, về hạ tầng xã hội để xóa hoặc giảm sự bất ăn khớp đó. (5) Chấn hưng giáo dục, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cần có chính sách, cơ chế thích đáng của nhà nước.

Vì tính chất phức tạp của kinh tế trong giai đoạn này, cơ chế trên cơ bản cũng khác giai đoạn trước. Như trên đã nói, ở giai đoạn trước, nhà nước chỉ cần nới rộng các quy chế và ban hành các luật lệ liên hệ là các tác nhân kinh tế hăng hái hoạt động. Trên một ý nghĩa, việc quyết định các chính sách có thể có tính cách tập trung. Nhưng ở giai đoạn sau việc tư vấn tham gia từ các tầng lớp, các chủ thể kinh tế là cần thiết. Sự tham gia của dân chúng, cụ thể qua các nhà ngôn luận, học giả, đại diện doanh nghiệp, đại diện giới lao động, sẽ tránh được tình trạng một số chính trị gia và quan chức lợi dụng thông tin và quyền lực họ có đưa ra những chính sách, những dự án, kế hoạch có lợi cho họ chứ không nhằm phục vụ lợi ích của đa số dân chúng, không nhằm mục đích phát triển.

Cơ chế chất lượng cao còn đòi hỏi các điều kiện như năng lực của quan chức, sự độc lập của tòa án, tính độc lập của ngân hàng trung ương, chính sách thu chi ngân sách minh bạch, có cơ chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và các hoạt động kinh tế công.

2. Kinh nghiệm một số nước châu Á trong việc chuyển sang giai đoạn mới

* Trường hợp Philíppin

Vào thập niên 1950, Philíppin là nước phát triển nhất, cao hơn cả Hàn Quốc. Trong giai đoạn 1960 - 1984, Philíppin là nước có mức sống cao hơn nhiều nước châu Á nhưng phát triển chậm. Sang giai đoạn sau, mặc dù đất nước bước vào thể chế dân chủ, tốc độ phát triển càng kém hơn. Năm 1960, GDP đầu người của Philíppin gấp đôi Thái Lan nhưng đến năm 1984 Thái Lan đã theo kịp Philíppin và khoảng năm 2000 hai nước đảo ngược vị trí của năm 1960. Vào năm 1984, Philíppin còn gấp năm lần Trung Quốc nhưng sau năm 2000, Trung Quốc đã vượt Philíppin. Tại sao Philíppin tụt hậu?

Giáo sư Fernando Aldaba của Đại học Ateneo de Manila phân tích các mặt của kinh tế Philíppin từ năm 1971 đến 2001 (Aldaba 2002) đã đưa ra các nhận định sau: Các điều kiện về cơ chế của Philíppin đã làm các doanh nghiệp không có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Không có môi trường, cơ chế tạo ra các khuyến khích cần thiết để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải thiện năng suất. Các nhà doanh nghiệp luôn than vãn về chi phí kinh doanh quá cao. Tham nhũng hoành hành, lan rộng và thấm sâu trong xã hội, hoạt động kinh tế phụ thuộc nhiều vào sự bảo hộ chính trị của giai tầng thống trị. Các vấn đề phát triển của Philíppin không thể giải quyết nếu không cải cách cơ chế nhất là các cơ chế đang bị chi phối bởi những người có đặc quyền đặc lợi.

Vấn đề tụt hậu của Philíppin có lẽ còn nhiều nguyên nhân nữa. Nhưng như đã được đề cập, khuynh hướng nghiên cứu về kinh tế phát triển gần đây cho thấy yếu tố cơ chế đóng vai trò tối quan trọng tác động đến thành quả phát triển, ta có thể nói nhận định của Albada giải thích phần lớn các vấn đề của Philíppin.
Tình hình có vẻ cũng không được cải thiện sau khi nước này chuyển sang thể chế dân chủ từ giữa thập niên 1980. Ngược lại, như Hình 2a cho thấy, kinh tế Philíppin càng trì trệ, tụt hậu hơn. Theo Pritchett (2003) thì sau thời đại Marcos, Philíppin dân chủ hơn, cơ hội bình đẳng hơn, nhưng ngược lại có sự bất ổn định về mặt cơ chế (institutional instability) do chính sách hay thay đổi, việc thi hành luật lệ tùy tiện, không nhất quán. Có lẽ nhận xét này đúng. Và cũng vì lý do này, Phillíppin đã không thể đón nhận cơ hội mới đến từ Nhật Bản khi đồng yen lên giá đột ngột (từ giữa thập niên 1980), các công ty Nhật di chuyển ồ ạt các nhà máy sản xuất sang ASEAN. Dòng chảy FDI từ Nhật chủ yếu đến Thái Lan và Malaixia (một lượng ít hơn sang Inđônêxia từ đầu thập niên 1990), nhưng không dừng lại ở Philíppin. Kinh nghiệm nước này cho thấy s ự kém phát triển và bất ổn định về cơ chế làm mất cơ hội tận dụng nguồn lực quốc tế, mất khả năng chuyển dịch cơ cấu lên cao hơn để tiến sang giai đoạn phát triển bền vững .

* Trường hợp Inđônêxia

Inđônêxia từ giữa thập niên 1960 đến giữa năm 1997 phát triển khá mạnh mẽ, nhất là trong nửa sau của giai đoạn đó, được Ngân hàng thế giới (World Bank 1993) xếp vào những nước Đông Á thần kỳ. Nhưng Inđônêxia lại là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu vào cuối năm 1997. Nước này phải mất tới 8 năm mới hồi phục mức GDP đầu người của năm 1997 và sau đó cũng phát triển chậm .

Về các yếu tố đưa đến thành quả phát triển đáng ghi nhận trong giai đoạn trước 1997, như World Bank (1993), Temple (2003) và nhiều nghiên cứu khác cho thấy, là sự chuyển hướng chính sách, thay đổi cơ chế quản lý vi mô từ đầu thập niên 1980. Đó là bỏ sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thân thiện với thị trường, chuyển chính sách từ bảo hộ thị trường trong nước sang chính sách khuyến khích xuất khẩu. Là nước xuất khẩu dầu và khí đốt, khi thị trường nhiên liệu thế giới tăng nhanh từ giữa thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980, Inđônêxia cũng không mắc phải Bệnh Hà Lan (Dutch Disease) nhờ biết dùng nguồn ngoại tệ vào việc xây dựng hạ tầng và giáo dục (Perkins et al. 2006).

Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á đã châm ngòi cho sự sụp đổ của kinh tế Inđônêxia làm không ít người ngạc nhiên. Thí dụ như giáo sư Hal Hill, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Inđônêxia ở Đại học Quốc lập Úc, đã dùng hình tượng “Sự đột tử kỳ lạ của con hổ kinh tế” làm đầu đề cho bài viết phân tích nguyên nhân của hiện tượng này (Hall 2000). Tổng hợp các nguyên nhân, Temple (2003) cho rằng Inđônêxia tăng trưởng nhanh nhưng đi liền với sự yếu kém về cơ chế. Cơ chế yếu chỗ nào? Inđônêxia là điển hình cho trường hợp được gọi là chủ nghĩa tư bản giữa những người thân cận. Nhằm củng cố độc quyền chính trị của Suharto và phe nhóm, các quyết sách lớn, các quy chế tạo ra đều nhằm tạo đặc quyền đặc lợi cho gia đình và phe nhóm của ông. Do đó không có các cơ chế kiểm soát những quyết định, những chính sách không phù hợp với lợi ích chung. Từ thập niên 1980, nhà nước ít can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh tế nhưng ngược lại các tổ hợp kinh tế tư nhân ra đời thường kết cấu với các chính trị gia thân Suharto. Do cơ chế này, Inđônêxia là một trong những nước có nạn tham nhũng trầm trọng nhất (Hall 2000).

Quyền lực không có cơ chế kiểm soát còn là nguyên nhân khủng hoảng trầm trọng trong khu vực tài chính. Inđônêxia không thiếu chuyên gia và không phải không có các quy chế dự phòng khủng hoảng nhưng giới kỹ trị không được đưa ra chính sách độc lập, các chính sách thường bị chính trị chi phối. Chẳng hạn, các doanh nghiệp có quan hệ với gia đình Suharto có thể dùng quan hệ đó làm thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Cơ chế này không được sự đồng thuận xã hội nên khi có cơ hội là các bất mãn bật tung, gây ra bất ổn xã hội, chính trị. Thêm vào đó, những đặc thù về cơ cấu kinh tế (người Hoa chỉ có 3 phần trăm dân số nhưng nắm trên 40% sản lượng các ngành hiện đại), dân tộc, tôn giáo, lãnh thổ lại nhân cơ hội khủng hoảng kinh tế bùng phát lên.

Với cơ chế như vậy, những thành quả phát triển ở giai đoạn trước 1997 đã tiềm ẩn những nguy cơ sẽ bột phá khi có cú sốc từ bên ngoài. Do nội tình bất ổn, Inđônêxia cũng mất khả năng đề ra chiến lược cạnh tranh đối phó hữu hiệu trước sự lớn mạnh của Trung Quốc và không theo kịp dòng chảy mới trong sự phân công quốc tế ở Đông Á (Kimura 2005).

Kinh nghiệm Inđônêxia cho thấy phát triển phải được thực hiện trong sự đồng thuận xã hội, có cơ chế kiểm soát hành động của lãnh đạo chính trị. 3.

* Trường hợp Trung Quốc

Vào đầu thập niên 1980, mức phát triển của Trung Quốc không hơn Việt Nam nhiều. Vào năm 1984 GDP đầu người theo giá năm 2000 của Việt Nam là gần 200 USD trong khi Trung Quốc cũng chỉ gần 260 USD (năm 1981 dưới 200 USD). Nhưng Trung Quốc vừa hơn Việt Nam ở điều kiện ban đầu vừa có cơ chế sáng tạo, hiệu quả hơn Việt Nam nên đạt được thành quả phát triển mạnh mẽ hơn. Đến giữa thập niên 1990, GDP đầu người của Trung Quốc đã gấp đôi Việt Nam và sau đó khoảng cách càng lớn hơn nữa. Về điều kiện ban đầu, Trung Quốc cải cách trươc Việt Nam gần 10 năm và có cơ sở về hạ tầng ban đầu tốt hơn nước ta. Thêm vào đó, vai trò của tư bản Hoa Kiều trong thời kỳ đầu của cải cách, mở cửa rất quan trọng. Trong lúc hành lang pháp lý chưa xây dựng đầy đủ và còn bất ổn định, Nhật, Mỹ, Tây Âu chưa đầu tư thì tư bản người Hoa đã tích cực trở về xây dựng nhà máy và hoạt động thương mại ở quê cũ. Sự hiện diện của Hồng Công và sự bổ sung giữa thành phố lớn này với tỉnh Quảng Đông đã vừa thúc đẩy quá trình dịch vụ hóa kinh tế Hồng Công vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa của tỉnh có nhiều đặc khu kinh tế này.

Nhưng về mặt cơ chế, chiến lược cải cách của Trung Quốc cũng hơn hẳn Việt Nam . Cùng theo chiến lược cải cách tiệm tiến, cả hai nước đều bảo hộ doanh nghiệp quốc doanh nhưng Trung Quốc có cơ chế để doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển mạnh mẽ ngay từ đầu. Đặc biệt hình thái phát triển của doanh nghiệp hương trấn (TVEs) là độc đáo. Trên danh nghĩa, TVEs là doanh nghiệp sở hữu tập thể do chính quyền địa phương quản lý, nhưng trên thực tế hoạt động như doanh nghiệp tư nhân, tinh thần doanh nghiệp phát huy, công nhân hăng hái làm việc, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện về cơ chế, hành chính để phát triển thuận lợi. Đến đầu thập niên 1990, TVEs đóng góp hơn 50% vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của Trung Quốc (Lin and Yao , 2001). Về mặt lý luận liên quan đến cải cách cơ chế để phát triển, hình thái sở hữu của TVEs cũng được đánh giá cao.

Trung Quốc cũng thành công trong việc đón nhận dòng chảy đầu tư nước ngoài (FDI) trong thập niên 1990, thời đại mà các công ty đa quốc gia của Nhật, Mỹ, Tây Âu triển khai hoạt động trên qui mô toàn cầu. Vào năm 2005, FDI đã chiếm khoảng 30% sản lượng hàng công nghiệp và độ 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, góp phần đáng kể vào sự chuyển dich cơ cấu công nghiệp và sự chiếm lĩnh thị phần ngày càng lớn trên thị trường thế giới. Tuy FDI đóng vai trò lớn, doanh nghiệp bản xứ của Trung Quốc cũng lớn mạnh, trong đó nhiều công ty ngày càng hoạt động trên qui mô toàn cầu.

Nhìn chung thành quả phát triển của Trung Quốc rất đáng ghi nhận. Nhưng từ góc độ phát triển bền vững Trung Quốc cần được đánh giá như thế nào?

Từ nửa sau thập niên 1990, Trung Quốc chuyển sang giai đoạn mới nhưng cải cách còn nửa vời chưa tạo ra một hệ thống cơ chế đầy đủ, chất lượng cao.. Đến thời Hồ Cẩm Đào/ Ôn Gia Bảo (2003 trở đi), việc lập chính sách được cải tiến một bước, có thảo luận rộng rãi và có nghe ý kiến chuyên gia nhưng nhìn chung chưa có cải cách cơ chế triệt để.

Mặt khác, từ khi chuyển từ cải cách tiệm tiến sang cải cách toàn diện, dù chỉ mới nửa vời, xã hội và kinh tế Trung Quốc phát sinh nhiều vấn đề mới. Chênh lệch thu nhập và tài sản giữa các giai tầng, giữa các vùng ngày càng mở rộng, việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước đưa tới tình trạng cán bộ, quan chức liên hệ thu tóm tài sản nhà nước qua giao dịch nội gián (insider transaction). Nạn làm hàng giả, đạo đức xã hội, vấn đề môi trường v.v. cũng trầm trọng. Đặc biệt, 3 lĩnh vực nhạy cảm là giáo dục, y tế và nhà ở ngày càng phát triển theo hướng bất lợi cho người nghèo, cho giai tầng có thu nhập thấp.
Các vấn đề này làm nảy sinh cuộc tranh luận giữa những người chủ trương phải cải cách triệt để hơn, lành mạnh hóa thị trường hơn mới giải quyết được (những người được gọi là phái tân tự do chủ nghĩa), và những người chủ trương cần làm mạnh vai trò của nhà nước, phản đối tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, hạn chế hội nhập vào thị trường thế giới (nhóm này được gọi là phái tả mới).

Từ quan điểm và mục đích phân tích của chúng ta, có thể nói Trung Quốc đã thành công trong giai đoạn cải cách cơ chế để thoát khỏi nghèo nàn và bước được một đoạn trong thời đại phát triển mới . Tuy nhiên giai đoạn phát triển mới này có bền vững hay không còn tùy thuộc vào việc Trung Quốc có sớm hoàn thành một cơ chế chất lượng cao hay không.

* Trường hợp Hàn Quốc

Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960 là nước kém phát triển nhưng sau đó vượt qua giai đoạn phát triển ban đầu và thành công trong giai đoạn phát triển bền vững, trở thành nước tiên tiến trong thời gian rất ngắn. Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước này bắt đầu từ khi Park Chung-hee nắm chính quyền (năm 1961), thiết lập thể chế độc tài nhưng với quyết tâm phát triển đất nước. Chế độ độc tài kéo dài đến hết thời Chun Doo-hwan, trải qua mấy biến cố chính trị sôi động, đến năm 1987 họ đã thành công trong việc chuyển sang thể chế dân chủ bằng cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên. Năm 1988 Hàn Quốc tổ chức thành công Thế vận hội Seoul và năm 1996 được kết nạp vào khối OECD. Từ lúc bắt đầu kế hoạch phát triển đến khi trở thành thành viên của tổ chức các nước tiên tiến, Hàn Quốc chỉ mất có 35 năm! Nếu kể từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt thì cũng chỉ có 43 năm. Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nhưng đã khắc phục được ngay (GDP đầu người chỉ giảm năm 1998) nhờ nền tảng cơ bản của nền kinh tế vững chắc và các nhóm tài phiệt mà hoạt động cho vay và đầu tư không hiệu quả của họ đã gây ra khủng hoảng là những tổ hợp tư nhân, ảnh hưởng ít đến cả nền kinh tế.

Tại sao Hàn Quốc thành công trong quá trình phát triển liên tục, chuyển từ giai đoạn tăng trưởng ban đầu sang giai đoạn phát triển bền vững?

Thứ nhất, ngay từ đầu đã có ngay sự đồng thuận của xã hội về sự cần thiết phải phát triển, phải theo kịp các nước tiên tiến, nhất là theo kịp Nhật Bản (nước láng giềng từng đô hộ mình). Để có sự đồng thuận, năng lực, ý chí và chính sách của lãnh đạo chính trị là quan trọng nhất. Dù dưới chế độ độc tài, quyết tâm phát triển của lãnh đạo chính trị được thể hiện bằng các chiến lược, chính sách do lớp kỹ trị xây dựng, quan chức được tuyển chọn theo năng lực, người tài được trọng dụng. Như nhận xét của Evans (1995, p. 51), ở Hàn Quốc, nhà nước có truyền thống chọn được người tài ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng nhất. Đặc biệt, Park Chung-hee lập Hội đồng hoạch định kinh tế (Economic Planning Board) quy tụ những chuyên gia học ở Mỹ về, được giao toàn quyền hoạch định chiến lược.

Trong bối cảnh chung đó, tinh thần doanh nghiệp, nỗ lực học tập kinh nghiệm nước ngoài của giới kinh doanh rất lớn. Giữa thập niên 1980 tôi có đến Hàn Quốc điều tra thực tế về chiến lược đuổi bắt công nghệ của doanh nghiệp nước này, ấn tượng nhất là thấy họ đưa ra khẩu hiệu phải theo kịp khả năng công nghệ của công ty hàng đầu của Nhật trong ngành. Những người có kinh nghiệm du học cùng với sinh viên Hàn Quốc cũng dễ dàng thấy nỗ lực học tập của họ. Quốc sách theo kịp nước tiên tiến không phải là khẩu hiệu chung chung mà từng thành phần trong xã hội đều nỗ lực thực hiện.

Thứ hai, Hàn Quốc xây dựng được một cơ chế rất hiệu suất, hiệu quả về quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Trong quá trình đuổi theo các nước tiên tiến, mục tiêu cụ thể là tích cực đầu tư, tích lũy tư bản (nhưng tỉ lệ tiết kiệm ban đầu quá thấp phải vay nợ trong thời gian dài), đồng thời bảo hộ các ngành công nghiệp còn non trẻ và đẩy mạnh xuất khẩu để có ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu, công nghệ và trả nợ. Như vậy vai trò của nhà nước rất lớn. Trong tình hình đó, ở nhiều nước khác, doanh nghiệp cấu kết với quan chức để được tiếp cận với vốn vay ưu đãi, với ngoại tệ khan hiếm và với các nguồn hỗ trợ cho xuất khẩu. Nạn tham nhũng dễ phát sinh từ đó. Nhưng Hàn Quốc đã tránh được tệ nạn đó nhờ có cơ chế minh bạch, nhất quán, công minh và mang tính kỷ luật. Cụ thể là doanh nghiệp được nhận ưu đãi phải có nghĩa vụ tăng năng lực cạnh tranh, chẳng hạn phải xuất khẩu nhiều hơn trước. Nếu không hoàn thành nghĩa vụ sẽ không được hưởng ưu đãi trong giai đoạn sau. Nói chung, các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau, đưa ra mục tiêu phấn đấu khả thi mới nhận được ưu đãi của nhà nước.

Khi đặt xuất khẩu là mục tiêu của quốc gia thì người lãnh đạo cao nhất phải thường xuyên quan tâm. Tôi rất ấn tượng là chính Tổng thống Park Chunghee trực tiếp chủ trì các hội nghị kiểm tra diễn tiến xuất khẩu. Mục tiêu xuất khẩu đặt ra rất lớn nhưng hầu như năm nào cũng đạt được là nhờ cơ chế như vậy.

Thứ ba, nhận xét của Amsden (1989) rất chính xác khi cho rằng Hàn Quốc đã thực hiện công nghiệp hóa trên cơ sở của học tập. Quả đúng như vậy nếu ta xem nỗ lực của chính phủ trong giao dục, đào tạo, trong việc tạo ra cơ chế để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, và nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình học hỏi nước ngoài. Tỉ trọng dành cho giáo dục vào cuối thập niên 1950 chỉ có dưới 10% ngân sách nhà nước, nhưng đã tăng liên tục lên 15-18% trong thập niên 1960, và 19-21% trong đầu thập niên 1980. Tỉ lệ học sinh cấp ba trong độ tuổi thanh thiếu niên tăng từ 34% năm 1965 lên 56% năm 1975 và 91% năm 1984. Tỉ lệ sinh viên đại học trong thời gian đó là 6%, 10% và 26%. Hàn Quốc là một trong những nước có tỉ lệ rất cao trong hai chỉ tiêu: tỉ lệ của sinh viên du học trên tổng số sinh viên trong nước và tỉ lệ người du học trở về trên tổng số sinh viên đi du học. Thành quả này nhờ có các cơ chế liên quan đến việc thi tuyển và đãi ngộ người tài.

Ba điểm nói trên nhất quán trong suốt quá trình đuổi theo các nước tiên tiến nhưng nội dung của các cơ chế thay đổi theo nhu cầu phát triển của mỗi thời kỳ. Từ đầu thập niên 1980, vai trò của nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực nhỏ dần và thay vào đó tập trung vào giáo dục, nghiên cứu khoa học để tạo tiền đề cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên thứ nguyên cao hơn.

Kinh nghiệm Hàn Quốc cho thấy cơ chế động viên mọi nguồn lực của xã hội vào mục tiêu được xã hội đồng thuận, nhất là xây dựng và sử dụng nguồn nhân lực, tạo quan hệ lành mạnh giữa nhà nước với doanh nghiệp là điều kiện để phát triển bền vững.

3. Cơ chế chất lượng cao

Hơn 20 năm đổi mới, về cơ bản Việt Nam đã vượt khỏi cái bẫy nghèo và quá trình cải cách chuyển sang kinh tế thị trường đã đạt được một số thành quả rất đáng ghi nhận. Và do đó, có thể khẳng định, Việt Nam đã hoặc sắp kết thúc giai đoạn tăng trưởng ban đầu.

Vậy để chuyển sang giai đoạn phát triển mới – giai đoạn phát triển bền vững Việt Nam cần xây dựng được một cơ chế chất lượng cao. Muốn vậy, cần có 03 tiêu đề sau:

Một là, bảo đảm tính dân chủ trong việc hoạch định các chiến lược, chính sách. Lãnh đạo chính trị quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về quyết định nhưng phải trên cơ sở bàn bạc rộng rãi giữa các chuyên gia, giới ngôn luận và các thành phần khác của xã hội. Tham gia là một thuật ngữ được các nghiên cứu về cơ chế nhấn mạnh và nghiên cứu thực chứng cho thấy chiến lược, chính sách về các vấn đề phát triển nếu có sự tham gia của các thành phần xã hội liên hệ đều mang lại hiệu quả cao. Ngay cả những dự án nhỏ trong viện trợ (như xây đường, xây cầu), hiệu quả và tính bền vững cũng được bảo đảm nếu có sự tham gia của cư dân liên hệ trong quá trình thiết kế, thực thi dự án. Cơ chế bảo đảm tham gia có chức năng ngăn ngừa những quyết định, những chính sách phục vụ các nhóm lợi ích, đi ngược lại lợi ích chung của đất nước, của đông đảo dân chúng.

Hai là, ý kiến của chuyên gia, giới kỹ trị không bị chính trị chi phối. Chính trị gia không đưa ra kết luận trước để giới chuyên gia phải tìm cách chứng minh kết luận đó mà quy trình phải ngược lại, chuyên gia, giới kỹ trị phải được tự do nghiên cứu, phân tích và đề xuất chính sách, chiến lược; lãnh đạo chính trị sẽ cân nhắc, chọn lựa chính sách, chiến lược và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa đó.

Ba là, phải có đội ngũ quan chức giỏi thật sự để quá trình đặt ra các chính sách và thực hiện chính sách có hiệu quả. Chế độ thi tuyển công khai, nghiêm minh và chế độ đãi ngộ thỏa đáng là điều kiện để có đội ngũ quan chức vừa có năng lực vừa cảm nhận được sứ mạng cao cả của mình và tránh được tệ nạn tham nhũng. Gần 15 năm trước đây tôi đã đưa kiến nghị là nhà nước nên chọn một ngày trong năm làm ngày thi tuyển nhân tài ra làm việc nước. Những môn thi cơ bản liên quan đến văn hóa, triết học, lịch sử, luật pháp và hành chính vì những quan chức sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong tương lai phải am hiểu về các lĩnh vực đó. Một khi đã có một trình độ nhất định về các mặt cơ bản đó, họ có thể học thêm về các chuyên ngành cần thiết khi được phân bổ vào công việc cụ thể. Ở những nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, những người tốt nghiệp loại xuất sắc tại các đại học danh tiếng, phải học thêm về các môn nói trên, mới có thể thi đỗ được vào các kỳ thi tuyển quan chức nhà nước.

Về cơ chế, chính sách cụ thể trước mắt có lẽ hai vấn đề sau đây cần được quan tâm cải cách và xây dựng chiến lược:

Thứ nhất, cần sớm chấm dứt tàn dư của chiến lược cải cách tiệm tiến, cụ thể là phải triệt để cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Như mọi người đã thấy khu vực này ngày càng phình ra, đầu tư lung tung vào mọi ngành, nhất là trong đó không ít những dự án có tính cách đầu cơ. Hành động của khu vực này trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát và bất ổn vi mô hiện nay. Cần minh bạch hóa tài chính, có cơ chế kiểm soát tài chính, thẩm tra các dự án đầu tư của khu vực này. Thiết lập cơ chế quản lý doanh nghiệp trong đó xác lập mục tiêu hoạt động của công ty, có cơ chế kiểm soát, đánh giá thành quả của công ty và ban giám đốc phải chịu sự thưởng hoặc phạt (kể cả bị cách chức) về thành quả này. Ngoài ra, trừ những ngành cung cấp dịch vụ công cộng, doanh nghiệp nhà nước phải từng bước tư nhân hóa, cổ phần hóa; trong lúc chưa cổ phần hóa cũng phải hoạt động theo cơ chế thị trường chịu sự hạn chế khắc khe của ngân sách, nghĩa là không được ưu đãi đặc biệt về đất đai và vốn, và không được bù lỗ khi làm ăn thua lỗ.

Thứ hai, như trên đã nói, cơ chế trong giai đoạn tăng trưởng ban đầu, giai đoạn cải cách tiệm tiến rất đơn giản vì chủ yếu chỉ cởi trói các ràng buộc, hành lang pháp lý cũng không phức tạp, nhưng để phát triển bền vững trong giai đoạn tới, nhất là thời kỳ cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, phải có cơ chế xây dựng, nuôi dưỡng các ngành có lợi thế so sánh động để ngày càng chuyển dịch cơ cấu lên cao hơn. Ở đây chính sách công nghiệp phải được chú trọng và nghệ thuật tạo một quan hệ hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp là tiền đề của sự thành công. Kinh nghiệm của Hàn Quốc (nói ở phần 2) về điểm này rất đáng tham khảo.

Ba tiền đề và hai chính sách cụ thể trên đây là nội dung của cơ chế chất lượng cao cần thiết để Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển ổn định, bền vững, đưa kinh tế cất cánh vào quỹ đạo phát triển nhanh.

Vài lời kết: “Đi tắt đón đầu” bằng cơ chế chất lượng cao

Trên thế giới hiện nay có 50 nước có dân số trên 20 triệu. Trong đó, có 11 nước thuộc nhóm các nước có thu nhập cao (thu nhập đầu người trên 10.000 USD), 13 nước còn ở trong vòng luẩn quẩn nghèo khó, chưa thoát ra được cái bẫy nghèo, và 26 nước trên cơ bản đã thoát nghèo nhưng chưa thực sự cất cánh. Việt Nam trên cơ bản đã thoát ra khỏi cái bẫy nghèo, thoát khỏi vị trí của nhóm thứ hai và chen vào nhóm thứ ba. Trên ý nghĩa đó, thành quả đổi mới trong 20 năm qua đáng ghi nhận. Nhưng nhìn chung ta chỉ mới kết thúc hoặc sắp kết thúc giai đoạn phát triển ban đầu, còn ở vị trí gần áp chót trong nhóm 26 nước kể trên. Hơn nữa, chất lượng phát triển của ta chưa tốt. Môi trường bị ô nhiễm, chất lượng cuộc sống ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, bụi và bất an về tai nạn giao thông, chênh lệch ngày càng tăng trong phân phối thu nhập và tài sản, v.v...

Như vậy Việt Nam hiện nay vừa phải cải thiện chất lượng tăng trưởng vừa phải nỗ lực đưa kinh tế cất cánh vào quỹ đạo phát triển bền vững. Nhưng Việt Nam có tiềm năng (quy mô và cơ cấu dân số, vị trí địa lý, sự thống nhất về văn hóa, ngôn ngữ, v.v..) nên nếu có cơ chế chất lượng cao các nguồn lực sẽ được động viên và phát huy có hiệu quả. (Khuôn khổ của bài viết không cho phép đi xa hơn nhưng nói đến tiềm năng phải nhấn mạnh một điểm là việc chấn hưng giáo dục và nghiên cứu khoa học, công nghệ là tiền đề để tăng tiềm năng).
Từ đầu thập niên 1990, Việt Nam hay nhắc đến cụm từ “đi tắt đón đầu” trong văn cảnh phải nỗ lực để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu. Nhưng các nhà lãnh đạo, các quan chức thường xem việc phát triển những ngành mũi nhọn, tiên tiến là con đường đi tắt đón đầu. Suy nghĩ này không hẳn đúng vì khó thống nhất ý kiến về ngành mũi nhọn cụ thể, chưa nói đến chuyện yếu tố chính trị thường chi phối sự chọn lựa đó và việc thực thi cũng dễ rơi vào tình trạng kém hiệu suất. Chí ít là phải có cơ chế chất lượng cao mới đưa ra được quyết định đúng đắn về ngành mũi nhọn, về việc thực thi chiến lược phát triển các ngành đó. Rốt cuộc theo tôi, cải cách cơ chế là bí quyết đi tắt đón đầu hiệu quả nhất. Trở lại kinh nghiệm Hàn Quốc ta thấy rất rõ điều này./.

Lược thuật bài của GS Trần Văn Thọ, Đại họcWaseda-Nhật Bản : Nguồn TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất