(TG)-Tự chủ tài chính bệnh viện là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế, để phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 1/10, tất cả các bệnh viện
công lập trên địa bàn thành phố sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ tài
chính. Tuy nhiên, để có thể đứng vững trong cơ chế tự chủ tài chính,
nhiều bệnh viện đang phải đứng trước nhiều thách thức không nhỏ.
Tự bơi trong cơ chế thị trường
Bệnh viện huyện Củ Chi, một trong những bệnh viện vùng ven của thành
phố, được xây mới với quy mô 300 giường bệnh nhưng vẫn thưa thớt bệnh
nhân đến khám và điều trị. Thiếu bác sỹ có chuyên môn, người dân không
tin tưởng vào chất lượng điều trị là lý do khiến bệnh viện chưa thu hút
được người bệnh.
Bên cạnh đó, với đặc thù là vùng đất cách mạng, việc khám chữa bệnh tại
Bệnh viện huyện Củ Chi lâu nay chủ yếu vẫn tập trung vào đối tượng chính
sách, gia đình có công với cách mạng thông qua Bảo hiểm y tế.
Theo bác sỹ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi, do
không có bệnh nhân khám dịch vụ nên nguồn thu của bệnh viện rất thấp, vì
vậy nếu phải tự chủ về tài chính, nghĩa là ngân sách hoàn toàn bị cắt,
bệnh viện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Bác sỹ Hồ Hải Trường Giang cho rằng, Bệnh viện huyện Củ Chi rất cần thời
gian để các nhân viên, bác sỹ của bệnh viện có thể học hỏi được các kỹ
thuật chuyên sâu, phát triển đầy đủ các chuyên khoa nhằm thu hút bệnh
nhân.
Đồng thời, Bệnh viện huyện Củ Chi cũng cần có cơ chế đặc thù trong tuyển
dụng nhân sự cũng như từng bước tự chủ từng phần, cắt ngân sách dần dần
mới có thể đứng vững được khi buộc phải “tự bơi” trong cơ chế thị
trường.
Tương tự một số bệnh viện tuyến quận, huyện chưa có thương hiệu, chưa
thu hút được bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải tự chủ tài chính
như Bệnh viện huyện Cần Giờ, Bệnh viện huyện Nhà Bè, Bệnh viện quận 9…
Theo bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, với một số đơn vị
chưa đủ điều kiện hoặc chưa đủ năng lực, uy tín, thương hiệu, chưa thu
hút nhiều bệnh nhân sẽ khó khăn khi phải tự chủ tài chính hoàn toàn.
Bác sỹ Trần Văn Khanh cho rằng, khi ngân sách không cấp tiền nữa, những
cơ sở này vốn đã khó khăn lại càng chật vật hơn do thiếu nhân lực, cơ sở
vật chất, trang thiết bị..., do đó rất khó nâng cao chất lượng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành
phố Hồ Chí Minh thừa nhận, trong giai đoạn đầu các bệnh viện sẽ đối mặt
với nhiều khó khăn bởi từ trước đến nay, các bệnh viện này chủ yếu
“sống” bằng nguồn ngân sách. Đặc biệt, trước đây quỹ trả lương cho nhân
viên từ ngân sách nhưng khi đã tự chủ hoàn toàn, các bệnh viện buộc phải
tự tính toán toàn bộ thu-chi, do đó nhiều bệnh viện sẽ trở nên “chới
với.”
Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự cũng sẽ có sự xáo trộn nhất định khi áp dụng
cơ chế tự chủ tài chính khiến nhiều bệnh viện gặp khó khăn không nhỏ.
Đổi mới hướng đến hài lòng người bệnh
Là một trong 10 bệnh viện công lập được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh
lựa chọn thí điểm tự chủ tài chính nhóm 1, tức đảm bảo chi thường xuyên
và chi đầu tư từ giữa năm 2016, đến nay Bệnh viện quận 2 đã vươn lên là
một trong những bệnh viện tuyến quận thu hút bệnh nhân lớn của thành
phố.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Trần Văn Khanh, việc cân đối thu-chi là bài toán
khá khó. Vì vậy, bệnh viện sẽ tính toán mọi hoạt động hiệu quả, trước
tiên là phải tinh giản những khâu, những bộ phận không cần thiết.
Mặt khác, để thu hút bệnh nhân, Bệnh viện quận 2 đã đầu tư trang bị thêm
cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nhiều chuyên khoa, thực hiện
các kỹ thuật sâu. “Để hài lòng người bệnh, ngoài nâng cao công tác
chuyên môn thì dịch vụ cũng phải tốt như cải cách thủ tục hành chính,
thái độ giao tiếp của nhân viên y tế với bệnh nhân hòa nhã, niềm nở,
dành mọi điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân,” bác sỹ Trần Văn Khanh chia
sẻ.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng cho rằng,
các bệnh viện cần chuyển mình thay đổi từ nhận thức đến hành động. Khi
tự chủ tài chính, nguồn thu của các bệnh viện đều phải phụ thuộc vào số
lượng người bệnh.
Do đó, các lãnh đạo bệnh viện, nhân viên y tế phải thay đổi suy nghĩ,
coi người bệnh thật sự là khách hàng, bởi nếu bệnh viện phục vụ không
tốt, bệnh nhân không đến nữa. Làm sao để người bệnh hài lòng và sẽ quay
lại khi họ cần, là thách thức không nhỏ đối với các bệnh viện.
Do đó, để có thể đứng vững khi tự chủ, ông Tăng Chí Thượng cho rằng, các
bệnh viện phải phát triển bền vững trong thế “kiềng ba chân.”
Chân thứ nhất đóng vai trò quan trọng nhất là phát triển chuyên môn kỹ
thuật, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, bởi nếu chuyên môn
của bệnh viện yếu, khi người dân đến bệnh viện lại phải chuyển bệnh nhân
lên tuyến trên, bệnh nhân sẽ không tin tưởng. Chân thứ 2 là không ngừng
nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh mới tạo sự an
tâm cho người bệnh. Chân thứ 3 là luôn phải tuân thủ mọi quy định của
pháp luật.
“Không phải tự chủ tài chính, các bệnh viện muốn làm gì thì làm, Sở Y tế
sẽ giám sát một cách chặt chẽ các hoạt động của bệnh viện, trong đó bao
gồm cả các “chiêu thức” thu hút bệnh nhân, việc tuân thủ các phác đồ
điều trị, cạnh tranh với nhau, nhằm tránh những hiện tượng trục lợi quỹ
Bảo hiểm y tế, tận thu bệnh nhân bằng mọi cách,” ông Tăng Chí Thượng cho
hay./.
Tuấn Anh