Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 23/6/2010 14:38'(GMT+7)

Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị

Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, dành nhiều thời gian cho công tác giáo dục lý luận chính trị, nhằm nâng cao trình độ lý luận, nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Là người kiến tạo, đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng vững chắc cho công tác giáo dục lý luận chính trị và chính Người là giảng viên lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, Người đã trực tiếp xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và trực tiếp thực hiện bài giảng với những phương pháp mẫu mực đầy sáng tạo cả về phương pháp và phong cách. Tư tưởng chỉ đạo, phương thức thực hiện của Người đã trở thành những nguyên lý, phương châm, phương pháp, nguyên tắc của công tác giáo dục lý luận chính trị hiên nay

Ngay từ năm 1925, khi thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng - Người đã xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, trực tiếp lên lớp truyền đạt những vấn đề cơ bản về lý luận, tổ chức 10 lớp huấn luyện cho hơn 200 cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Những bài giảng của Người sau này được biên tập và in thành cuốn sách "Đường Kách Mệnh". "Đường Kách Mệnh" là tác phẩm lý luận chính trị, là cẩm nang, sách gối đầu giường của lớp cán bộ đầu tiên của Đảng. Những thanh niên yêu nước được Người đào tạo đã vượt qua muôn vàn thử thách, hy sinh, gian khổ, hoà mình vào phong trào cách mạng, vận động quần chúng đưa chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nướcViệt Nam để hình thành nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Với trách nhiệm được quốc tế Cộng sản giao trong việc chỉ đạo, xây dựng phong trào cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương, Người đã thường xuyên báo cáo tình hình, nêu rõ nguyên nhân của tình trạng yếu kém, hạn chế của phong trào và đề nghị Quốc tế Cộng sản giúp đỡ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cốt cán của Đảng. Trong Thư gửi Ban phương Đông, Người viết: Các đồng chí của chúng tôi rất dũng cảm và hăng hái. Các đồng chí ấy công tác rất tận tuỵ. Nhưng vì thiếu kiến thức lý luận, buộc các đồng chí phải mò mẫm từng bước, luôn luôn vấp váp vì thiếu thốn như vậy. Tất nhiên là các đồng chí sẽ được giáo dục rèn luyện trong đấu tranh và trong công tác thực tế hàng ngày. Nhưng có thể tránh được biết bao bế tắc, sai lầm và biết bao thất bại đau đớn, nếu chúng ta có thể cung cấp cho các đồng chí ấy những kiến thức tối cần thiết về lý luận soi đường, tạo điều kiện dễ dàng cho các đồng chí ấy tiến hành công tác…. Vì vậy, tôi thấy tuyệt đối cần thiết là chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng nhất ( về lý luận chính trị - tác giả) mà mỗi chiến sĩ đều phải có.( H.C.M toàn tập tập,t3,tr 83-87. NXBCTQG 2000)

Nhiều cán bộ của Đảng đã được Người tuyển chọn giới thiệu, cử đi học tập, bồi dưỡng lý luận, sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo trung kiên của Đảng, như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai…

Sau này, trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và của cách mạng Việt Nam, Người vẫn thường xuyên có những bài viết, bài nói, chỉ dẫn công tác giáo dục lý luận chính trị. Vào cuối những năm 1960, bệnh tật, sức khoẻ không cho phép Người làm việc nhiều, nhưng Người đã chỉ thị cho lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương phối hợp với Thành uỷ Hà Nội, mở những lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới kết nạp thuộc khối công nghiệp và nông nghiệp vào ngày 14 tháng 5 năm 1966 để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng trong cả nước, Người đã trực tiêp đến giảng bài cho lớp học.

Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị,

Tìm hiểu tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị là vấn đề lớn, song bước đầu nghiên cứu các bài nói, bài viết của Người có thể rút ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của lý luận, từ đó Người yêu cầu đảng viên và cán bộ phải thường xuyên học tập lý luận chính trị để nâng cao nhận thức giác ngộ cách mạng. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, ngay từ bài học đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “ Trước hết phải có Đảng cách mệnh…” Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo Chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tầu không có bàn chỉ nam” (1). Bằng trải nghiệm qua thực tế hoạt động cách mạng Người tiếp tục khẳng định một cách đầy đủ hơn, rõ ràng hơn: “ Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chắc chắn nhất, cách mạng nhất là Chủ nghĩa Lê nin” (2). Sau này Người quan niệm đầy đủ hơn, đó là Chủ nghĩa Mác – Lênin.

Theo Hồ Chí Minh: Lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người, là sự tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử. Lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước, là cẩm nang thần kỳ, là mặt trời soi sáng đường chúng ta đi

"Đối với công việc kháng chiến kiến quốc, lý luận là rất quan trọng không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”. Từ đó, Hồ Chí Minh cho rằng: Phải tổ chức giáo dục lý luận cho đảng viên, cán bộ để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người cho rằng: Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng, học tập là trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên. Bởi vì theo Người: Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học là để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng. có học lý luận Mác - Lê-nin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị mới làm được tốt công tác Đảng giao phó.

Thứ hai: Về mục đích của việc học tập lý luận chính trị Người cho rằng:

a. Học để sửa chữa tư tưởng: Hăng hái theo cách mạng, điều đó rất hay nhưng tư tưởng chưa thật đúng là tư tưởng cách mạng, vì thế cần phải học tập để sửa chữa cho đúng. Tư tưởng đúng, mới khỏi sai lạc và làm tròn nhiệm vụ cách mạng được.

b. Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tuỵ với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng, đưa cách mạng thắng lợi hoàn toàn.

c.Học để tin tưởng:Tin tưởng vào đoàn thể. Tin tưởng vào nhân dân

Tin tưởng vào tương lai của dân tộc

Tin tương vào tương lai cách mạng.

Có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc,hăng hái lúc gặp khó khăn mới cương quyết hi sinh.

d. Học để hành: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”1.

Học để làm việc, làm người làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.

Thứ ba: Về phương châm, giáo dục và học tập lý luận chính trị .

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Lý luận phải liên hệ với thực tế, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn trở thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông.

Thứ tư: Về phương pháp hoc tập và nghiên cứu.

Người cho rằng: Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi "vì sao?", đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn…. Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân.

Thứ năm: Về phương thức giáo dục, huấn luyện đảng viên, cán bộ .

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Huấn luyện là phải thiết thực chu đáo, chớ tham nhiều. Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu vấn đề. Phải khắc phục sửa chữa ngay việc giáo dục lý luận chính trị và huấn luyện hiện nay là tham làm nhiều mà không chu đáo. "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa" , rõ nhất là lớp quá đông, mở quá nhiều lớp. Theo Hồ Chí Minh: Đông quá thì dạy và học ít kết quả. Do đó Người yêu cầu phải hợp lý hoá, nghĩa là mở lớp nào cho ra lớp ấy, lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận đừng mở rộng lung tung...

Ngoài ra Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến các vấn đề khác trong quá trình dạy và học lý luận chính trị như tư liệu học tập, cách thức tổ chức học tập, phương thức dạy và học lý luận chính trị. Cuối cùng Người yêu cầu đảng viên, cán bộ đi học lý luận chính trị cần có thái độ nghiêm túc và phương pháp học tập sáng tạo chủ động tìm tòi suy nghĩ, có như vậy việc học mới có kết quả cao. Nghiên cứu kỹ các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập lý luận chính tri, cũng như học chủ nghĩa Mác-Lê nin, Người nêu ra ba vấn đề đòi hỏi người học cần vững và thực hiên. Đó là, hoc tập để nắm vững lập trường của gia cấp công nhân, quan điểm cách mạng triệt để và phương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác-Lê nin, có như vậy việc học tập mới có kết quả. Người cho rằng: Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch. Từ đó, Nguwoif cho rằng: Không phải học để thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc…Chúng ta phải học chủ nghĩa Mác - Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta.

Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta….

Thực hiện và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo công tác này, có nhiều tìm tòi, đổi mới, cải tiến nội dung hình thức phương pháp cả giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên. Vì vậy, công tác giáo dục lý luận trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, thực hiện đường lối đổi mới với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vũ Thùy Linh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất