Thứ Sáu, 27/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 4/3/2015 21:29'(GMT+7)

Tưng bừng lễ hội đầu Xuân Ất Mùi

Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức Vua Mai Hắc Đế cùng các tướng lĩnh của ông và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc xây dựng nước Vạn An độc lập. Qua tổ chức lễ hội, huyện Nam Đàn muốn quảng bá, giới thiệu cụm di tích Vua Mai để thu hút du khách, các nhà đầu tư, khách thập phương đến tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hóa thông qua các di tích Đền, Lăng Miếu Vua Mai nhằm phát huy văn hóa truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, từ đó phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Cùng với lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ rước, lễ đại tế lễ tạ thì nét mới trong Lễ hội Đền Vua Mai năm 2015 là huyện Nam Đàn đã phục dựng lại lễ rước nước. 

Phần hội gồm nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: Đua thuyền, đấu vật, cờ thẻ, chọi gà thi đấu bóng chuyền, bóng đá... Ngoài ra, nhân dân các địa phương của huyện Nam Đàn tổ chức hội thi làm “Cỗ xôi gà tươm tất để dâng lên Vua Mai và các nghĩa quân, tổ chức cắm trại tại khu lăng Vua Mai, tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng với chủ đề ca ngợi công đức Vua Mai, ca ngợi quê hương đất nước. Đặc biệt là công diễn vở cải lương “Mai Hắc Đế” của Nhà hát cải lương Việt Nam biểu diễn.

Lễ hội Đền Vua Mai sẽ kết thúc vào chiều 5/3 (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch). 

* Ngày 4/3 (tức ngày 14 tháng Giêng), tại xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đã diễn ra Lễ khai mạc hội xuân Chùa Hang. Đây là một trong những di tích gắn với sự kiện lịch sử cách mạng, là nơi Bác Hồ ở và làm việc trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947 – 1954). 

Mở đầu chương trình là nghi lễ dâng hương, hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và lễ rước kiệu từ Chùa Hang ra Đình Quan. Trong mâm lễ, người dân địa phương đã dâng lên các vị thần sông, thần đất, thần suối những sản vật ngon nhất trong vùng với mong muốn tạ ơn trời đất, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no, hạnh phúc, cây cối tốt tươi, đâm chồi nảy lộc... Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Tung còn, bắt chạch trong chum, đi thăng bằng, bịt mắt bắt dê, cờ tướng... Ngoài ra, đến với lễ hội Chùa Hang, du khách còn được tham gia leo núi, khám phá hang và chiêm ngưỡng nhiều thắng cảnh đẹp trong quần thể di tích của Chùa Hang gồm: Hang Trên, miếu Mẫu, nhà Tam Quan, Hang Dưới... Trong hang có nhiều nhũ đá với hình dáng đa dạng, bên trong có nhiều điểm nước chảy lâu ngày tạo nên những "ruộng cô tiên", có bàn thờ Phật, một tấm bia cổ thời Nguyễn và một quả chuông cổ. 

Lễ hội Chùa Hang được tổ chức đến ngày 6/3, tức ngày 16 tháng Giêng năm Ất Mùi.

* Trong các ngày từ 2 đến 4/3, tại khu vực đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam tổ chức Giải vật Mùa xuân thượng võ năm 2015. 

Giải vật Mùa xuân thượng võ là giải thể thao truyền thống của tỉnh được tổ chức hàng năm mỗi dịp xuân về, là nét đẹp văn hóa của quê hương Hà Nam, qua đó nhằm khơi dậy tinh thần thượng võ, phát triển các môn thể thao dân tộc truyền thống và phát hiện những tài năng trẻ bổ sung cho đội tuyển vật của tỉnh. 

Giải năm nay được tổ chức gồm hai nội dung thi đấu là vật dân tộc và vật tự do với trên 100 đô vật của 6 huyện, thành phố tham gia. Đây là năm thứ hai có nội dung vật nữ và vật lão đô vào tranh giải, cũng là năm đầu tiên có vật tự do nữ trẻ ở hạng cân dưới 58 kg. Ở môn vật tự do nam bên cạnh việc thi đấu theo hạng cân còn kèm theo quy định về lứa tuổi. Các đô vật đã thi đấu hết mình, trong đó các đô vật của huyện Thanh Liêm đến từ Liễu Đôi (xã Liêm Túc), các đô vật của huyện Lý nhân đến từ lò vật Phúc Châu (xã Hợp Lý) và các đô vật đến từ xã Vũ Bản (huyện Bình Lục) đã có những màn xe đài và các thế võ đẹp mắt. Xen kẽ giữa các nội dung thi đấu có các màn biểu diễn múa lân, võ Vovinam và múa cờ trận tạo được nhiều ấn tượng, hấp dẫn khán giả. 

Với hình thức và nội dung thi đấu đổi mới, giải vật “Mùa xuân thượng võ” năm 2015 đã thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ. Kết thúc giải, đã có 22 bộ huy chương được trao cho các đô vật có thành tích xuất sắc.

* Theo Ban trị sự Thất phủ cổ miếu (hay còn gọi chùa Ông), xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong các ngày diễn ra Lễ hội chùa Ông, người dân đi lễ chùa đã ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Đồng Nai gần 38 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được Ban tổ chức lễ hội trao cho các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai.

Đây là lần đầu tiên, Ban trị sự chùa Ông phát động phong trào đóng góp giúp đỡ người nghèo trong khuôn khổ lễ hội. Việc đóng góp của khách thập phương diễn ra hoàn toàn tự nguyện. Số tiền thu được tuy không nhiều nhưng thể hiện ý thức tự giác và tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam.

Lễ hội chùa Ông năm 2015 diễn ra từ ngày 1 - 3/3 với nhiều hoạt động phong phú như: lễ nghinh thần, dâng hương lên các vị thần linh cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; lễ thả đèn hoa đăng trên sông Đồng Nai; biểu diễn lân - sư - rồng… Trong 3 ngày diễn ra, lễ hội đã thu hút khoảng 60.000 lượt khách. Công tác an ninh trật tự được đảm bảo, các mặt hàng được bán đúng giá quy định.

Chùa Ông được xây dựng vào năm 1684. Năm 2001, chùa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Chùa Ông là cơ sở văn hóa đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở Nam bộ - đánh dấu quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khai hoang, lập nghiệp và bảo vệ vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng như sự giao lưu văn hóa trong hơn 300 năm qua./.

TG tổng hợp

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất