Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 1/2/2012 20:57'(GMT+7)

Tưng bừng lễ hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Lễ khai mạc diễn ra trong không khí sôi nổi, ấm tình hữu nghị với các tiết mục văn nghệ đặc sắc của Đoàn nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Đoàn nghệ thuật thị trấn Bằng Tường (Quảng Tây-Trung Quốc), góp phần ca ngợi truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hoá của nhân dân hai nước. Qua đó, Lạng Sơn muốn giới thiệu cho khách thập phương, bạn bè trong và ngoài nước về một vùng đất giàu truyền thống cách mạng; nhiều di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh và các lễ hội dân tộc. Đây cũng là dịp tỉnh Lạng Sơn thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch bằng nhiều hình thức để tăng cường giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, phát triển ngành thương mại, du lịch và cơ hội đầu tư vào Lạng Sơn.

Từ nay đến hết tháng Hai, nhiều địa phương trong tỉnh sẽ tổ chức nhiều lễ hội độc đáo như: Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), Lễ hội Đầu Pháo (thành phố Lạng Sơn), Lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng)...

* Ngày 1/2 ,tại bản Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng) thu hút hàng nghìn du khách thập phương từ các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn... tham gia.

Sau màn trống hội tưng bừng và rộn rã, phần lễ quan trọng nhất trong mỗi lễ hội Lồng Tồng được bắt đầu trang trọng với những nghi lễ truyền thống có từ lâu đời như: Lễ cầu mùa, cầu phúc của các dân tộc Tày, Dao, Sán Chay để cầu các thần ban cho nhân dân trong vùng một năm mới mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, bản làng yên vui, no ấm... Kết thúc phần lễ là phần hội được diễn ra tưng bừng và sôi nổi với nhiều cuộc thi như: thi giã bánh giày, thi đấu thể thao, thi hát dân ca các dân tộc, thi trang phục dân tộc truyền thống. Ngoài ra, khi đến lễ hội nhân dân và du khách còn được tham gia hoà mình vào các các trò hội dân gian như: hội múa lân, hội tung còn, cờ tướng, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ, đi cầu thăng bằng, được thưởng thức những điệu then, điệu ví, màn múa rối Tày Thẩm Rộc đặc sắc của các nghệ nhân múa rối xóm Thẩm Rộc, xã Bình Yên.

Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch huyện Định Hóa - Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: hội Lồng Tồng không chỉ là hoạt động văn hoá tinh thần của nhân dân địa phương mà còn mở rộng giao lưu với các địa phương bạn. Qua đó, khơi dậy bản sắc văn hoá dân gian của đồng bào dân tộc Tày, cũng là dịp để du khách hiểu thêm về ATK Định Hoá - "Ðại bản doanh" cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội còn mang ý nghĩa quảng bá, giới thiệu, đánh thức tiềm năng du lịch lịch sử - sinh thái, một thế mạnh của Ðịnh Hóa nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.

* Ngày 1/2, tại cánh đồng xã Nam Mẫu tưng bừng không khí ngày hội Lồng tồng. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Ba Bể (Bắc Kạn) cầu mong quanh năm mưa thuận gió hoà, phong đăng hoá cốc, mùa màng tươi tốt... Lễ hội năm nay được tổ chức trong tiết trời se lạnh, không mưa nên thu hút hàng ngàn người từ các huyện, thị trong và ngoài tỉnh đến dự.

Phần lễ được tổ chức long trọng với màn múa lân, rước cỗ, thắp hương, khấn lễ, đánh trống khai hội và hạ cỗ. Phần hội được tổ chức linh đình với màn múa hát chào mừng, tung còn khai hội, thi đấu thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, bịt mắt đánh trống, ném còn, bắn cung, thi đấu bóng chuyền giữa các xã, thi văn nghệ với nhiều tiết mục đặc biệt của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày Nùng, Sán Chỉ, Hoa, Kinh... Ngoài ra còn có các trò chơi như chọi bò, đua thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể.

Hội xuân Ba Bể sẽ kết thúc vào tối mồng 11 Tết với những chương trình văn nghệ, múa hát tập thể giữa thanh niên các dân tộc quanh những đống lửa trại bập bùng với hy vọng mùa màng bội thu, đất trời yên ả, mưa thuận gió hoà…/.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất