Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 diễn ra sáng 1/6, nhiều đại biểu
đã nêu một số nội dung trọng tâm trong quá trình phục hồi, phát triển
kinh tế hậu đại dịch.
NHIỀU BẤT CẬP TRONG PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội
những tháng đầu năm 2022, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đã nêu thực
trạng vấn đề chậm giải ngân trong thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh
tế-xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết số 43 của Quốc
hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát
triển kinh tế - xã hội có quy mô gần 350.000 tỷ đồng. Theo đó, Quốc hội
đã thảo luận và khẩn trương thông qua Nghị quyết này nhưng đến nay vẫn
chưa qua được vòng thủ tục, triển khai rất chậm.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch, đại
biểu cho biết, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ số vốn
đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng,
trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa
được phân bổ, giải ngân trong năm 2021; trong khi đó, đồng bào các dân
tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn rất trông mong
vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85%; nhiều
bộ, ngành đạt dưới 20%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được
khắc phục. Việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước dẫn đến phát sinh
phí quản lý, từ đó, phát sinh khoản chi ngân sách nhà nước không cần
thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đầu tư chủ yếu là
tiền đi vay phải chịu lãi suất, phí quản lý; do đó, vấn đề giải ngân
chậm tiến độ sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư và sử
dụng vốn.
"Do đó, việc tăng cường kiểm soát, chỉ ra được tổ chức, cá nhân có
trách nhiệm trong triển khai chậm trễ này là việc làm cần thiết để các
quyết sách nhà nước được thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ
rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân", đại biểu Tạ Thị Yên đánh
giá.
Cũng theo đại biểu, có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực
bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm
trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của
pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin. Khi các cá
nhân này lâm vào vòng lao lý thì lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý
nhà nước chuyên ngành các lĩnh vực đó.
"Cử tri rất thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào
vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng như vậy,
trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường",
đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Một vấn đề nữa được đại biểu nêu, là một quốc gia có gần 100 triệu
dân nhưng các vấn đề về giao thông được giải quyết quá chậm, nhất là
những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như
đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô- metro, các tuyến đường vành đai ở
các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các
tuyến đường cao tốc trục ngang liên vùng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu
Long, trung du miền núi phía Bắc.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu cho rằng, đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn
dài hạn, nếu không bắt tay vào ngay thì không biết đến bao giờ mới có
được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển.
"Tôi nghĩ chúng ta phải rất khẩn trương nghiên cứu, khảo sát, đánh
giá thiết kế, dự kiến cân đối các nguồn lực nhà nước trong trung, dài
hạn và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia",
đại biểu nêu ý kiến.
Chia sẻ quan điểm về những bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội,
đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, còn một số hạn chế yếu
kém, chậm trễ trong xây dựng, phê duyệt các quy hoạch và chưa kịp thời
điều chỉnh, tháo gỡ những bất cập, chồng chéo trong một số lĩnh vực,
nhất là đất đai, xây dựng...
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung còn chậm so với
yêu cầu mục tiêu đã đề ra. Chính sách tài khóa, tiền tệ phục hồi, phát
triển kinh tế - xã hội đi vào thực tiễn sản xuất và đời sống vẫn còn bộc
lộ một số khiếm khuyết; tính kịp thời, thủ tục giải quyết và tính đồng
bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trên phạm vi cả nước vẫn xuất
hiện nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp, người lao động, người dân chịu
ảnh hưởng của dịch bệnh chậm được thụ hưởng...
Cũng theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, các yếu tố đầu vào của sản xuất, đầu ra
của nhiều loại sản phẩm hàng hóa vẫn còn phụ thuộc lớn vào một thị
trường. Tình trạng này Quốc hội đã nhiều lần đề cập, tuy nhiên, đến nay
việc khắc phục vẫn còn chậm.
Do đó, từ đầu năm đến nay nguồn cung các yếu tố đầu vào của sản xuất
liên tục bị đứt gãy, giá cả tăng cao. Sản phẩm hàng hóa, nhất là nông
sản bị ế đọng nhiều, có lúc hàng ngàn xe nông sản bị ách tắc tại các cửa
khẩu gây ra nhiều khó khăn, mất mát trong sản xuất và lưu thông.
Đại biểu cho rằng, không thể kêu gọi giải cứu hàng hóa mãi mà phải có
giải pháp từ việc quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp
ứng yêu cầu của thị trường thế giới đến việc dự báo thị trường, đẩy
mạnh tiêu thụ nội địa. Nông nghiệp vẫn thể hiện rõ tình trạng sản xuất
manh mún, nông hộ truyền thống, tự phát, xuất khẩu nông sản tiểu
ngạch...
Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhức nhối, gây
ảnh hưởng lớn đến phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội như nạn buôn lậu
xăng dầu, hàng giả, hàng lậu; thao túng thị trường trái phiếu chứng
khoán; thao túng thị trường bất động sản thông qua đấu giá, nâng giá;
thao túng thị trường vật tư y tế, thuốc chữa bệnh và xây dựng các cơ sở
khám chữa bệnh, lợi dụng truyền thông, mạng xã hội để tuyên truyền,
xuyên tạc, gây tâm lý hoang mang, nhiễu loạn thị trường.
Đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách
nhiệm bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu; điều
chỉnh bổ sung chính sách hợp lý, khuyến khích đổi mới kỹ thuật, công
nghệ, phát triển doanh nghiệp, cơ sở kinh tế dựa trên thành tựu mới về
kỹ thuật, công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị
trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước;
tiếp tục có những biện pháp luật tổ chức hành chính, kinh tế đủ mạnh
nhằm ngăn chặn đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực, làm lành
mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp cả ở khu vực
công và khu vực tư.
LÀNH MẠNH HÓA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN, TRÁI PHIẾU, TIỀN TỆ
Nêu ý kiến đối với tình hình thị trường chứng khoán, đại biểu Lý Tiết
Hạnh (Bình Định) cho rằng, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán và
một số giao dịch trong thị trường này cùng việc phát hành trái phiếu
doanh nghiệp có những biểu hiện không lành mạnh. Cá biệt đã có những cá
nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi thao túng, che giấu thông tin,
trục lợi, gây bất ổn cho thị trường chứng khoán, làm thiệt hại đến những
người tham gia đầu tư, phần nào đó, ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an
toàn của nền tài chính đất nước.
Đại biểu ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành liên quan,
đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, trong thời gian qua đã
triển khai rất nhiều biện pháp làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán
và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Các cơ quan hữu quan đã có phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi thao
túng và trục lợi thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu. Tuy
nhiên, đại biểu Hạnh cho rằng, đây là một vấn đề mới, sức ảnh hưởng lan
tỏa rất rộng, cần tiếp tục giải quyết tình hình trên một cách triệt để.
Đại biểu cho rằng, các bộ, ngành cần rà soát các quy định pháp luật
về chứng khoán và việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, cần
quản lý chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông
qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định liên quan.
Đồng thời, phải có giải pháp phát triển cân đối, lành mạnh hóa thị
trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán để vừa tạo điều
kiện phát triển thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp huy động vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp,
góp phần phát triển kinh tế-xã hội, vừa đảm bảo chặt chẽ, nhất là đảm
bảo quyền lợi của những người tham gia thị trường chứng khoán và hạn chế
tối đa những hành vi trục lợi như thời gian qua.
Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các hoạt động
giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về thị trường chứng
khoán, thị trường tiền tệ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành
vi vi phạm trên các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh
nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin đến người
dân, định hướng cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho người dân
trên lĩnh vực này, tránh việc người dân, nhà đầu tư tham gia trong lĩnh
vực mới mẻ này mà không có thông tin được định hướng và tham gia theo
hội chứng đám đông bị lợi dụng./.
Thu Phương-Phan Phương (TTXVN)