Thứ Bảy, 28/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 28/3/2012 21:40'(GMT+7)

Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Đại biểu Đoàn Thanh niên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại Hội thảo.

Đại biểu Đoàn Thanh niên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 28/3/2012, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức Hội thảo với chủ đề "Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992".

Tham dự Hội thảo có các đại diện Thường trực Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng, Uỷ ban Thường vụ, Uỷ ban Pháp luật Quốc hội cùng các đồng chí Bí thư, Phó bí thư các cơ sở đoàn trực thuộc.

Hội thảo là một trong những diễn đàn quan trọng để tuổi trẻ trong Khối thể hiện, bày tỏ trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với đất nước; góp phần vào thực hiện có hiệu quả, chất lượng Nghị quyết 06/2011/QH13 ngày 6/8/2011 của Quốc hội khoá XIII về việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Hội thảo diễn ra tại trụ sở Văn phòng Quốc hội.


Ngay sau khi giành được độc lập, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ xây dựng tổ chức Nhà nước, tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội để ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp. Trải qua hơn 60 năm lịch sử lập hiến, đất nước ta đã 8 lần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Hoạt động lập hiến không chỉ dừng lại ở thẩm quyền hiến định của Quốc hội mà đã trở thành sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của đất nước, là sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng của toàn dân. Mỗi sự thay đổi, bổ sung của Hiến pháp đều mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự "chuyển mình" của cả dân tộc để bước sang một giai đoạn phát triển mới ở một tầm cao hơn.

Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu Đổi mới. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển KT-XH 2011 - 2020, Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trên cơ sở tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận 25 năm đổi mới, đã xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, mục đích của việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 là nhằm tổng kết sâu sắc, toàn diện cả lý luận và thực tiễn nội dung Hiến pháp; việc thi hành Hiến pháp 1992 trên cơ sở đánh giá khách quan, đúng đắn về vai trò, sứ mệnh của Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị, pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ; quá trình cụ thể hoá các quan điểm, nội dung của Hiến pháp năm 1992 gắn với những thành tựu đạt được sau 25 năm đổi mới đất nước; những mặt được, hạn chế và nguyên nhân từ đó làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đạo luật tối thượng này.

Đại biểu tham dự Hội thảo


Các ý kiến tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 tại Hội thảo đã tập trung vào những nội dung chính, định hướng lớn mà Uỷ ban sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 của Quốc hội đã gợi ý, đó là: 1 - Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước; 2 - Thể hiện sâu sắc thêm tư tưởng chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp; 3 - Tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; 4 - Phát huy tối đa nhân tố con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; 5 - Tăng cường đồng thuận xã hội, phòng ngừa xung đột xã hội; 6 - Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; 7 - Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; 8 - Bảo đảm hội nhập quốc tế đầy đủ và vững chắc; 9 - Bảo đảm tính ổn định của Hiến pháp.

Hơn 20 tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã thể hiện được tinh thần đổi mới, dân chủ và sáng tạo, trong đó có những vấn đề được Chủ toạ cũng như các chuyên gia tham gia Hội thảo quan tâm và thảo luận sâu sắc, như: Quan điểm và những nội dung lớn cần sửa đổi trong Hiến pháp năm 1992; Chế định quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992; Các cấp Công đoàn với việc tham gia sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Những hạn chế, bất cập và một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 liên quan đến tổ chức và hoạt động của Toà án; Một số kiến nghị sửa đổi quy định về phương thức tổ chức quyền lực nhân dân trong Hiến pháp năm 1992; Về việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn, tham gia điều ước quốc tế của Chủ tịch nước quy định trong Hiến pháp 1992; Một số vấn đề xung quanh việc sửa đổi bổ sung chế định Viện Kiểm sát trong Hiến pháp năm 1992...

Những tham luận, ý kiến góp ý của cán bộ, đoàn viên Khối các cơ quan Trung ương tại Hội thảo, sau khi tham khảo ý kiến đánh giá của các nhà khoa học và chuyên gia, sẽ được Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổng hợp và gửi tới Ủy ban sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội./.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất