Đội quân chiến đấu và đội quân chiến thắng!
"Điện Biên Phủ trên không".

Bị thất bại nặng nề, không đạt dược mưu đồ gây sức ép với ta, lại bị cả loài người tiến bộ lên án mạnh mẽ, 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Tổng thống Nixon buộc phải ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và ngày 15/1/1973 phải tuyên bố chấm dứt toàn bộ việc ném bom, bắn phá, thả mìn miền Bắc Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời, lở đất, đánh đổ toàn bộ chế độ quân chủ tay sai của phát xít Nhật - Pháp. Chế độ mới không tiếp quản được gì từ lực lượng vũ trang của chế độ cũ đã bị đánh đổ và giải tán. Nhân dân Việt Nam muốn hoà bình, độc lập, để xây dựng chế độ xã hội mới, xây dựng nền dân chủ, cộng hoà nhưng càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Những ngày hoà bình không được dài, ngày 23/9/1945, núp bóng quân Anh, thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Nam Bộ và sau đó mở rộng đánh chiếm Nam Trung Bộ.

Không cam tâm làm nô lệ, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân đội nhân dân Việt Nam phải đương đầu với đội quân nhà nghề, rất thiện chiến, được trang bị hiện đại, được huấn luyện, chỉ huy, tác chiến bài bản với đầy đủ các quân binh chủng ở tầm cao nhất của thế giới. Để chống lại đội quân xâm lược hiện đại, hơn hẳn chúng ta một phương thức sản xuất, các lực lượng vũ trang Việt Nam chỉ là những đơn vị bộ binh mới được thành lập, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, lại nhỏ bé và trang bị thô sơ, nên không có cách nào khác, chúng ta vừa phải chiến đấu, vừa tổ chức xây dựng lực lượng để từng bước tiến lên đánh thắng địch.

Với tầm nhìn xa trông rộng và sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh đã từng bước xây dựng các đơn vị kỹ thuật ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn trăm bề thiếu thốn. Bộ đội phòng không - không quân cũng đã được ra đời từ những năm tháng kháng chiến gian lao đó.

1. Với bộ đội không quân

Vốn liếng ban đầu của Không quân nhân dân Việt Nam là hai chiếc máy bay của vua Bảo Đại: chiếc Tiger Moth hai tầng cánh, hai chỗ ngồi, thân bọc vải, một động cơ do hãng Havilland chế tạo; chiếc thứ hai là Morane Saunier thân kim loại, một động cơ, một tầng cánh, hai chỗ ngồi do Pháp chế tạo, được chuyển từ Huế ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội được chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Với hai chiếc máy bay này, ngay sau khi thành lập nước, ta đã có ý định thành lập Câu lạc bộ hàng không để tiếp cận dần với ngành hàng không rất có lợi cho quốc phòng sau này.

Đầu năm 1949, Bí thư Tổng Quân ủy - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Cục trưởng Cục Quân huấn Phan Phác báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý định thành lập một cơ sở ban đầu của không quân mang tên Đội huấn luyện không quân. Sau khi nghe báo cáo, Người chỉ thị: “Ta đã làm gì thì phải làm cho được, phải kiểm tra cơ sở thực tế xem có thực hiện được không? Còn hướng đi về mặt chiến lược để đón trước thời cơ thế là được”. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: “Không nên gọi Đội huấn luyện mà gọi là Ban Nghiên cứu thôi. Ban Nghiên cứu có lớp học để vừa nghiên cứu, vừa thực hành" (1).

Từ chỉ thị của Người, ngày 9/3/1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Ban Nghiên cứu không quân với nhiệm vụ: Xây dựng cơ sở ban đầu cho Không quân nhân dân Việt Nam; Tìm hiểu về tính năng kỹ thuật của không quân Pháp, nghiên cứu, đề xuất cách đề phòng và chống lại không quân địch; Từng bước huấn luyện đội ngũ cán bộ và nhân viên kỹ thuật, chuẩn bị điều kiện để mở rộng hoạt động khi có thời cơ. Ban này ban đầu có các bộ phận sau đây: Ban Chỉ huy; Tiểu ban chính trị; Tiểu ban hành chính - hậu cần; Tiểu ban nghiên cứu phòng không; Tiểu ban khí tượng; Tiểu ban huấn luyện và nhà trường; Xưởng cơ khí; Tổ bảo dưỡng máy bay; Đội vệ binh.

Người phụ trách đầu tiên của Ban Nghiên cứu không quân - Trưởng ban là đồng chí Hà Đổng - thư ký riêng của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Để giữ bí mật, Ban Nghiên cứu không quân được đặt tên là Nông trường thí nghiệm. Chỉ một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Ban đã tổ chức được hai khóa học: Khóa I có 28 học viên, học hoa tiêu, thời gian học trong 4 tháng. Khóa II có 87 học viên, chia làm ba lớp: Lớp hoa tiêu, lớp khí tượng và lớp thợ máy cùng học trong 6 tháng. Học viên là những người có trình độ cao, thậm chí là cán bộ cấp tiểu đoàn và đại đội lúc đó. Giáo viên gồm cả người Việt, người Nhật, người Đức, người Áo là những tù hàng binh trong quân đội viễn chinh Pháp đã tự nguyện phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc ta. Trong đó, đặc biệt quan trọng là đồng chí Đức Việt, người Đức, vốn là phi công lái máy bay liên lạc của Đức. Hơn sáu tháng sau khi Đại tướng - Tổng Tư lệnh ký quyết định thành lập Ban Nghiên cứu không quân đi vào hoạt động, ngày 14/9/1949, lần đầu tiên chiếc máy bay mang cờ đỏ sao vàng đã bay trên bầu trời Thủ đô kháng chiến - Quân chủng Không quân non trẻ đã ra đời giản dị như thế.

Ngày 1/10/1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Năm 1950, chiến dịch Biên giới thắng lợi. Sau những năm chiến đấu trong vòng vây theo tinh thần tự lực cánh sinh, từ đây cuộc kháng chiến của dân tộc ta nhận được sự chi viện của bạn bè quốc tế, đặc biệt là của Liên Xô, Trung Quốc qua biên giới Việt - Trung. Trước sự phát triển thuận lợi của cuộc kháng chiến, để xây dựng lực lượng không quân sau này, năm 1951, Ban Nghiên cứu không quân ta tạm ngừng hoạt động, và tiến hành chọn lựa một số cán bộ có khả năng ra nước ngoài học tập. Số cán bộ của Ban Nghiên cứu không quân đại bộ phận được điều động về các đơn vị chiến đấu. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, số cán bộ của Ban Nghiên cứu không quân trước đây lại được triệu tập về đơn vị mới, với tên gọi Ban Nghiên cứu sân bay thành lập ngày 3/3/1955 (làm nhiệm vụ tiếp quản các sân bay và các cơ sở của không quân Pháp để lại). Ban Nghiên cứu không quân ra đời ngày 9/3/1949 và Ban Nghiên cứu sân bay được thành lập ngày 3/3/1955 là những đơn vị tiền thân của Không quân nhân dân Việt Nam.

Sau ngày hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước đã cử nhiều cán bộ, chiến sĩ sang Liên Xô học tập để ra đời lực lượng không quân tiêm kích. Từ một trung đoàn Mic 17 đầu tiên do Liên Xô giúp đỡ, ta đã phát triển lên thành sư đoàn rồi thành Quân chủng Không quân với những đơn vị Mic 19, Mic 21 hiện đại hơn rất nhiều vào lúc cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ. Đây là lực lượng chủ công, cùng với các đơn vị của Quân chủng Phòng không hợp thành lực lượng chuyên trách bảo vệ bầu trời miền Bắc chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

2. Đối với bộ đội phòng không

Ngay từ đầu bộ đội phòng không và bộ đội không quân đã như một cặp song sinh.

Ban Nghiên cứu không quân ra đời có nhiệm vụ nghiên cứu bắn máy bay địch bằng súng bộ binh. Từ tổ chức thực nghiệm bắn máy bay bằng súng trung liên có thước ngắm tự chế tạo, đơn vị đã tập huấn cho một số đơn vị bắn máy bay bằng súng bộ binh. Sau khi Ban Nghiên cứu không quân giải thể, một bộ phận cán bộ của đơn vị đã được điều động về xây dựng lực lượng bộ đội phòng không.

Tháng 6/1951, sau khi giải phóng biên giới, 20 cán bộ của Ban Nghiên cứu không quân đã nhận lệnh lên biên giới tiếp nhận pháo cao xạ phòng không 37 mm do Trung Quốc viện trợ, thành lập đơn vị pháo phòng không đầu tiên - Đại đội 612. Lực lượng bộ đội phòng không đã ra đời như thế, và ngay từ khi mới ra đời, bộ đội phòng không đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt. Mỗi bước trưởng thành của bộ đội phòng không đều nhận được sự cổ vũ, động viên và sự chăm sóc của lãnh tụ.

Tháng 2/1952, Đại đội 612 pháo cao xạ làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Thủy Khẩu ở Cao Bằng. Buổi trưa, khi một máy bay Hencát xâm phạm bầu trời do đơn vị bảo vệ, đơn vị nổ súng nhưng không trúng. Ngay chiều hôm đó, trên đường công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm đơn vị. Biết đơn vị ra quân nhưng chưa đánh thắng, Người vừa căn dặn, vừa khích lệ: “Các chú phải cố gắng học tập để bắn giỏi hơn nữa… Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân, yên tâm công tác, ra sức học tập và bắn rơi máy bay địch" (2).

Sau khi tặng quà đơn vị, Người nói: “Của bụt ăn một đền mười”. “Các chú nhận quà của Bác thì phải cố gắng thực hiện những lời Bác dặn: Khi nào bắn rơi máy bay địch, báo cáo ngay với Bác. Bác sẽ đề nghị Chính phủ khen thưởng" (3). Và chỉ hơn một tháng sau, đầu tháng 3/1952, đơn vị đã bắn rơi một máy bay Hencát của đế quốc Pháp. Đây có lẽ là chiến công đầu tiên của bộ đội cao xạ phòng không. Từ lực lượng nhỏ bé ban đầu, ngày 1/4/1953, do yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến, trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên mang phiên hiệu 367 được thành lập. Khi đơn vị còn đang làm nhiệm vụ huấn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời hỏi thăm đến đơn vị và căn dặn cán bộ, chiến sĩ: Học thật giỏi, mau chóng nắm vững vũ khí, khí tài mới để sớm ra quân chiến đấu.

Từ chiến công đầu tiên, với đại đội pháo cao xạ đầu tiên, đến cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội phòng không đã có bước tiến vượt bậc, phát triển nhanh chóng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Sau chuyến thăm bí mật Trung Quốc và Liên Xô đầu năm 1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai nước bạn đã viện trợ cho quân đội ta đủ sức xây dựng 5 đại đoàn chủ lực, trong đó có các binh chủng kỹ thuật. Trung Quốc còn cử chuyên gia sang giúp đỡ ta huấn luyện bộ đội - những đơn vị kỹ thuật - và làm cố vấn ở cấp đại đoàn.

Với sự giúp đỡ trang bị và huấn luyện của bạn, bộ đội phòng không với các đơn vị pháo cao xạ 12,7 mm, 37 mm đã đánh địch mạnh mẽ, bảo vệ con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ngay trên bầu trời Điện Biên Phủ, khi ta siết chặt vòng vây, quân Pháp chỉ còn cách duy nhất là tiếp vận bằng đường không cho quân đồn trú ở tập đoàn cứ điểm. Bộ đội cao xạ phòng không có thể nói đã khống chế chặt chẽ không phận Điện Biên Phủ, góp phần bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm, bắn rơi nhiều máy bay địch, góp phần định đoạt số phận của quân đội Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào chiều ngày 7/5/1954 lịch sử.

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, để bảo vệ bầu trời miền Bắc, các chiến sĩ phòng không vừa ngày đêm trực ban chiến đấu, vừa phải hoàn thành một khối lượng lớn chương trình huấn luyện và sử dụng tốt các loại vũ khí mới. Đặc biệt quan tâm đến bộ đội phòng không, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lá cờ “Học tập khá nhất” làm giải thưởng luân lưu cho các đơn vị. Và sau những năm tháng phấn đấu gian nan trong khổ luyện và sẵn sàng chiến đấu, bộ đội phòng không đã đạt nhiều thành tích và được Người ký tặng Huân chương chiến công hạng hai.

Quân chủng Phòng không được xây dựng ngày càng chính quy, hiện đại. có đầy đủ các loại hỏa lực từ pháo 12,7 mm, 14,5 mm, 37 mm đến các loại pháo 57 mm và 100 mm, đặc biệt là các loại tên lửa SAM I, SAM II đủ sức bảo vệ bầu trời Hà Nội, bảo vệ không phận miền Bắc với lực lượng phòng không ba tầng rất chặt chẽ.

Như vậy, với tầm nhìn xa, rộng, và sớm xác định kẻ thù, ngay trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã từng bước xây dựng lực lượng phòng không - không quân ngày càng lớn mạnh. Tiếp tục được xây dựng và phát triển trong những năm hoà bình, ngày 21/10/1963 theo quyết định của Bộ Quốc phòng, các lực lượng Phòng không và Không quân đã hợp lại thành Quân chủng Phòng không - Không quân. Việc thành lập quân chủng đánh dấu một bước phát triển, trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam trước yêu cầu bảo vệ và củng cố miền Bắc XHCN - hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Quyết định đó đáp ứng nguyện vọng thiết tha của cán bộ và chiến sĩ Phòng không và Không quân, đồng thời tạo nên một nguồn sức mạnh mới của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đầu tháng 8/1964, trước tình hình đế quốc Mỹ chuẩn bị dùng không quân và hải quân đánh phá hậu phương miền Bắc, tại phiên họp bất thường của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh.đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, quân chủng Phòng không – Không quân nói riêng: Phải “chuẩn bị chuyển sang thời chiến” (4) và tiếp đó kêu gọi các lực lượng vũ trang hãy cùng toàn dân “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Và khi đó, dù bộn bề công việc, Người vẫn dành thời gian đến thăm nhiều đơn vị bộ đội phòng không- không quân, động viên. cán bộ, chiến sĩ Quân chủng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội, bảo vệ miền Bắc.

3. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” mười hai ngày đêm cuối năm 1972

Cuối năm 1972, khi diễn biến thực tế trên chiến trường và việc thực hiện chủ trương “vừa đánh vừa đàm” của quân và dân ta ngày càng phát huy đuwọc sức mạnh của tinh thần “quyết đánh và quyết thắng”, tạo nên những thuận lợi cho việc đàm phán ở Pari, thì trung tuần tháng 12 năm 1972, Tổng thống Nixơn đã huy động lực lượng không quân mạnh nhất của Mỹ - máy bay B52 - mở cuộc tập kích chiến lược chưa từng có, nhằm tàn phá Thủ đô Hà Nội và thành phố Cảng Hải Phòng, tàn sát quân và dân ta với quy mô lớn. Cuộc tập kích này gọi là Chiến dịch Linebacker II - chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Chiến tranh Việt Nam, kéo dài từ 18/12 đến 30/12/1972.

Chiến dịch này là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10/1972, ngoại trừ điểm khác biệt lớn, là các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom chiến lược B52. Và nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Với hành động bạo ngược ấy, Nixơn muốn buộc Việt Nam phải đầu hàng, phải chấp nhận những điều sửa đổi có lợi cho Mỹ trong hiệp định đã được thỏa thuận”.

Lúc này, bộ đội Phòng không - Không quân, lực lượng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chăm lo, xây dựng và ngày một trưởng thành đã cùng một lúc phải đảm đương ba nhiệm vụ rất nặng nề: vừa tiếp tục tham gia tác chiến trong đội hình quân binh chủng hợp thành ở mặt trận phía Nam, bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị, vừa phải bảo vệ giao thông vận chuyển trên địa bàn Quân khu 4 và trên tuyến cửa khẩu vượt Trường Sơn, đồng thời lại phải luôn luôn sẵn sàng đánh trả một cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng. Buộc phải xé nhỏ lực lượng để đáp ứng các yêu cầu chiến lược nói trên, vùng trời Hà Nội, Hải Phòng lúc ấy được bảo vệ bằng một lực lượng thấp hơn nhiều so với thời kỳ cao điểm trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (diễn ra trước đó 5 năm). Khi đó, lực lượng tên lửa bảo vệ Thủ đô bước vào chiến dịch (18/12/1972) chỉ có không tới 10 tiểu đoàn. Trước và sau đêm Nô-en tăng thêm vài tiểu đoàn nữa. Còn pháo cao xạ của Hà Nội, Hải Phòng cùng lực lượng của Quân khu 3, Quân khu Việt Bắc, đường 1 bắc, đường 1 nam, cộng tất cả lại cũng chỉ được khoảng 15 trung đoàn và lực lượng Dân quân Tự vệ của Hà Nội, ngoài 4 trung đội pháo cao xạ 100 ly, còn có gần 200 trận địa súng tầm thấp, từ súng trường, tiểu liên, trung liên đến đại liên 12,7 ly, 14,5 ly.

Đứng trước những khó khăn, thách thức lớn như vậy, nhưng một sự bất ngờ mà Mỹ không hề lường đến đã diễn ra. Quân chủng Phòng không - Không quân (với lực lượng phòng không chủ lực, bao gồm các binh chủng pháo phòng không, tên lửa phòng không, không quân chiến đấu và ra đa cảnh giới) là lực lượng chuyên trách nòng cốt, cùng với lực lượng phòng không ba thứ quân đã làm tròn nhiệm vụ. Trong 12 ngày đêm của tháng 12-1972, miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B52, 5 F.111. Riêng Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 B52, 2 F.111, đã lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” làm chấn động dư luận thế giới. Bạn bè khắp năm châu vui mừng đến kinh ngạc, ca ngợi Hà Nội là “Thủ đô của phẩm giá con người”, còn kẻ thù thì kinh hoàng, hoang mang tột độ. Bị thất bại nặng nề, không đạt dược mưu đồ gây sức ép với ta, lại bị cả loài người tiến bộ lên án mạnh mẽ, 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Tổng thống Nixon buộc phải ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và ngày 15/1/1973 phải tuyên bố chấm dứt toàn bộ việc ném bom, bắn phá, thả mìn miền Bắc Việt Nam.

Không chỉ gây cho chúng những tổn thất hết sức nặng nề, thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” đã buộc chúng phải chấm dứt hành động ngông cuồng, phải ngồi lại bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Pari với những điều khoản đã thỏa thuận, không có chút thay đổi nào, quân dân ta còn đồng thời bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27/1/1973, đánh dấu một thắng lợi mới vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên bầu trời Hà Nội, chiến thắng được mệnh danh là "Điện Biên Phủ trên không" sẽ mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Đó chính là chiến thắng của tinh thần quyết chiến quyết thắng, “Không gì quý hơn độc lập và tự do”, của tinh thần thông minh và trí tuệ đặc biệt của dân tộc Việt Nam, đối với khối lượng sắt thép và đô la khổng lồ của đế quốc Mỹ. Con người đã thắng vũ khí; Chí nhân đã thắng tàn bạo; Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa, và đó cũng là thắng lợi của tinh thần: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “Bê” gì đi nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói (khi Người đến thăm quân chủng Phòng không Không quân, 19/7/1965).

38 năm đã trôi qua, song mỗi bước xây dựng và trưởng thành, mỗi chiến tắng của bộ đội Phòng không - Không quân trong 66 năm qua đều in đậm sự quan tâm, chăm sóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Đó cũng chính là nguồn sức mạnh nội lực nâng bước cán bộ, chiến sĩ của quân chủng trên những chặng đường chiến đấu và chiến thắng./.

TS. Lưu Trần Luân
Nxb. CTQG- ST Hà Nội
________________________

Chú thích:

(1) - Thiếu tướng Trần Hiếu Tâm: Nhớ lại những buổi đầu của không quân Việt Nam in trong Sách: Tuyên Quang trong cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp (Tuyển chọn Hồi ký), Nxb. CTQG, H, 2009, tr.606

(2), (3) - Lần đầu Bác đến thăm pháo cao xạ, in trong sách: Nguồn sức mạnh, Nxb. Sự Thật, H, 1992, tr.119-120

(4) - Dẫn theo Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. QĐND, H, 1995, tr186-187

Có thể bạn quan tâm

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website

Xem nhiều nhất