Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 6/11/2008 22:4'(GMT+7)

Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao lần thứ 4 giữa Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam

1. Chúng tôi, những người đứng đầu Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Liên bang Myanmar và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là CLMV) tổ chức họp Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 4 vào ngày 06-11-2008 tại Hà Nội, Việt Nam.

2. Chúng tôi đánh giá cao Bà Soe Ung Rat-cha-vi, Phó Tổng thư ký ASEAN đã tham dự Hội nghị Cấp cao này.

3. Chúng tôi nhắc lại các sáng kiến và quyết định đã thông qua tại các Hội nghị Cấp cao CLMV tại Viên Chăn, Lào năm 2004, tại Kuala Lumpur, Malaysia năm 2005 và tại Cebu, Philippines đầu năm 2007 và khẳng định lại quyết tâm thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp và cùng có lợi giữa các nước CLMV phù hợp với Tuyên bố Viên Chăn.

4. Chúng tôi kiểm điểm việc thực hiện Tuyên bố Viên Chăn và Chương trình hành động CLMV và khẳng định hợp tác CLMV phát triển tốt đẹp không chỉ là bằng chứng thiết thực cho nỗ lực của các nước CLMV trong việc duy trì và củng cố quan hệ hợp tác truyền thống và hữu nghị, mà còn đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, thu hẹp khoảng cách phát triển và hội nhập trong Tiểu vùng Mê Công và khu vực.

5. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các quan chức cao cấp (SOM) tại cuộc họp SOM CLMV ngày 28-8-2007 tại Hà Nội đã vụ thể hóa Chương trình hành động CLMV thành các dự án và nhất trí thông qua Danh mục dự án CLMV. Chúng tôi giao các Bộ trưởng và quan chức SOM xây dựng kế hoạch triển khai thực tế Danh mục dự án CLMV và yêu cầu cac quan chức SOM hàng năm báo cáo các nhà Lãnh đạo tiến độ triển khai các dự án và cập nhật Danh mục dự án CLMV hai năm một lần.

6. Về hợp tác thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, nhận thấy thương mại và đầu tư là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, chúng tôi nhất trí:

6.1 Tăng cường phối hợp chặt chẽ trong xúc tiến thương mại và đầu tư thông qua tổ chức các hội chợ CLMV ở các nước thành viên để tăng cường thương mại và đầu tư giữa các nước CLMV với nhau và giữa các nước CLMV với bên ngoài. Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam xem xét dành một số gian hàng cho các nước CLMV tại các hội chợ triển lãm quốc tế lớn do Việt Nam tổ chức.

6.2 Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của các nước CLMV về thủ tục cấp phép, lao động và các thủ tục khác trên cơ sở cùng có lợi trong những lĩnh vực có tiềm năng như chế biến cây công nghiệp, khai khoáng, thủy điện, phát triển hạ tầng và dịch vụ.

7. Về hợp tác giao thông, chúng tôi nhất trí:

7.1 Tăng cường phối hợp chặt chẽ khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế đi qua các nước CLMV, đặc biệt là Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế phía nam (SEC), Hành lang Kinh tế tuyến giữa (CEC) trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS). Chúng tôi giao Nhóm công tác về Giao thông tiến hành nghiên cứu việc kết nối đường bộ: 1-Hà Nội – Tây Trang (Việt Nam) tới Oudomxay – Luang Namtha (Lào) và Yangon (Myanmar); 2- Siem Reap (Campuchia) – Koh Khong, Champasak (Lào), và nâng cấp Hành lang Kinh tế phía Nam (SEC) thành đường cao tốc cơ sở;

7.2 Nâng cao hiệu quả thực hiện Hiệp định Đa phương CLMV về Dịch vụ hàng không. Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam và Myanmar xem xét khả năng mở đường bay trực tiếp từ Hà Nội tới Răng-gun và khuyến khích việc thiết lập các đường bay giữa các thành phố lớn, cac khu di dản văn hóa, tự nhiên ở các nước CLMV nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư và du lịch.

8. Về hợp tác công nghiệp và năng lượng giữa bốn nước CLMV, chúng tôi nhất trí tạo thuận lợi cho đầu tư của các nước CLMV thông qua ưu đãi đầu tư, đặc biệt là tạo thuận lợi về quy định lao động và thủ tục thanh toán, trong các lĩnh vực tiềm năng, bao gồm trồng và chế biến cây công nghiệp, khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, thăm dò dầu khí, phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông và các lĩnh vực khác.

9. Về hợp tác du lịch, chúng tôi hài long ghi nhận Tuyên bố của các Lãnh đạo ngành du lịch ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia về thúc đẩy hợp tác du lịch theo chương trình “Ba quốc gia – một điểm đến” và giao các cơ quan du lịch quốc gia của các nước CLMV xem xét khả năng Myanmar tham gia chương trình này.

10. Về phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về Chương trình học bổng CLMV, trong đó hàng năm Việt Nam xem xét dành học bổng cho các nước CLM, bao gồm học bổng đào tạo nghề và sau đại học. Chúng tôi nhất trí việc Việt Nam sẽ chuẩn bị các hướng dẫn cụ thể để thực hiện Chương trình học bổng CLMV.

11. Chúng tôi hoan nghênh việc tổ chức thành công và kết quả tích cực của Diễn đàn Hợp tác Phát triển Sáng kiến hội nhập ASEAN (IDCF-2) tại Hà Nội tháng 6-2007 và tiếp tục khẳng định đẩy nhanh hội nhập của các nước CLMV và tăng cường phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN phù hợp với Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI). Chúng tôi đề nghị Ban Thư ký ASEAN hỗ trợ các nước CLMV trong việc huy động nguồn lực tài chính từ các đối tác phát triển cho các dự án CLMV và hỗ trợ các nước CLMV triển khai Kế hoạch IAI giai đoạn 2 dự kiến thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14.

12. Nhận thấy rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước CLMV có lợi cho hội nhập toàn diện của khu vực, chúng tôi nhất trí tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn hợp tác tiểu vùng và khu vực, đặc biệt là trong các khuôn khổ chương trình hợp tác Tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mêkông (ACMECS), hợp tác ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV) và đàm phán của ASEAN với các nước khác về các thỏa thuận kinh tế, thương mại nhằm tăng cường vị thế chung vì lợi ích của cac nước CLMV nói riêng và cả khu vực nói chung.

13. Chúng tôi khẳng định lại nỗ lực của các nước CLMV là nhân tố quyết định đối với sự phát triển và hội nhập của mỗi nước. Chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ thiết thực của cộng đồng quốc tế đối với các nước CLMV trong phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi cảm ơn Nhật Bản đã hỗ trợ 20 triệu USD cho các nước tiểu vùng Mêkông, đặc biệt là các nước CLMV, thông qua Quỹ hội nhập ASEAN – Nhật Bản (JAIF) để nâng cao hiệu quả phân phối và dịch vụ tiếp vận trong Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) và Hành lang Kinh tế phía Nam.

14. Chúng tôi kêu gọi các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển tăng cường hỗ trợ thiết thực để bổ sung nguồn lực của bốn nước nhằm đẩy mạnh phát triển và hội nhập thông qua các biện pháp sau đây:

14.1 Tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước CLMV thông qua các sáng kiến song phương và khu vực hiện có, trong đó ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Chúng tôi giao các quan chức SOM phối hợp chặt chẽ và tham vấn thường xuyên với Ban Thư ký ASEAN và các đối tác phát triển có liên quan về hỗ trợ thực hiện các dự án khả thi trong Danh mục các dự án CLMV;

14.2 Tiếp tục đành đối xử ưu đãi đặc biệt và khác biệt về tiếp cận thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của các nước CLMV trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi Hội nhập ASEAN (AISP), các thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN và các nước liên quan; và

14.3 Khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các nước CLMV.

15. Chúng tôi nhất trí tăng cường phối hợp và tham vấn chặt chẽ giữa các nước CLMV để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác. Về vấn đề này, chúng tôi nhất trí:

15.1 Hội nghị Cấp cao CLMV sẽ họp hai năm một lần ở các nước CLMV theo vần chữ cái ABC hoặc cùng dịp với Hội nghị Cấp cao ACMECS, tùy theo thu xếp của nước đăng cai. Các Hội nghị Bộ trưởng CLMV sẽ họp cùng dịp với Hội nghị Cấp cao CLMV. Với tinh thần đó, chúng tôi nhất trí Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 5 sẽ tổ chức năm 2010 tại Campuchia.

15.2 Hội nghị SOM CLMV sẽ được tổ chức thường niên ở nước đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao CLMV và nếu cần thiết sẽ tổ chức thêm các cuộc họp SOM tùy theo tiến trình và tiến độ hợp tác CLMV.

16. Chúng tôi chân thành cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tổ chức tốt và dành sự đón tiếp nồng nhiệt trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 4.

17. Chúng tôi giao các Bộ trưởng và quan chức cao cấp (SOM) bảo đảm thực hiện tốt Tuyên bố chung này và báo cáo những Người đứng đầu Chính phủ nước mình về tiến trình triển khai.

Thông qua ngày 06-11-2008, tại Hà Nội, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam./.

TG

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất