Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 7/11/2008 19:33'(GMT+7)

Tuyên bố Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayayewady- Chao Phraya- Mê Công lần thứ 3

Lãnh đạo 5 nước tham dự Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 3 - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Lãnh đạo 5 nước tham dự Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 3 - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Chúng tôi, những Người đứng đầu Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Liên bang Mi-an-ma, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mặt tại Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayayewady- Chao Phraya- Mê Công (sau đây được viết là ACMECS) lần thứ 3 tổ chức ngày 7 tháng 11 năm 2008 tại Hà Nội, Việt Nam.

Chúng tôi khẳng định lại quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng thân thiện và cùng có lợi giữa các nước ACMECS theo tinh thần Tuyên bố Bagan.

Chúng tôi đánh giá cao kết quả quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần 3 tại Viên Chăn, CHDCND Lào vào tháng 3/2008 và tiếp tục khẳng định cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc triển khai Kế hoạch Hành động Viên Chăn giai đoạn 2008-2012 nhằm thực hiện tầm nhìn phát triển tiểu vùng Mê Công trở thành khu vực “toàn vẹn, hài hòa và thịnh vượng”.

Chúng tôi xem xét việc thực hiện Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ACMECS lần 2 và Chương trình Hành động ACMECS và hài lòng trước những tiến bộ quan trọng đã đạt được trong các lĩnh vực hợp tác như thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, y tế, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.

Chúng tôi nhận thức rõ từng nước ACMECS cũng như cả ACMECS cần tăng cường nỗ lực thúc đẩy ACMECS hiệu quả và thực chất hơn, không chỉ phục vụ lợi ích của các nước ACMECS mà còn thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế tiểu vùng sông Mê Công.

Dưới đây chúng tôi tuyên bố như sau:

1. Về hợp tác thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, chúng tôi hài lòng nhận thấy khối lượng trao đổi thương mại và đầu tư giữa các nước ACMECS ngày càng tăng mạnh. Để phát huy hết tiềm năng to lớn của các nước  ACMECS trong hợp tác thương mại và đầu tư, chúng tôi nhất trí:

1.1. Thông qua Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ACMECS về tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi ở các vùng biên và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội trong các vùng này ở các nước ACMECS;

1.2. Củng cố Hội đồng Kinh doanh ACMECS trở thành cầu nối thực sự để tăng cường quan hệ đối tác giữa Chính phủ các nước ACMECS với cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần đó, chúng tôi đánh giá cao việc lần đầu tiên tổ chức thành công Diễn đàn doanh nghiệp ACMECS và Đối thoại giữa doanh nghiệp với Lãnh đạo Cấp cao ACMECS bên lề Hội nghị Cấp cao và nghiêm túc xem xét các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp ACMECS nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi trong khu vực ACMECS. Chúng tôi khuyến khích Hội đồng Kinh doanh ACMECS tổ chức họp định kỳ, tốt nhất là vào dịp các Hội nghị Cấp cao ACMECS;

1.3. Tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào và giữa các nước ACMECS với nhau thông qua áp dụng các biện pháp khuyến khích đầu tư phù hợp với quy định và pháp luật của từng nước ACMECS; và

1.4. Khuyến khích việc phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư chung tại các nước ACMECS trên cơ sở luân phiên.

2. Về hợp tác nông nghiệp, chúng tôi nhất trí:

2.1. Hoan nghênh khuyến nghị của Hội nghị Bộ trưởng lần thứ nhất về hợp tác gạo ACMECS tổ chức ngày 24-25/9/2007 ở Siêm Riệp, Campuchia về việc thành lập cơ chế hợp tác gạo ACMECS;

2.2. Khuyến khích hợp tác chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, an toàn lương thực và năng lực cạnh tranh của hàng nông sản;

2.3.  Thúc đẩy trao đổi thông tin về kiểm soát dịch bệnh động vật và cải thiện thủ tục kiểm dịch nông sản vận chuyển qua biên giới;

2.4. Tăng cường hợp tác chặt chẽ về trồng cây nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học ở các nước ACMECS để cung cấp nguyên liệu cho phát triển nhiên liệu sinh học;

2.5. Nhận thấy phương thức canh tác theo hợp đồng góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế đối với hàng nông sản và là cơ chế có hiệu quả đảm bảo cung cấp đủ lương thực, qua đó có lợi cho các nước ACMECS. Các bên tham gia sẽ tạo thuận lợi cho việc thực hiện chương trình canh tác theo hợp đồng;

2.6. Xem xét việc hỗ trợ cho các tổ chức tài chính nhằm cung cấp tín dụng cho những hoạt động nông nghiệp và những hoạt động liên quan của các nhà nông nhỏ trong khuôn khổ các dự án của ACMECS;

2.7. Thúc đẩy thực hiện Chương trình Hành động ACMECS 2006 thông qua tăng cường trao đổi và hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp ở các nước ACMECS đầu tư trong nông nghiệp và chế biến nông sản.

2.8.  Khuyến khích hợp tác và tham vấn giữa các nước ACMECS và các đối tác phát triển để đối phó với các thách thức và rủi ro của khủng hoảng lương thực và đảm bảo an ninh lương thực.

2.9. Khuyến khích và nâng cao nhận thức của người sản xuất, nông dân, khu vực doanh nghiệp và chính quyền địa phương về lợi ích, quy định và thủ tục của chương trình canh tác theo hợp đồng thông qua các hội nghị, hội thảo.

3 Về hợp tác công nghiệp và năng lượng, chúng tôi nhất trí:

3.1. Khuyến khích nghiên cứu và mở rộng áp dụng và sản xuất năng lượng sinh học ở các nước ACMECS thông qua chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và chuyển giao công nghệ;

3.2.  Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ACMECS đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng, đặc biệt là thuỷ điện, thăm dò dầu khí;

3.3 Thúc đẩy việc phát triển các tuyến đường dây tải điện và mạng lưới điện qua các nước ACMECS;

3.4 Tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ trợ và tiếp vận dọc Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWWC); Hành lang Kinh tế Bắc Nam (NSEC) và Hành lang Kinh tế phía Nam (SEC) và;

3.5. Thúc đẩy và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ACMECS;

4. Về hợp tác giao thông, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên kết hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội của các nước ACMECS. Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến của Thái Lan về định vị tiểu vùng thành trung tâm trung chuyển giao thông. Để thúc đẩy phát triển mạng lưới giao thông tiểu vùng, chúng tôi nhất trí:

4.1. Khai thác các mạng lưới giao thông đường bộ và các hành lang kinh tế hiện có ở các nước ACMECS, đặc biệt là Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế Bắc Nam (NSEC) và Hành lang Kinh tế phía Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, và du lịch giữa các nước thành viên ACMECS;

4.2.  Hoan nghênh những kết quả quan trọng trong  việc đàm phán và triển khai Hiệp định GMS Vận tải qua Biên giới (CBTA), Bước đầu triển khai Hiệp định CBTA (IICBTA) và những hiệp định vận tải song phương  giữa các nước thành viên ACMECS, đặc biệt việc ký kết các Bản ghi nhớ giữa Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Thái Lan và Việt Nam  về việc thúc đẩy IICBTA ;

4.3. Đẩy mạnh hợp tác việc phát triển liên kết giao thông, đặc biệt tại các khu vực chưa được kết nối trong các tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế phía Nam và các tuyến hành lang khác, cũng như việc duy tu và bảo dưỡng các tuyến tắc nghẽn giao thông hiện có.

4.4. Hoan nghênh việc tổ chức thành công “Tuần lễ hành lang kinh tế Đông-Tây” tháng 8/2007 tại Đà Nẵng, Việt Nam và khuyến khích các nước ACMECS tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch tương tự tại các hành lang kinh tế khác.

4.5. Khuyến khích việc đàm phán để thiết lập các hiệp định giữa các nước ACMECS về việc tiếp nhận xe ô tô du lịch trên các tuyến đường chỉ định và hoan nghênh việc ký Thoả thuận giữa Lào, Thái Lan và Việt Nam về việc Vận hành đường bộ du lịch và khuyến khích các nước ACMECS khác tham gia thoả thuận này;

4.6. Khuyến khích phát triển các đường tuyến hàng không giữa các thành phố lớn, các khu di sản văn hoá và tự nhiên của các nước ACMECS để tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch.

5. Về hợp tác du lịch, chúng tôi hoan nghênh việc ký kết Hiệp định giữa Campuchia và Thái Lan về Thực hiện Thị thực chung ACMECS và mong muốn các nước ACMECS khác tham gia  chương trình này. Để thúc đẩy hợp tác du lịch hơn nữa, chúng tôi nhất trí:

5.1. Đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh nhằm tăng du lịch qua biên giới vào và giữa các nước ACMECS;

5.2. Thực hiện có hiệu quả việc xúc tiến, tiếp thị chung trong khuôn khổ chương trình “Năm quốc gia, Một điểm đến”, trong đó tiến hành các hoạt động xúc tiến chung và nghiên cứu khả thi các tua du lịch trọn gói chung trong lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch văn hoá/lịch sử như tua du lịch Bagan – Sukhothai – Siêm Riệp – Luông Phrabang - Huế - Hội An;

5.3. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó ưu tiên các chương trình và dự án đào tạo kỹ năng hướng dẫn viên, quảng bá, quy hoạch và quản lý du lịch; và

5.4 Tăng cường phối hợp trong việc xây dựng và kết nối các trang web du lịch của các nước ACMECS.

6. Về phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các nước ACMECS. Chúng tôi đánh giá cao Thái Lan và Việt Nam đã nỗ lực triển khai các chương trình học bổng cho các nước thành viên ACMECS khác. Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam và Thái Lan ký Bản Ghi nhớ về phát triển đào tạo nghề cho các nước ACMECS và mong muốn Bản Ghi nhớ này sớm được cụ thể hoá bằng các kế hoạch và chương trình thiết thực. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi nhất trí:

6.1. Khuyến khích thiết lập quan hệ đối tác và liên kết giữa các cơ sở giáo dục nhất là giữa những cơ sở cao đẳng đại học và đào tạo nghề ở các nước ACMECS nhằm xây dựng năng lực giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng các chương trình trao đổi giảng viên và học viên.

6.2. Tiếp tục thực hiện các chương trình học bổng hiện có, đặc biệt là các chương trình đào tạo nghề trong các lĩnh vực hợp tác của ACMECS; và

6.3.  Khuyến khích và kêu gọi các Đối tác Phát triển có quan tâm tham gia các dự án đào tạo của ACMECS và tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước ACMECS phát triển nguồn nhân lực.

7. Về lĩnh vực y tế, chúng tôi nhận thức rõ mối đe doạ và tác động tiêu cực của các bệnh truyền nhiễm đối với con người và phát triển kinh tế của các nước  ACMECS và kêu gọi các nước ACMECS có biện pháp và nỗ lực tập thể để nâng cao năng lực ứng phó trong việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm thông qua:

7.1. Tiếp tục triển khai Chương trình Hành động Phòng ngừa và Kiểm soát dịch cúm gia cầm được thông qua tại cuộc họp SOM ACMECS về phòng chống dịch cúm gia cầm tổ chức tháng 5/2006;

7.2. Tạo thuận lợi chia sẻ thông tin theo dõi, ngăn chặn và kiểm soát bệnh truyền nhiễm thông qua các hợp tác y tế và phổ biến các kinh nghiệm y tế tốt;

7.3. Tăng cường và phối hợp tốt các kế hoạch phòng chống dịch bệnh quốc gia ở các nước ACMECS, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh và kiểm dịch tại các cửa khẩu; và

7.4. Thúc đẩy việc xây dựng năng lực trong lĩnh vực y tế và thú y.

8. Về nguồn tài nguyên và môi trường, chúng tôi nhận thức rõ vai trò quan trọng của bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên chung, trong đó có nguồn nước, trong lưu vực 3 dòng sông Ayayewady, Chao Phraya và Mê Công đối với sự phát triển bền vững ở các nước ACMECS. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ môi trường tự nhiên và cam kết sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi tiếp tục khẳng định quyết tâm cao về tăng cường phối hợp và tham vấn chặt chẽ trong việc thực hiện cam kết nhằm sử dụng, quản lý và bảo tồn các nguồn lực tự nhiên và môi trường vì sự phát triển bền vững trong các khuôn khổ song phương và đa phương như Uỷ hội sông Mê Công (MRC) và Chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS). Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi quyết định thiết lập một nhóm công tác mới về hợp tác môi trường và giao cho các Bộ trưởng sớm triển khai quyết định này.

9. Về hợp tác với các đối tác phát triển, chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực và hiệu quả của các Đối tác Phát triển dành cho các nước ACMECS trong phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi nhận thức rõ việc thực hiện các dự án ACMECS trước hết phải dựa trên cơ sở tự lực để phát huy hết các nguồn lực sẵn có, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của các Đối tác Phát triển trong việc thực hiện các dự án ACMECS.  Để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa các nước ACMECS với các Đối tác Phát triển, chúng tôi nhất trí:

9.1 Giao các quan chức cao cấp (SOM) thảo luận kỹ với nhau và với các Đối tác Phát triển để hoàn thiện dự thảo Tài liệu Hướng dẫn về sự tham gia của các Đối tác Phát triển trong các dự án ACMECS và sớm trình Hội nghị Bộ trưởng ACMECS tới thông qua. Chúng tôi ủng hộ đề nghị của các quan chức SOM và các Bộ trưởng về việc đưa Tài liệu Hướng dẫn về sự tham gia của các Đối tác Phát triển vào các dự án ACMECS và danh mục các dự án ACMECS ưu tiên lên trang web chính thức của ACMECS;

9.2. Nghiên cứu khả năng tổ chức các cuộc họp cấp chuyên viên ACMECS với các Đối tác Phát triển, tốt nhất là bên lề các cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) ACMECS và cuộc họp Nhóm Công tác chuyên ngành nhằm trao đổi cụ thể sự hỗ trợ của các Đối tác Phát triển cho các dự án ưu tiên của ACMECS; và

9.3. Đa dạng hoá sự tham gia của các Đối tác Phát triển vào các dự án ACMECS ở nhiều cấp độ và phạm vi, trong đó bao gồm các khuôn khổ hai bên, ba bên và đa phương

10. Chúng tôi nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các nước ACMECS có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các dự án ACMECS.  Chúng tôi nhất trí:
10.1. Đề nghị các Nhóm Công tác chuyên ngành nhóm họp thường xuyên trên cơ sở luân phiên giữa các nước ACMECS để thảo luận và cập nhật tiến trình thực hiện các dự án ACMECS;

10.2. Tăng cường Nhóm Công tác ACMECS (AWG) tại Bangkok để phối hợp và trao đổi thường xuyên và giao AWG định kỳ cập nhật tình hình và tiến độ thực hiện các dự án ACMECS trên trang web chính thức của ACMECS; và

10.3. Giao các quan chức cao cấp (SOM) sớm tổ chức một cuộc hội thảo để cập nhật danh mục dự án ACMECS giai đoạn 2009 – 2012 và Chương trình Hành động ACMECS 2006 ở Thái Lan để báo cáo Hội nghị Bộ trưởng ACMECS tại Thái Lan năm 2009 thông qua. Việc đánh giá tiến độ triển khai Chương trình hành động ACMECS rất cần thiết để hợp tác hiệu quả và triển khai các dự án trong thời gian tới.

11. Chúng tôi hoan nghênh việc Vương quốc Campuchia đề nghị đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ACMECS lần 4 năm 2010. Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ thu xếp qua đường ngoại giao.

Thông qua ngày 7 tháng 11 năm 2008, tại Hà Nội, Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam./.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất